Liên quan đến giá xăng dầu, nguồn cung xăng dầu trong thời gian tới, ngày 30/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kỳ điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/4 tới, chưa thể nói trước về việc giá xăng dầu sẽ tăng hay giảm.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trên thực tế, dù thuế bảo vệ môi trường (BVMT) giảm 2.000 đồng/lít xăng nhưng giá bán xăng dầu còn phụ thuộc vào giá xăng dầu trên thị trường thế giới.
Ngày 31/3, sau khi có giá trung bình của kỳ điều hành, Liên bộ Công Thương - Tài chính mới đưa ra mức giá xăng dầu. Bộ Công Thương sẽ điều hành nhằm mục tiêu mang lại lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp (sử dụng xăng dầu là mặt hàng đầu vào thiết yếu) và cho người dân.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để đánh giá sản lượng cung ứng xăng dầu và lên phương án với 10 thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu đảm bảo nguồn cung trong nước.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, do vướng mắc của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên thiếu hụt xăng dầu đã xảy ra trong thời gian ngắn. Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo PVN, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn báo cáo tái khởi động sản xuất, đảm bảo giao hàng cho thương nhân đầu mối. Bộ Công Thương đã yêu cầu thương nhân đầu mối đẩy mạnh nhập khẩu xăng dầu trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay, việc nhập khẩu không thể ngày một, ngày hai là hàng về. Hai năm qua, do dịch COVID-19, việc đàm phán mua lại xăng dầu rất khó khăn, tốn thêm chi phí cho doanh nghiệp đầu mối, nhất là chi phí vận tải, vận chuyển.
Theo Nghị quyết 18/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 15, từ ngày 1/4 đến hết 31/12/2022, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm 50%; dầu hoả được giảm 70%. Như vậy, mỗi lít xăng sẽ được giảm khoảng 2.000 đồng tiền thuế BVMT, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.
Ngày 30/3 tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ. Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục tăng đạt 54,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước.
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý I/2022 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tính riêng trong tháng 3/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hồi phục mạnh mẽ, ước đạt 34,06 tỷ USD, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá ở nhiều nhóm hàng, đặc biệt ở một số nhóm mặt hàng như nông sản, dầu thô, xăng dầu, phân bón, chất dẻo… Tính chung quý I/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 88,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10%. |
Giá xăng giảm, giá dầu tăng từ 1/4?
Mỗi lít xăng ở kỳ điều chỉnh mới ngày 1/4 có thể giảm, trong khi giá dầu đi ngang hoặc tăng không đáng kể nhờ ... |
Ngày đăng: 19:21 | 30/03/2022
/ cand.com.vn