Theo Bộ Giáo dục, GS Trương Nguyện Thành có thể giữ chức hiệu phó phụ trách Đại học Hoa Sen và chờ Luật thay đổi thì bổ nhiệm hiệu trưởng.

Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng trả lời về tiêu chuẩn hiệu trưởng sau việc giáo sư Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen (TP HCM).

- Bà nhìn nhận thế nào về việc giáo sư Trương Nguyện Thành, người từng được TP HCM mời về, phải rời Đại học Hoa Sen vì không đủ tiêu chuẩn hiệu trưởng?

- Trước hết, chúng ta phải thống nhất hiệu trưởng và giáo sư là hai chức danh rất khác nhau nên tiêu chuẩn cũng khác. Tôi không muốn nói đến trường hợp cụ thể nào, nhưng nếu có một giáo sư giỏi mà không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng thì cũng không phải vấn đề gây ngạc nhiên. Trên thực tế, nhiều giáo sư tích lũy kinh nghiệm quản lý rồi trở thành hiệu trưởng, nhưng cũng có nhiều giáo sư không bao giờ trở thành lãnh đạo trường đại học.

Giáo sư Trương Nguyện Thành không được công nhận làm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen vì chưa đủ kinh nghiệm 5 năm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học. Quy định của Luật hiện hành là như vậy, các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ. Tất nhiên, luật pháp có tính lịch sử của nó, có quy định phù hợp với giai đoạn này nhưng lại không phù hợp với giai đoạn khác nên phải sửa đổi. Tiêu chuẩn hiệu trưởng là một quy định như vậy và đang được sửa.

Với trường hợp giáo sư Thành, đúng là các bên chưa xử lý linh hoạt việc bổ nhiệm. Nếu Đại học Hoa Sen và ứng viên thực sự quyết tâm cao thì vẫn có cách đạt được sự hợp tác, theo đúng luật và không nhất thiết phải bổ nhiệm chức danh ngay thời điểm điều đó đang trái luật, hoặc phải chấm dứt hợp tác.

Ví dụ, có thể bổ nhiệm với chức danh Phó hiệu trưởng phụ trách cho giáo sư Thành để chờ tới lúc Luật thay đổi phù hợp thì bổ nhiệm hiệu trưởng. Với lộ trình sửa Luật Giáo dục đại học hiện nay, nếu được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2018 thì giáo sư Thành có thể chỉ phải đợi một năm, vì tới 2019 là Luật sửa đổi có hiệu lực.

- Tại sao lại đặt ra quy định 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học?

bo giao duc cac ben chua xu ly linh hoat viec bo nhiem gs truong nguyen thanh

- Rất khó giải thích 5 năm là phù hợp mà 4 năm lại không, việc chọn một con số chỉ mang tính ước lệ. Luật hiện hành chọn 5 năm vì đó là một nhiệm kỳ quản lý. Thời gian không phải điều kiện, thước đo duy nhất. Nó phải kết hợp với các yếu tố khác để tạo thành bộ quy chuẩn hiệu trưởng trường đại học.

Thực tế quy định nào cũng có mặt trái, quan trọng là cơ quan quản lý phải có phương án phòng ngừa rủi ro. Ví dụ, với quy định thiên về định lượng, như 5 năm cương vị quản lý cấp phòng dễ hình dung, dễ áp dụng, tạo mặt bằng chung, nhưng cũng dễ bị coi là cứng nhắc, không linh hoạt trong trường hợp cụ thể.

Các quy định có tính chất định tính, cụ thể trong Luật giáo dục đại học 2012 chỉ quy định năng lực quản lý, quản trị… sẽ dễ áp dụng trong thực tế, nhưng cũng dễ bị vận dụng tùy tiện do phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền, không tạo ra mặt bằng chất lượng chung cho cả hệ thống.

Vì vậy, khi sửa luật, chúng tôi phải kết hợp cả tiêu chuẩn định tính và định lượng, để đảm bảo mặt bằng chung, nhưng cũng tạo ra sự tự chủ cho người có thẩm quyền và linh hoạt trong từng trường hợp nhất định.

- Trường tư thục hoạt động hoàn toàn bằng vốn cổ đông, nhưng Hội đồng quản trị lại không được quyền bổ nhiệm hiệu trưởng. Bà nghĩ sao khi điều này mâu thuẫn với quyền tự chủ của các đại học?

- Hiệu trưởng trường đại học tư thục hiện phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận. Tôi đồng ý tiêu chuẩn hiệu trưởng trong luật hiện hành cần chỉnh sửa cho phù hợp hơn trong giai đoạn sắp tới, nhưng không đồng ý về việc phân biệt công tư đối với chất lượng nói chung và chuẩn hiệu trưởng nói riêng. Trong điều kiện tự chủ đại học, các tiêu chuẩn tối thiểu cần áp dụng thống nhất để tạo mặt bằng chất lượng chung trong toàn hệ thống.

