Được xem là đô thị lớn nhất nước với dân số hơn chục triệu người, TPHCM là nơi mà hàng triệu lao động trên khắp các mọi miền muốn đến để làm ăn, sinh sống. Trên đường xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại, TPHCM xác định phải giải quyết được 2 vấn đề mà người dân bức xúc nhất hiện này là kẹt xe và ngập nước.
Hàng chục hộ dân trên đường An Dương Vương phải thuê máy để bơm nước ra khỏi nhà sau những trận mưa lớn. Ảnh: Trường Sơn |
Trong mùa mưa năm nay, nạn ngập nước đang lan rộng khắp các địa bàn thành phố và đang trở thành nỗi bức xúc không chỉ của người dân mà còn khiến các cơ quan chức năng phải đau đầu xử lý.
Khốn khổ vì nước ngập lút nhà, phá hỏng tài sản
Vốn chưa từng biết “mùi” ngập là gì nên giờ lâm cảnh suốt ngày lội nước bì bõm, cõng con đến trường, rất nhiều người sống trên đường số 1, phường An Lạc, quận Bình Tân không khỏi bức xúc khi nói về tình trạng thê thảm mà mình đang gánh chịu. Họ cho biết, cách đây mấy năm, con đường này được làm mới, thảm nhựa rất đẹp khiến ai nấy cũng đều rất vui mừng.
Do kết nối với đường An Dương Vương (quận Bình Tân) vào khu chung cư đông đúc nên đây trở thành con đường xương sống, dân cư dày đặc. Cách đây mấy tháng, nhà nước cho nâng cấp đường An Dương Vương, tôn nền, thảm nhựa mới. Khi những nhà mặt tiền đường này vui mừng thì hàng trăm hộ dân trên đường số 1 “méo mặt”, bởi từ đây đường số 1 trở thành sông mỗi khi mưa lớn hay triều cường dâng cao.
“Cứ mỗi trận mưa, nước không thoát đi đâu được vì đường này đã thấp hơn đường An Dương Vương mới vài chục cm. Chưa kể, do bị trũng nên nước các nơi đổ về khiến tình trạng ngập ở đây càng trầm trọng thêm” – chị Loan – một hộ dân sống trên đường số 1 than thở.
Cũng đồng cảnh ngộ với chị Loan, chị Châu – thuê nhà trên đường này để kinh doanh nhưng suốt mấy tháng nay không thể làm ăn gì được vì nước lúc nào cũng chực chờ tràn vào nhà khi những chiếc xe tải hay ôtô ngang qua.
“Mỗi lần ôtô chạy ngang qua là sóng đánh vào nhà, ướt hết đồ đạc và vải mà tôi mang về để may. Có lần, nước còn bắn lên cả giường ngủ khiến cả đêm hai mẹ con tôi không thể ngủ được. Có lần tôi tính chuyển đi nơi khác nhưng hợp đồng thuê nhà đã trả hết tiền, giờ đi thì tiền đâu mà xoay sở” – chị Châu tâm sự.
Dẫn chúng tôi vào lớp, một cô giáo dạy trường mầm non tư thục tại đây kể suốt mấy tháng nay các cô và hàng chục phụ huynh phải cõng các cháu đến trường vì đường ngập sâu, chạy vào là chết máy. Để sóng không đánh vào làm ướt các cháu, các giáo viên tại đây phải di tản các cháu lên lầu trên.
Không chỉ vậy, ngay sát ngôi trường mầm non này, một ngôi nhà 2 tầng cũng bị ngập thê thảm, nước tràn vào nhà làm hư nhiều máy móc trị giá hàng trăm triệu đồng, tràn vào phòng ngủ. “Nước ngập suốt cả tuần lễ mới rút nên tôi đưa mẹ già lên lầu để ở, không dám xuống bên dưới ngoại trừ lúc lội ra chợ mua ít nhu yếu phẩm” – chị chủ ngôi nhà này nói với giọng buồn buồn.
Nâng đường thì ngập nhà dân, bơm thì không đủ công suất
Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đã đề xuất các cơ quan liên quan xây dựng nghị quyết để trình lên UBND phê duyệt trước khi trình HĐND TP biểu quyết về việc bồi thường, hỗ trợ cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, trong đó có các tuyến đường nâng lên để chống ngập.
