Biến thể B.1.1.7 Anh khiến các ca Covid-19 mới ở Đức, Italy gia tăng theo cấp số nhân, trong bối cảnh thiếu an toàn sau tiêm vaccine đe dọa chiến dịch tiêm chủng.

Christian Drosten, nhà virus học hàng đầu tại bệnh viện Charité ở Berlin, cho biết tình hình dịch bệnh tại Đức có diễn biến xấu. Người nhiễm nCoV tăng theo cấp số nhân, với số ca nhiễm biến thể biến thể B.1.1.7 từ Anh chiếm khoảng 3/4 tổng số ca mắc mới. Trong khi đó, Đức lại đang tạm dừng triển khai vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ông Drosten nhấn mạnh: "Chúng ta cần loại vaccine này".

Ông Drosten dự đoán vào lễ Phục sinh, các ca nhiễm ở Đức có thể đạt mức cao như trong đợt Giáng sinh vừa rồi. Cảnh báo này được đưa ra khi nhiều khu vực ở Đức chuẩn bị mở cửa sau giai đoạn phong tỏa kéo dài. Các tiệm làm tóc, khách sạn, nhà hàng đang chờ đợi thông báo vào ngày 22/3, mong muốn sẽ được hoạt động trở lại. Một số trường bắt đầu cho học sinh đến lớp xen kẽ. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc Covid-19 ở Đức đã tăng lên 88,8 trên 100.000 người trong một tuần, vượt xa mốc 50 mà chính phủ đặt ra vài tuần trước.

Ngày 17/3, Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh liên bang, thông báo ghi nhận 13.435 ca mắc mới và hơn 250 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm hàng ngày có thể đạt 30.000 đến 40.000 vào lễ Phục sinh nếu phong tỏa được nới lỏng vào thời điểm này. Tại một số bệnh viện, tuổi trung bình của bệnh nhân Covid-19 hiện nay trẻ hơn 20 tuổi so với trong đợt bùng phát thứ hai, khi các ca nhiễm ở nhóm tuổi 20-59 tăng mạnh và số bệnh nhân nhi ngày càng tăng.

Do thiếu hụt nguồn cung, chương trình tiêm chủng của Đức bị cản trở, chậm hơn nhiều so với dự kiến. Nhiều nhà phê bình chỉ trích chính phủ Đức đã gửi những thông điệp không nhất quán. Một số kêu gọi Bộ trưởng Y tế Jens Spahn từ chức. Các câu hỏi đã được đặt ra về tính hợp lý của quyết định đình chỉ vaccine AstraZeneca, khi lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ và lòng tin của người dân vào vaccine rất khó để khôi phục một khi đã lung lay.

Bác sĩ Karl Lauterbach, phát ngôn viên y tế của Đảng Dân chủ Xã hội, gọi quyết định của ông Spahn là sai lầm. Theo ông Lauterbach, các trường hợp huyết khối chỉ chiếm 0,0005% trong tổng số những người đã được tiêm vaccine AstraZeneca. Trong bối cảnh dịch bệnh, chiến dịch tiêm chủng nên được tiếp tục.

Số ca Covid-19 cũng gia tăng ở Italy. Báo cáo hôm 16/3 cho thấy số người chết mỗi ngày là 502, cao nhất kể từ cuối tháng 1. Theo Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza, hơn một nửa số ca mới nhiễm biến thể biến thể B.1.1.7 Anh. Các biện pháp hạn chế được tăng cường trên khắp Italy từ ngày 15/3.

0331 germany png 9195 1616033569

Một trung tâm tiêm chủng ở Wiesbaden, Đức. Ảnh Washington Post.

"Tình hình không đơn giản. Biến thể ở Anh lây lan nhanh hơn 35-40% và chiếm 54% tổng số ca nhiễm. Biến thể Nam Phi cũng xuất hiện, đặc biệt là ở khu vực Bolzano và biến thể Brazil chủ yếu ở miền trung Italy".

Ngày 16/3, Ba Lan thông báo phong tỏa trong ba tuần kể từ cuối tuần này. Theo đó, các trường học, trung tâm mua sắm, hồ bơi và phòng tập, nhà hàng phải đóng cửa và mọi người được khuyến khích ở nhà. Bộ trưởng Y tế Adam Niedzielski cho biết biến thể từ Anh là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới, tổng cộng là 25.000 ca vào ngày 17/3.

Tại Pháp, người phát ngôn chính phủ Gabriel Attal thông báo các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn sẽ được áp dụng ở một số khu vực bao gồm cả Paris từ cuối tuần này. Giới chức sẽ thông báo chi tiết các hạn chế vào ngày 18/3, có thể thực hiện các hình thức đóng cửa một phần. Các bệnh viện ở khu vực Paris đã bắt đầu chuyển bệnh nhân cần điều trị tích cực đến các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn. Ở vùng phía tây nước Pháp, 8 người nhiễm biến thể từ Anh đã tử vong.

Thủ tướng Jean Castex hy vọng Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca sớm nhất vào ngày 18/3, sau phán quyết của Cơ quan Dược phẩm châu Âu. Ông nhanh chóng trấn an người dân rằng vaccine an toàn và là thứ duy nhất có thể giúp đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Covid-19 lần đầu bùng phát mạnh mẽ tại châu Âu hồi tháng 3/2020. Các nước áp lệnh phong tỏa kể từ ngày 17/3 đến khoảng giữa tháng 4, năm ngoái. Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ấy là Italy và Tây Ban Nha. Covid-19 cũng lây lan mạnh mẽ ở các nền kinh tế lớn khác như Đức, Pháp và Anh.

Làn sóng thứ hai quét qua châu Âu vào cuối tháng 10 năm ngoái, với sự xuất hiện các biến thể nCoV mới lây lan nhanh hơn. Giới chức các nước ban bố lệnh phong tỏa từ ngày 30/1.

Sau khi triển khai tiêm chủng, đầu tháng 3 nhiều quốc gia từng bước nới hạn chế, song dịch bệnh nhanh chóng quay trở lại.

Mai Dung (Theo Guardian)

Trung Quốc phát hiện biến thể nCoV dễ lây lan Trung Quốc phát hiện biến thể nCoV dễ lây lan
Biến thể nCoV người Nhật ở Hà Nội nhiễm là gì? Biến thể nCoV người Nhật ở Hà Nội nhiễm là gì?
Vaccine Trung Quốc có thể hiệu quả trên biến thể nCoV Vaccine Trung Quốc có thể hiệu quả trên biến thể nCoV

Ngày đăng: 10:04 | 18/03/2021

/ vnexpress.net