10 năm kinh nghiệm tại Silicon Valley nhưng kỹ sư phần mềm người Việt Nam từ bỏ tất cả cơ hội, lựa chọn trở về quê hương khởi nghiệp.

 

 

10 năm kinh nghiệm tại Silicon Valley nhưng kỹ sư phần mềm người Việt Nam từ bỏ tất cả cơ hội, lựa chọn trở về quê hương khởi nghiệp.

Là thế hệ thanh niên đi thật xa để trở về, sở hữu thành tích ấn tượng Huy chương bạc tin học quốc tế, Nguyễn Bá Cảnh Sơn là kỹ sư phần mềm 10 năm kinh nghiệm tại Silicon Valley.

Nhận thấy mảng xe máy điện có nhiều tiềm năng, Sơn đã bắt tay vào nghiên cứu vào cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên. Sơn trăn trở, mục tiêu duy nhất cậu hướng đến là làm sao để người Việt Nam khi ra đường không phải đeo khẩu trang nữa, giống như những gì từng có ngày xưa.

Cảnh Sơn bày tỏ, xe điện trên thế giới hiện nay rất phát triển, tăng trưởng mỗi năm là 10%, tổng giá trị thị trường là 30 tỷ USD, đến năm 2025 là 60 tỷ USD. Ngay cả các nước châu Âu hay Mỹ, người ta đã bắt đầu đi xe điện 2 bánh, xe đạp, xe máy hay xe scooter thì người Việt Nam đang đứng ở một vị trí rất quan trọng để lấy được thị trường.

Kỹ sư bỏ Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp

Thị trường xe máy eco system không hề thua kém Trung Quốc hay Đài Loan. Một vài năm nữa không phải người Việt Nam sang Đức mua Mercedes nữa mà người Đức sang Việt Nam để mua về nước họ - Cảnh Sơn kỳ vọng.

Hiện, các bộ phận xe máy điện của Sơn được sản xuất tại Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc và Hồng Kông với giá bán là 59,9 triệu đồng/xe. Nhà máy lắp ráp tại Đà Nẵng có công suất 1.000 xe/tháng. Công suất động cơ 4.500 KW đi được tốc độ tối đa 80 km/h. Nếu kêu gọi thành công vốn để mở rộng quy mô sản xuất, Sơn sẽ bán được xe với giá 39,9 triệu đồng/chiếc.

Cũng đi xa để trở về như Cảnh Sơn, Nguyễn Hữu Ân cũng đang có những bước khởi nghiệp tại quê hương. “Tại Mỹ, xã hội đã rất phát triển. Mọi thứ dường như đều đi vào ổn định. Trong khi đó ở Việt Nam, tôi thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết hơn.

"Tôi quan niệm rằng nơi nào còn nhiều vấn đề thì nơi đó có nhiều cơ hội. Và tôi mong muốn nắm bắt các cơ hội đó để khởi nghiệp”, đó là câu trả lời của Ân khi được hỏi vì sao lại về nước. Ân từng 6 năm làm việc trong lĩnh vực lập trình, trong đó có thời gian làm việc tại công ty của Mỹ.

Quán quân Vietnam Startup Wheel, người đã vượt qua 1.500 startup, khẳng định sẽ làm hết sức cùng các cộng sự đưa sản phẩm phần mềm Việt ra khu vực và thế giới. Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, cách mạng công nghiệp 4.0, làn sóng khởi nghiệp bùng nổ, người trẻ đang có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ.

Quán quân cuộc thi khởi nghiệp tại Việt Nam

 

 

 

Việt Nam đang dịch chuyển nhanh nhạy, luôn là nước đi đầu, xu thế bắt kịp công nghệ mới như AI, Big data,... “Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố để startup thành công”, Ân nhấn mạnh.

Ân đặt mục tiêu mỗi ngày đào tạo ra những kỹ sư phần mềm Việt Nam chất lượng cao, có thể tạo ra những giải pháp công nghệ cho thị trường IT của thế giới, vốn đang bùng nổ và đầy cạnh tranh. Ân đặt mục tiêu đến cuối năm 2019, con số này sẽ tăng gấp đôi là 60 người.

