Cơ quan chức năng đề xuất các trường trung học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với CSGT hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Ngày 15/5, Bộ Công an cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thứ XV, Ban soạn thảo đã chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện dự thảo dự án Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ.
Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung quy định mới liên quan việc giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ, được nêu cụ thể tại Điều 7.
Theo đó, dự thảo đề xuất giáo dục kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Lứa tuổi từ 16-18 là nhóm có nguy cơ vi phạm pháp luật về TTATGT và bị tai nạn giao thông cao nhất.
Cơ sở giáo dục có trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ vào chương trình chính khóa phù hợp với từng ngành học, cấp học.
Bên cạnh đó, trường trung học phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn theo quy định cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi học tại cơ sở.
Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học.
Nêu căn cứ đưa ra những bổ sung trên, Ban soạn thảo cho rằng, khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật TTATGT lần này nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện nay có nhiều đặc thù. Giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc.
Cũng liên quan đến lứa tuổi học sinh, dự thảo Luật TTATGT đường bộ cho rằng cần có quy định cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm TTATGT khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ TNGT đường bộ. Trong đó, TNGT liên quan độ tuổi dưới 18 tuổi chiếm 7,8% (khoảng 1.706 vụ). Riêng độ tuổi từ 16-18 tuổi xảy ra gần 900 vụ TNGT (chiếm hơn 51% số vụ TNGT), làm chết 490 người, bị thương 827 người.
Ngoài ra, đối tượng ở lứa tuổi từ 16-18 là nhóm có nguy cơ vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và TNGT cao nhất trong nhóm học sinh, sinh viên trên cả nước.
Ngày đăng: 08:20 | 15/05/2024
Thiện Nguyên / VTC News