Với tổng kinh phí dự tính là hơn 300 tỉ đồng cho việc giải quyết các hậu quả của việc nâng đường chống ngập trong các năm vừa qua, cơ may có được điều kiện cải tạo nhà ở của hơn 8.400 hộ dân đã phần nào có được chút hy vọng thoát khỏi cảnh “nhà biến thành hầm”.
Mới đây, để chống ngập cho đường Kinh Dương Vương, các cơ quan chức năng đã cho nâng đường này lên. Tuy nhiên, khi dự án đang được thực hiện thì hàng chục hộ dân sống dọc hai đường này kêu rằng nếu nâng lên cao trình mà các cơ quan chức năng phê duyệt thì nguy cơ nhà họ đang ở bị biến thành hầm là điều không thể tránh khỏi.
Trước yêu cầu chính đáng của người dân, chính quyền TPHCM đã đồng ý hạ thấp một phần cốt nền đường mới. Nhờ quyết định này, nhiều nhà dân chỉ bị ảnh hưởng nhẹ nhưng cũng có hàng trăm nhà dân bị thấp hơn mặt đường từ 0,5 đến 1,5m. Hiện nhiều hộ này trong số này đã tự sửa chữa nhà ở để thuận tiện kinh doanh nhưng cũng nhiều hộ đang ở trong căn nhà có trần thấp lè tè, không khác gì những căn hầm.
Theo báo cáo của Trung tâm chống ngập TPHCM, hiện nay tình trạng ngập ở vòng xoay An Lạc (giao nhau giữ đường Kinh Dương Vương và QL1) là nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống cống (do Trung tâm quản lý Hầm vượt sông Sài Gòn) quản lý đã bị tắc khiến nước từ các nơi tràn về khu vực này. Sau những trận mưa lớn, khu vực này bị ngập trung bình khoảng 20cm nhưng theo quan sát của PV thì có thời điểm nơi này ngập lút 2/3 bánh xe gắn máy khiến xe máy, ô tô qua đây chết máy la liệt.
Để hỗ trợ người dân, bên cạnh việc thông cống, vớt rác, các công nhân môi trường còn cho mở miệng cống để nước thoát nhanh hơn. Bên cạnh đó, CSGT TPHCM cũng điều động xe chuyên dụng để “cõng” người và phương tiện qua điểm ngập nghiêm trọng này. Cũng theo Trung tâm chống ngập, dù có hệ thống máy bơm nhưng do công suất nhỏ nên việc hút nước từ vòng xoay ra các con kênh xung quanh cũng rất chậm khiến thời gian ngập lụt kéo dài.
Để khắc phục, trung tâm này đề xuất nâng cấp vòng xoay An Lạc và hệ thống cống thoát nước bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy vậy, trong thời gian dự án này được lập, trình, phê duyệt là cả một quãng thời gian dài và trong khi chờ đợi thì tình cảnh bì bõm trong dòng nước bốc mùi vẫn luôn là nỗi ám ảnh với người dân không chỉ ở khu vực này mà còn đối với hàng nghìn lượt phương tiện qua lại nơi đây.
Triều cường vượt báo động 3, quận trung tâm Sài Gòn ngập như sông
Dù trời mưa nhỏ nhưng nhiều tuyến đường ở quận trung tâm Sài Gòn vẫn ngập như sông, việc di chuyển của người dân rất ... |
“Ốc đảo” xuất hiện giữa Sài Gòn sau trận mưa như trút
2 ngày sau trận mưa như trút nước, hàng chục hộ dân ở Sài Gòn bị nước ngập bao vây tứ phía khiến khu dân ... |
Mưa lớn, ngập nặng trong đêm Trung thu ở Sài Gòn
Mưa lớn kéo dài khiến hàng loạt tuyến đường Sài Gòn ngập nặng. Người dân oằn mình đón đêm Trung thu trong cảnh kẹt xe, ... |
https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/biet-bao-gio-nguoi-sai-gon-moi-thoat-canh-song-chung-voi-ngap-570918.ldo
Ngày đăng: 06:00 | 23/10/2017
/ Trường Sơn/Báo Lao động