Khác với quản trị, quản lý nói chung, quản lý của một trường đai học công cũng như tư, đó là quản lý để tạo ra môi trường học thuật, học tập nghiên cứu, để các giáo sư, trí thức, nghiên cứu sinh, học viên làm việc hiệu quả nhất. Vì vậy không cần thiết phân biệt trường công, trường tư. Tất cả hiệu trưởng đều phải đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quản lý giáo dục đại học.

Thực tế hiện nay không phân biệt các chuẩn chất lượng giữa đại học công và tư thục, có khác nhau chỉ là về quy trình, thẩm định.

- Sắp tới, quy định bổ nhiệm hiệu trưởng sẽ thay đổi thế nào, thưa bà?

- Tiêu chuẩn có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm từ cấp khoa/phòng/ban trở lên được chúng tôi lấy ý kiến sửa đổi. Quy định này mang tính định lượng rõ ràng nhưng bó hẹp nguồn ứng viên hiệu trưởng.

Tiếp thu các ý kiến từ 5 lần hội thảo ở 5 khu vực lớn, Ban soạn thảo vẫn giữ định lượng kinh nghiệm quản lý như Luật hiện hành. Tuy nhiên, dự thảo mở rộng hơn, không bắt buộc có kinh nghiệm quản lý cơ sở giáo dục đại học (đã bao hàm ở cả cơ sở giáo dục đại học khác ở Việt Nam hay nước ngoài) mà chấp nhận cả kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học ở các cơ quan bộ, ngành, tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ…

Dự thảo bỏ quy định hiệu trưởng trường đại học tư thục phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận (trong Điều lệ trường đại học). Theo đó, hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục sẽ do hội đồng quản trị quyết định.

Qua hai dự thảo lần 4 và 5 cho đến nay, không có ý kiến góp ý về nội dung này. Tuy nhiên, đây mới là dự thảo để xin ý kiến Quốc hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để văn bản Luật được hợp lý hơn, vừa đáp ứng yêu cầu chuẩn hiệu trưởng để tạo ra mặt bằng chất lượng tối thiểu trong cả hệ thống, vừa đảm bảo quyền của hội đồng trường/hội đồng quản trị nói riêng và quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nói chung trong việc lựa chọn hiệu trưởng.

Hội đồng trường/hội đồng quản trị sẽ phải giải trình một cách thuyết phục với nhà trường, cổ đông và các bên liên quan về sự lựa chọn hiệu trưởng của họ, vì sự phát triển của nhà trường.

- Để đưa ra quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng, cơ quan xây dựng luật đã tham khảo thế nào kinh nghiệm các nước?

- Trong quá trình soạn thảo chúng tôi đã tổ chức hội thảo ở 5 khu vực lớn và được sự hỗ trợ của các nhóm nghiên cứu để tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Thực sự, các nước khác nhau có quy định rất khác nhau về chuẩn hiệu trưởng. Có nước, có trường yêu cầu có kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại học, như luật của Hungary, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ…

Có nước phải có vị trí tương đương cấp khoa, phòng, ban ở trong trường; có trường quy định phải ưu tiên ứng viên từng là hiệu trưởng trường khác như một số trường ở Australia… Cuối cùng, chúng tôi hiểu rằng trước khi làm hiệu trưởng, hầu hết các nước, các trường quy định có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học.

Giáo sư Trương Nguyện Thành (56 tuổi, quê Quy Nhơn, Bình Định) có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Năm 1990, ông Thành lấy bằng tiến sĩ và giành được giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ. Sau đó ông học tiếp sau tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, ông trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah.

Năm 2005, ông Thành được Phó chủ tịch UBND TP HCM khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân mời về nước diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam.

Giáo sư Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM. Cuối năm 2016, ông về công tác tại Đại học Hoa Sen với cương vị phó hiệu trưởng điều hành.

Quỳnh Trang thực hiện

bo giao duc cac ben chua xu ly linh hoat viec bo nhiem gs truong nguyen thanh Giáo sư ĐH Mỹ không đạt chuẩn hiệu trưởng ở Việt Nam: \'Chính sách cứng nhắc, cản trở trí thức về nước\'

GS Phạm Tất Dong cho rằng qua sự việc GS Trương Nguyện Thành không đủ chuẩn hiệu trưởng ở Việt Nam thì Nhà nước phải ...

bo giao duc cac ben chua xu ly linh hoat viec bo nhiem gs truong nguyen thanh GS Trương Nguyện Thành rời Đại học Hoa Sen

Sau hơn một năm về Việt Nam làm hiệu phó Đại học Hoa Sen, ông Thành không đủ chuẩn làm hiệu trưởng trường này.

Ngày đăng: 18:58 | 09/05/2018

/ VnExpress