Theo Bloomberg, doanh số bán trái phiếu chính phủ có thể tăng thêm trong năm tới khi thâm hụt ngân sách tăng vọt trên khắp thế giới.

Theo phân tích của Bloomberg, thế giới đang phải đối mặt với "cơn sóng thần nợ" - với việc lợi suất trái phiếu tăng đáng kể ở các nước phát triển, cùng với đó doanh số bán trái phiếu chính phủ có thể tăng thêm trong năm tới khi thâm hụt ngân sách tăng vọt trên khắp thế giới.

Bloomberg: Thế giới đối mặt với 'sóng thần nợ'. (Ảnh minh họa)

Bloomberg: Thế giới đối mặt với 'sóng thần nợ'. (Ảnh minh họa)

Ví dụ tại Mỹ, việc phát hành trái phiếu kho bạc dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 1,34 nghìn tỷ USD vào năm tới. Trong khi đó, thâm hụt của Mỹ vào năm 2026 được dự đoán sẽ tăng lên tới 2 nghìn tỷ USD.

Báo cáo chỉ ra rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá trị trái phiếu, nhưng “có một yếu tố không đổi trong một thế giới luôn thay đổi là việc phát hành nợ ngày càng tăng”.

Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) được cho là đã cắt giảm 95 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán mỗi tháng kể từ tháng 6/2022, giảm xuống còn 7,8 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi so với mốc 4 nghìn tỷ USD trước đại dịch.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra ở EU, nơi Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha dự kiến sẽ tăng doanh số bán trái phiếu lên hơn 1,1 nghìn tỷ euro (1,2 nghìn tỷ USD) vào năm tới. Ủy ban châu Âu cũng dự kiến ​​sẽ phát hành 150 tỷ euro trái phiếu.

 

Trong khi đó, nguồn cung trái phiếu chính phủ Anh dự kiến sẽ vào khoảng 260 tỷ bảng Anh vào năm tới, tăng 20% so với năm nay. 

Bloomberg viết: “Có nhận thức ngày càng tăng rằng các ngân hàng trung ương đang ở đỉnh điểm của chu kỳ tăng lãi suất, nhưng việc giảm danh mục trái phiếu sẽ tiếp tục thắt chặt các điều kiện tiền tệ”. 

Trước đó, theo TTXVN, nợ công toàn cầu trong quý 3 năm 2023 đã lên mức cao kỷ lục 307.400 tỷ USD, trong đó tỷ lệ nợ công tính theo Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế đang nổi cũng ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Báo cáo ngày 16/11 của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính nợ toàn cầu đến cuối năm nay sẽ lên tới 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong 5 năm.

IIF cho biết nợ chính phủ trong quý 3 có mức tăng lớn nhất, trong khi nhiều quốc gia ghi nhận mức thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn nhiều so với trước đại dịch COVID-19.

Khoảng 65% số nợ tăng trong quý vừa qua tập trung ở các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Anh. Các thị trường mới nổi Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mexico cũng ghi nhận mức tăng mạnh.

https://vtc.vn/bloomberg-the-gioi-doi-mat-voi-song-than-no-ar836700.html

Ngày đăng: 08:16 | 27/11/2023

PHƯƠNG ANH (Nguồn: RT) / VTC News