Thách thức không nhỏ

Thực tế, khởi nghiệp trong nước không phải là con đường trải đầy hoa. Với dòng xe máy điện của Sơn, nhiều nhà đầu tư tỏ ra chưa cảm thấy tin tưởng về chất lượng sản phẩm. Thậm chí, nhà đầu tư còn cho rằng, ông không muốn đất nước bỏ rơi một nhân tài nhưng những gì Sơn đang làm về mặt kinh doanh và thị trường đều nhầm thời điểm, nhầm sản phẩm.

Trả lời về tính khác biệt so với các sản phẩm xe máy điện, xe máy xăng có giá thành ngang ngửa với xe điện trên thị trường, Cảnh Sơn cho hay, dòng xe này nhắm đến tính cá nhân hóa của người sử dụng. Đây là xe điện đầu tiên sạc 3 tiếng nhưng đi được hơn 100km và là xe điện đầu tiên của Việt Nam có công suất ngang bằng xe máy chạy xăng. Số tiền sạc pin chỉ 5.000 đồng/100km, rẻ gấp 10 lần nguyên liệu của xe chạy xăng.

Giải thích lý do công ty chưa có lãi nhưng vẫn định giá cao ngất ngưởng, Cảnh Sơn dẫn chứng hai thương hiệu đang sản xuất xe điện điển hình trên thế giới của Trung Quốc và Đài Loan. Hai công ty này khi mới có đội ngũ chưa ra sản phẩm đầu tiên thì mỗi công ty đã được định giá trên 50 triệu USD, hiện cả hai có giá trị trên tỷ USD. “Với quy mô sản xuất tụi em vẫn chưa có lãi nhưng nếu lên 1.000 chiếc, lãi suất là 30%” - Cảnh Sơn trình bày.

Còn theo Ân, khi làm startup là một doanh nghiệp có tạo ra giá trị cho xã hội hay không, có sinh ra dòng tiền dương hay không. Trào lưu startup hiện nay là gọi thật nhiều vốn, mở rộng công ty cho lớn rồi bán cổ phần, nhưng cuối cùng founder lại thành đi làm thuê.

“Làm gì cũng vậy, những cộng sự đi cùng mình phải đảm bảo cho họ thu nhập ít nhất hoặc bằng thu nhập họ đang có. Không thể startup đốt tiền liên tục từ nhà đầu tư hay của co-founder. Gia công phần mềm là ngành có thể được tiền luôn. Việt Nam là thị trường có nhân sự tốt, giá rẻ, có rất nhiều việc, làm không hết. Tập khách hàng của chúng tôi là các khách hàng có tiềm lực tài chính trung bình trở lên, công việc không thiếu chỉ thiếu người làm”, Ân nhấn mạnh.

Có thể nói, khởi nghiệp còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng những tấm gương như Sơn hay Ân sẽ là một động lực lớn cho người trẻ khi họ quyết tâm làm việc lớn trên ngay đất nước mình.

Duy Anh

Startup học hỏi kinh nghiệm từ nhà sáng lập Tiki

Đại diện 5 startup và ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập Tiki chia sẻ kinh nghiệm vượt thách thức giai đoạn đầu cùng ...

"Khát vọng của người trẻ là cốt yếu hệ sinh thái khởi nghiệp Việt"

Người trẻ luôn có tư duy mới, dấn thân và không sợ thất bại... yếu tố quan trọng có thể đưa hệ sinh thái khởi ...

Chàng trai gốc Việt kiếm hàng triệu USD khởi nghiệp từ tiền ảo

Tốt nghiệp đại học Washington chuyên ngành Tài chính Marketing, Hoàng Mạnh Khôi bỏ việc lương 70.000 USD/năm để khởi nghiệp dù mẹ kịch liệt ...

 


 

Ngày đăng: 09:35 | 13/11/2019

/ vietnamnet.vn