Ngoài các tiện ích như nhanh, tiết kiệm chi phí thì giao dịch bằng tiền ảo bitcoin tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tính chất phức tạp của nó là ẩn danh. Vì vậy, bitcoin đang trở thành một công cụ hoàn hảo cho tội phạm rửa tiền, cá độ bóng đá, chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài…
Tiền ảo bitcoin tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: TL |
Dùng tiền ảo là bất hợp pháp
Liên quan đến tiền ảo, NHNN vừa đưa ra thông điệp: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, NHNN đã xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền ảo với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Đại diện NHNN cho biết, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bitcoin và các loại tiền ảo khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150 triệu đến 200 triệu đồng. Từ ngày 1.1.2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sự thận trọng của các cơ quan quản lý đối với đồng tiền kỹ thuật số cũng là điều dễ hiểu. Ngoài các tiện ích như nhanh, tiết kiệm chi phí thì giao dịch bằng tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tính chất phức tạp của nó là ẩn danh, không thể biết ai là người cầm tiền. Giao dịch xong là dấu vết không còn.
Cũng chính vì tính chất ẩn danh mà đồng tiền này tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp. Các đối tượng có thể đổi tiền đồng sang tiền bitcoin rồi thông qua các ví điện tử chuyển tiền ra nước ngoài trong nháy mắt mà không mất một đồng lệ phí. Hình thức này thuận tiện và rẻ hơn rất nhiều so với việc chuyển khoản qua ngân hàng phải mất từ 40-50USD. Phí chuyển tiền qua ví điện tử có khi chỉ 0 đồng. Cách làm này tạo lỗ hổng cho việc rửa tiền, chuyển tiền từ Việt Nam sang các nước khác để mua bất động sản, tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp khác.
Bitcoin được bọn tội phạm coi là phương tiện rửa tiền hoàn hảo. Ảnh: A.C |
Dùng bitcoin, nếu giao dịch hàng tỉ USD cũng không ai biết!
Tính riêng 8 tháng đầu năm 2017, công an đã phát hiện ít nhất 7 vụ cá độ bóng đá với số lượng tiền giao dịch khoảng 3.000 tỉ đồng. Hầu hết các vụ việc bị bóc gỡ đều có đặc điểm là, các đối tượng dùng hình thức chuyển tiền qua khâu trung gian.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho biết, việc dùng Bitcoin như công cụ chuyển ngoại tệ ra nước ngoài là phạm pháp.
Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Thêm vào đó, việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - việc sử dụng đồng tiền bitcoin để giao dịch, đặc biệt là những giao dịch lớn, trong đó không loại trừ khả năng có những giao dịch bất hợp pháp thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi không một ai có thể kiểm soát được đồng tiền đi đâu, giá trị hàng hóa trao đổi như thế nào, chính vì vậy, nó sẽ tăng nguy cơ lợi dụng lỗ hổng để vi phạm, trong đó không loại trừ khả năng rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Theo quy định hiện nay, bất cứ giao dịch nào liên quan đến tài sản cần phải công khai và thực hiện những quy định về thanh toán, nộp thuế, thống kê báo cáo... “Chính vì vậy, nếu các giao dịch hợp pháp được thực hiện qua ngân hàng thì rất khó có thể che giấu được dấu vết, dòng tiền và rất dễ bị phát hiện nếu có giao dịch bất hợp pháp”. Bởi hiện nay, các giao dịch có giá trị vài trăm triệu một ngày phải báo cáo với Chủ tịch Nước và Bộ Công an để kiểm soát, theo dõi. Còn đối với bitcoin, các giao dịch có thể lên đến hàng tỉ USD mà không ai biết.
Cũng theo luật sư, nhiều doanh nghiệp cũng đã lợi dụng điều này để trốn thuế bằng cách giao dịch thông qua đồng tiền ảo bitcoin, đặc biệt đối với các đơn vị xuất nhập khẩu. So với trước đây, ngoại tệ được chuyển qua lại trong và ngoài nước thì rất dễ phát hiện sai phạm, còn thông qua đồng bitcoin lại quá “đơn giản và bí mật”.
Hiện tại, Việt Nam chưa công nhận loại tiền ảo này nên chúng ta cũng chưa có hành lang pháp lý để quản lý tiền bitcoin. Song Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định, “chúng ta không thể kiểm soát được bitcoin” vì bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau. Kể cả khi chúng ta công nhận loại tiền ảo này thì cũng chỉ với mục đích giải quyết tranh chấp khi có vấn đề xảy ra. Vì vậy, nó không khác nào ngoại tệ đen trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Nếu chúng ta công nhận loại tiền ảo này, việc quản lý cũng rất phức tạp, vì phải quản lý gián tiếp thông qua nhiều yếu tố như thu nhập của người dùng, hàng hóa ra sao... Như vậy mới có thể phòng ngừa các nguy cơ trong đó có nguy cơ rửa tiền - Luật sư Đức cho biết.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao - PC50 (Công an Hà Nội), chia sẻ, hiện nay Việt Nam không công nhận và không bảo hộ loại tiền ảo (Bitcoin) này. Bitcoin được người dùng coi như một phương tiện thanh toán chính vì vậy người ta trao đổi với nhau. Bản chất của nó là thuật toán. Cũng theo cán bộ này thì một số nước trên thế giới đã được công nhận cho mua bán. Ví dụ như Nhật Bản. Tuy nhiên, tỉ lệ công nhận ít vì rủi ro.
Bitcoin \'không chịu\' xuống giá sau khi cán mốc kỷ lục 6.300 USD
Giá bitcoin vừa chạm mức kỷ lục 6.300 USD lần đầu tiên vào cuối ngày 29.10, chỉ 10 ngày sau khi phá mốc 6.000 USD. |
Chơi sàn tiền ảo, rủi ro khó lường
Cơn sốt tiền ảo đang lan rộng ở Việt Nam và cùng với đó là sự xuất hiện của các sàn đầu tư tiền ảo ... |
Bitcoin: Xu hướng hay trò lừa đảo?
Đại học FPT chấp nhận thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên nước ngoài đang là tâm điểm bàn luận trên ... |
(http://laodong.vn/kinh-te/bitcoin-la-phuong-tien-rua-tien-hoan-hao-cua-toi-pham-573322.ldo)
Ngày đăng: 09:21 | 01/11/2017
/ Theo Lan Hương - Cao Nguyên/Lao động