Bộ GTVT đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giải thể Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ sau 5 năm hoạt động
Thông tin trên được Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ xác nhận với Đất Việt ngày 14/8.
Ông Thọ khẳng định: "Việc giải thể sẽ không ảnh hưởng gì tới điều hành quản lý Quỹ bảo trì đường bộ vì sẽ có cơ chế quản lý mới theo Luật ngân sách".
Trước đó, theo Bộ GTVT, từ khi thành lập đến nay, điều hành quản lý Quỹ bảo trì đường bộ gồm có Hội đồng quản lý Quỹ và tham mưu cho Hội đồng quản lý Quỹ là Văn phòng Quỹ.
Từ năm 2017, thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật phí, lệ phí và Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn thu của Quỹ bảo trì đường bộ từ phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu phương tiện) nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.
Toàn bộ nhu cầu chi cho Quỹ bảo trì đường bộ đều do ngân sách Nhà nước cấp.
Việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho các địa phương.
Bộ GTVT đề xuất giải thể Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ
Theo cơ chế vận hành mới, Bộ GTVT nhận thấy vai trò của Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương có hạn chế, không đảm bảo hiệu quả như trước đây.
Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở kết quả đánh giá, tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, dựa trên ý kiến từ cả Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét và cho phép giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ trung ương.
Đồng thời, giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT làm Chủ tịch Quỹ hoặc giao Thứ trưởng làm Chủ tịch quỹ, giải thể Văn phòng Quỹ, chuyển toàn bộ các nhiệm vụ của Hội đồng Quỹ bảo trì đường bộ cho Chủ tịch Quỹ bảo trì đường bộ.
Các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng tham mưu cụ thể tương ứng theo nhiệm vụ được phân công cho Chủ tịch Quỹ.
Trong khi đó, theo Bộ Tài Chính, hiện Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương vẫn đang sử dụng nhân lực của các tổ chức trực thuộc Bộ GTVT để làm thay các công việc của Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương như: xây dựng dự toán, kiểm tra, thanh quyết toán kinh phí bảo trì đường bộ.
Việc này dẫn tới phát sinh thêm một tổ chức trung gian về danh nghĩa là nằm ngoài Bộ GTVT là Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương.
Thực tế, tổ chức này vẫn đang sử dụng biên chế và bộ máy của Bộ GTVT để thực hiện công việc được giao; dẫn đến chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giữa Bộ GTVT, các đơn vị thuộc Bộ GTVT và Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương trong việc phê duyệt kế hoạch, giao dự toán kinh phí ngân sách nhà nước, cấp phát và quyết toán kinh phí, gắn với trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được giao.
Ngoài ra, văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương chưa có đủ nhân sự và năng lực để độc lập quản lý toàn bộ kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm (khoảng gần 10.000 tỷ đồng) để phân bổ, cấp phát, quản lý kinh phí với 63 tỉnh, thành phố và 59 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT và các Sở GTVT được ủy quyền quản lý đường quốc lộ.
Trước đó, tại cuộc họp sơ kết hoạt động Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương quý I, ngày 19/4, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu có văn bản gửi Bộ Tài chính theo hai hướng là thống nhất với đề xuất của Bộ tài chính là “giải tán” Hội đồng Quỹ hoặc thay đổi chức năng là Hội đồng chỉ giám sát việc tổ chức thực hiện của Qũy.
Sau khi Thủ tướng đồng ý sẽ phải điều chỉnh lại Nghị định 18 về tổ chức hoạt động của Qũy và Qũy khi đó sẽ vận hành theo cơ chế mới. Đối với Văn phòng Quỹ, Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức, Vụ Tài chính tham mưu, đề xuất theo hướng gộp vào vụ Tài chính và có cơ chế vận hành phù hợp.
Trong một diễn biến liên quan, tại dự thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng luật Giao thông đường bộ sửa đổi, thay thế luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ GTVT cho biết, năm 2013, Quỹ bảo trì đường bộ chính thức đi vào hoạt động với số thu phí của Quỹ Bảo trì trung ương năm 2013 đạt 5.434 tỷ đồng, năm 2014 đạt 4.923 tỷ đồng, năm 2015 đạt 5.750 tỷ đồng và năm 2016 là 6.388 tỷ đồng...
Theo Bộ GTVT, Quỹ Bảo trì đường bộ trước mắt chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu quản lý, bảo trì, ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn phải cấp bù.
Cụ thể, đối với hệ thống quốc lộ, số thu của Quỹ năm 2013 đáp ứng 70%, năm 2014 đáp ứng được 45,12%, năm 2015 đáp ứng được 47,36%, năm 2016 đáp ứng được 47,8% và năm 2017 đáp ứng được 50,3%...
Châu An
Hơn 10.000 km đường quá hạn không có tiền bảo trì
Hiện còn khoảng trên 10.000 km đường đã quá thời hạn trung tu và đại tu mà không có kinh phí. |
Khi Bộ trưởng GTVT kêu chuyện tiền ít, đường xấu
Trước khi có Quỹ Bảo trì đường bộ, ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho bảo trì đường bộ khoảng 3.000 tỷ mỗi năm, khi ... |
Ngày đăng: 22:21 | 14/08/2018
/ http://baodatviet.vn