Trạm tránh trú bão tại Trạm Y tế xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) có 30 người dân, chủ yếu là người già và người có bệnh.

Cứ bão là "bỏ nhà mà chạy"

22h30 ngày 27/9, tại xã Hoài Hải có mưa nhẹ, nhưng gió to, sóng biển cao, biển động dữ dội. Thị xã Hoài Nhơn có tổng cộng 2.583 hộ dân phải di dời, trong đó riêng 6 xã, phường ven biển có 1.723 hộ.

Thị ủy, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, hội, đoàn thể tập trung thực hiện, đến chiều 27/9 đã cơ bản hoàn thành công tác di dời dân, huy động nhiều nguồn lực để phục vụ người dân tại các điểm di dời.

Trạm Y tế xã Hoài Hải là một trong những nơi được chọn làm chỗ tránh trú bão cho người dân. Từ chiều 27/9, hơn 30 người dân xã Hoài Hải đến tránh bão.Trong số đó đa phần là người già, phụ nữ sắp sinh và những người đang có bệnh.

20h ngày 27/9, khi gió bắt đầu gào thét ngoài song cửa, bên trong Trạm Y tế, nhiều câu chuyện vui buồn lẫn lộn được người dân chia sẻ như để "giết thời gian", cũng để vơi đi nỗi lo trong lòng.

Bình Định: Vào trạm tránh bão Noru nghe các cụ kể chuyện bỏ nhà 'chạy bão' - 1

Cụ Phóng cùng người chồng ốm yếu, nằm đâu nằm đấy đã 2 năm qua.

Cụ Nguyễn Thị Phóng (87 tuổi) chia sẻ, gia đình cụ có 7 người, thì 3 con trai đang theo tàu ra khơi và 2 người con gái đã đi sơ tán nơi khác. Cả cuộc đời của hai cụ gắn liền với chữ "nghèo" và những lần tất tả tìm chỗ tránh trú khi bão ập tới xã biển nghèo Hoài Hải.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, nỗi lo của cụ không những chẳng vơi đi mà còn có phần thêm khắc khoải. Nằm bên cụ ông tại nơi tránh trú, ánh mắt cụ thỉnh thoảng lại dõi ra cửa như ngóng chờ bước chân những đứa con trai trở về.

Tôi vừa lo cho 3 đứa con trai còn lênh đênh ngoài biển lại lo căn nhà tốc mái. Ba đứa con theo tàu ra biển hơn tuần thì có tin báo bão, tụi nó có gọi điện về nói đã ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng vẫn thấp thỏm lắm chứ. Mấy bữa nay tui ăn không ngon ngủ không yên. Chỉ mong bão tan, con và những ngư dân khác trở về an toàn", cụ Phóng lo lắng.

Căn nhà cấp 4 tuy đã chằng chéo cẩn thận, nhưng cụ lo gió to sẽ thổi bay mái nhà. Sáng 27/9, cán bộ xã cùng bộ đội biên phòng qua nhà, thấy ngôi nhà của cụ đã xuống cấp lại ở sát biển nên cấp tốc giúp hai cụ gói ghém đồ đạc rồi chở lên điểm Trạm Y tế để tránh trú.

"Nhà cấp 4, xây lâu lắm rồi nên mỗi khi mưa to gió lớn là rung lắc lắm. Mấy năm nay, mỗi khi có bão là tui và ông nhà phải 'bỏ' nhà để đi ở nhờ nhà người quen hoặc đến các trạm tập trung tránh trú", cụ Phóng nói.

Bình Định: Vào trạm tránh bão Noru nghe các cụ kể chuyện bỏ nhà 'chạy bão' - 2

Chia sẻ về kinh nghiệm "chạy" bão, các cụ cho biết, vì có chính quyền hỗ trợ về thực phẩm, thời gian đi tránh trú bão cũng không dài nên mỗi người cũng không cần chuẩn bị đồ đạc nhiều, chỉ cần ít quần áo, đồ đạc cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân.

Cụ Nguyễn Thị Mai (71 tuổi) vừa ngồi bón sữa cho người chồng hơn 80 tuổi bị tai biến vừa kể: "Ông ấy bị tai biến, nằm đâu nằm đấy đã 4 năm nay. Nhà có 4 người con trai thì đi  biển hết, chiều nay phải nhờ các anh bộ đội biên phòng cõng ông ấy đến điểm sơ tán", cụ Mai kể.

Với cụ, mỗi lần bão vào là mỗi lần lo lắng. Trong đời, cụ đã trải qua gần chục lần đi tránh bão. Cách đây 3 năm một cơn bão lớn cũng khiến căn nhà của hai cụ bay mất nóc. Mỗi lần bão là mỗi lần cụ tất bật gói ghém đồ đạc đem qua nhà họ hàng gửi rồi lại lật đật về chuẩn bị đồ đạc để hai vợ chồng đến điểm tránh trú an toàn.

