Thay vì khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, nhóm đối ngoại của Biden hướng tới các đồng minh để nỗ lực giải quyết các thách thức cấp bách của thế giới.

"Chúng ta không thể giải quyết tất cả các vấn đề thế giới một mình. Chúng ta cần làm việc với các quốc gia khác. Chúng ta cần sự hợp tác của họ", Antony Blinken - người được ông Biden đề cử là Ngoại trưởng Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh người Mỹ vẫn nên tự tin bởi không ai có thể vượt Mỹ về khả năng lãnh đạo đưa các quốc gia khác cùng vượt qua thách thức của thời đại.

Tuyên bố này của ông Blinken được nhiều các thành viên khác trong nhóm của Biden nhắc lại. Họ khẳng định niềm tin vào sự vĩ đại của nước Mỹ nhưng nhấn mạnh là sai lầm nếu Washington cứ "một mình một ngựa".

Bộ máy đối ngoại của Biden lật ngược khẩu hiệu 'Nước Mỹ trên hết' của Trump - 1
Antony Blinken - người được ông Biden đề cử là Ngoại trưởng Mỹ. (Ảnh: SCMP)

"Chủ nghĩa đa phương đã trở lại", Linda Thomas-Greenfield - người được đề cử vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc nói.

Hôm 23/11, ông Biden được Cơ quan dịch vụ Tổng hợp Mỹ (GSA) thông báo chính quyền Trump sẵn sàng khởi động quá trình chuyển giao quyền lực sau một thời gian dài trì hoãn.

Nhiều nhà quan sát nhận định, sự chậm trễ này có thể khiến tân Tổng thống và các cố vấn của ông lỡ mất thời gian chuẩn bị quý giá trước khi nhậm chức.

CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền Trump sẽ bắt đầu cho phép ông Biden tiếp cận với các báo cáo tóm tắt hằng ngày dành cho tổng thống.

Khi Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, ông và nhóm của mình sẽ phải đối mặt với một danh sách dài những thách thức nan giải.

Đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng ở Mỹ. Hơn 10.000 người Mỹ chết vì dịch bệnh chỉ trong tuần trước.

“Tổng thống đắc cử Biden và tôi từ lâu đã biết rằng khi chúng tôi đắc cử, chúng tôi sẽ "thừa hưởng" một loạt thách thức chưa từng có. Chúng tôi sẽ giải quyết những thách thức này bắt đầu bằng việc kiểm soát đại dịch này", Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris cho hay.

Hôm 24/11, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden cho biết cựu Ngoại trưởng John Kerry sẽ được bổ nhiệm làm đặc phái viên để lãnh đạo các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Dự kiến trên cương vị mới, ông Kerry sẽ đóng vai trò điều phối các chương trình của nhiều cơ quan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội Mỹ để thúc đẩy các ưu tiên chính sách về khí hậu.

"Lần đầu tiên Mỹ sẽ có một nhà lãnh đạo chuyên trách về khí hậu tham gia các cuộc họp cấp Bộ trưởng", ông Biden cho hay.

Biến đổi khí hậu là điều ông Biden đặc biệt quan tâm. Trong thời gian tranh cử, ông từng tuyên bố sẽ đưa Mỹ trở hiệp Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày đầu tiên chính thức nhậm chức, đảo ngược lại quyết định của chính quyền tiền nhiệm năm 2017.

Ngoài COVID-19 và biến đổi khí hậu, nhóm của Biden sẽ phải tính toán sách lược đối phó với các đối thủ cạnh tranh của Mỹ.

Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia tương lai tiết lộ đã được ông Biden giao trọng trách "tái định hình" an ninh quốc gia Mỹ. Các vấn đề cốt lõi sẽ bao gồm vũ khí hạt nhân và chủ nghĩa khủng bố cùng với “đại dịch, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng khí hậu, gián đoạn công nghệ, các mối đe dọa đối với dân chủ, bất công chủng tộc và bất bình đẳng dưới mọi hình thức”.

Biden cho biết trong các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới kể từ khi giành chiến thắng bầu cử, ông bị ấn tượng bởi việc họ mong chờ Mỹ tái khẳng định vai trò lịch sử của mình như một nhà lãnh đạo toàn cầu ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, và toàn thế giới.

"Nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn đầu thế giới, không thoái thác điều đó nữa. Một lần nữa ở vị trí lãnh đạo, sẵn sàng đối đầu với đối thủ và không từ chối đồng mình", ông Biden nhấn mạnh.

Miyeon Oh, chuyên gia tới từ Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington nhận định, nhiệm vụ của chính quyền mới hiện nay là cho thấy họ sẽ hợp tác với đồng mình như thế nào, đặc biệt là trong việc đối phó với Trung Quốc.

“Điều quan trọng là nhóm an ninh quốc gia Biden phải trình bày mục tiêu và chiến lược rõ ràng về chính sách Trung Quốc của họ càng sớm càng tốt. Các đồng minh và đối tác của Mỹ muốn biết chính sách Trung Quốc của Biden sẽ khác như thế nào với chính sách của Trump và chính quyền Obama", bà Oh nói.

Trung Quốc lo Biden đề cử lãnh đạo Lầu Năm Góc Trung Quốc lo Biden đề cử lãnh đạo Lầu Năm Góc "ít thiện cảm" với Bắc Kinh
Ông Biden cam kết củng cố liên minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương Ông Biden cam kết củng cố liên minh của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương

Ngày đăng: 08:17 | 25/11/2020

/ vtc.vn