"Sợ lắm rồi, có lẽ tới chết mới hết cảnh hàng năm nơm nớp lo chạy bão", cụ Mai thở dài.

Bình Định: Vào trạm tránh bão Noru nghe các cụ kể chuyện bỏ nhà 'chạy bão' - 3

Cụ Lanh với đôi mắt mệt mỏi vì đang bị ốm.

Cạnh vợ chồng cụ Phóng, cụ Nguyễn Thị Lanh (73 tuổi) với đôi mắt mệt mỏi vì đang bị ốm.

Năm 2018 trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với cụ. Trận bão khi đó ập xuống khiến nhà cụ bị cuốn đi một phần, kinh khủng hơn là hai vợ chồng cụ khi đó đều đang ốm "thập tử nhất sinh", phải nhờ hàng xóm dùng cáng đưa tới điểm tránh trú.

Rút kinh nghiệm năm đó, giờ cứ nghe thông tin có mưa bão là cụ Lanh lại nhắc nhở các con tới nhà người thân xin ở nhờ, còn cụ ra trạm y tế, trường học ở tạm. Vài năm trở lại đây, cụ luôn “sống trong sợ hãi”, cứ thấy mưa lớn là... "lệnh" cho con cháu đưa hai vợ chồng đi tránh bão.

Bình Định: Vào trạm tránh bão Noru nghe các cụ kể chuyện bỏ nhà 'chạy bão' - 4

"Mẹ ỏng" sắp tới ngày sinh đang tránh trú tại Trạm Y tế

Còn chị Nguyễn Thị Hà cho  biết: "Gia đình tôi ở ngay sát biển nên từ mấy hôm trước các cán bộ xã đã đến vận động sơ tán đến điểm tránh trú. Còn vài ngày nữa là tới ngày dự sinh nên tôi chọn Trạm Y tế để tá túc. Nhà không có gì giá trị, trước khi đi đã lấy bao cát đè mái nhà, đồ đạc thì bỏ bao tải treo lên cao. Sợ bão lắm rồi, tôi đã 4 lần đi trú bão liên tiếp rồi".

Sơ tán 14.729 người khỏi khu vực nguy hiểm 

Bình Định: Vào trạm tránh bão Noru nghe các cụ kể chuyện bỏ nhà 'chạy bão' - 5

Ông Trần Minh Lâm - Chủ tịch xã Hoài Hải - tới kiểm tra các điểm tránh trú của bà con trong xã.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, toàn tỉnh Bình Định có 164 hồ chứa có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên; đến 17 giờ ngày 27/9, dung tích đạt 32,16% dung tích thiết kế, các hồ lớn đang được điều tiết đưa về mực nước thấp nhất để đón lũ. Đến 14 giờ ngày 27/9, có 161 tàu/1.199 lao động nằm trong vùng nguy hiểm.

Trong đó, 3 tàu với 21 lao động nằm trong vùng di chuyển của bão đã nhận thông tin về diễn biến của cơn bão số 4, đã đang di chuyển xuống phía Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão; 158 tàu với 1.175 lao động đã nhận thông tin về diễn biến của cơn bão và tiếp tục di chuyển xuống phía Nam ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. 

Các khu neo đậu tàu cá (Cảng Tam Quan, cảng Đề Gi và cảng Quy Nhơn đã tiếp nhận 5.600 tàu. Toàn bộ các tàu đang bốc dỡ hàng hóa ở khu vực cảng Quy Nhơn đã được hướng dẫn và di chuyển vào tránh trú tại vịnh Xuân Đài (Phú Yên) từ chiều 26/9.

Đối với tàu công trình, Cảng vụ cho di chuyển neo đậu vào vị trí an toàn ở đầm Thị Nại; đồng thời bố trí các tàu lai dắt ứng trực 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp.

Toàn tỉnh đã sơ tán 5.109 hộ/14.729 người; 557 khách du lịch hiện có tại các cơ sở lưu trú ven biển đã được thông tin về cơn bão số 4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cho biết, để đảm bảo an toàn trong công tác ứng phó với bão số 4, UBND tỉnh đã có Thông báo về việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, Chính quyền và Đoàn thể trên địa bàn tỉnh nghỉ làm việc ngày 28/9 (trừ các bộ phận được phân công tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 4 và các lực lượng khác do thủ trưởng cơ quan quyết định);

Đồng thời, yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà kể từ 21h00 ngày 27/9 cho đến khi hết bão, ngoại trừ các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 4 và các tình huống khẩn cấp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo an toàn yêu cầu phòng, chống bão số 4.

 

https://vtc.vn/binh-dinh-vao-tram-tranh-bao-noru-nghe-cac-cu-ke-chuyen-bo-nha-chay-bao-ar703587.html

 

Ngày đăng: 09:34 | 28/09/2022

NGUYỄN GIA- AN NHIÊN / VTC News