Dư luận đang xôn xao trước việc rau VietGAP “rởm” biến hình thành rau 3 sạch vào siêu thị. Nhiều người đặt câu hỏi, có hay không hành vi lừa dối khách hàng trong vụ việc này, tổ chức cá nhân vi phạm bị xử lý ra sao?

Theo quy định hiện hành, rau sạch phải là rau an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP do Bộ NN&PTNT đưa ra. Tiêu chuẩn này rất nghiêm ngặt từ quá trình sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản và khách hàng có thể truy xuất về nguồn gốc của thực phẩm.

Do việc sản xuất phải tuân thủ quy trình chặt chẽ nên rau sạch, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP có giá thành đắt hơn nhiều so với rau thông thường. Nếu mua phải “rau bẩn” gắn mác rau sạch, người tiêu dùng không chỉ bị thiệt hại về sức khỏe mà còn cả kinh tế.

Để làm rõ sự việc, cơ quan và các đơn vị liên quan cần nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó cần làm rõ có hay không hành vi làm giả chứng nhận VietGAP?

Nếu có đủ căn cứ cho rằng một số siêu thị, gian hàng điện tử đã lấy rau hàng “chợ”, gắn mác VietGAP hô biến thành “rau sạch” để bán với giá cao thì đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, tổ chức cá nhân thực hiện hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Biến 'rau bẩn' thành rau VietGAP, lừa dối khách hàng có thể bị phạt tù tới 5 năm ảnh 1

Biến "rau bẩn" thành rau sạch, lừa dối khách hàng có thể bị phạt tù tới 5 năm (ảnh minh họa)

Về xử lý hành chính, theo Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, việc mạo danh, gắn mác, hô biến “rau bẩn” thành rau sạch sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 20 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội lừa dối khách hàng theo điều 198 BLHS 2015.

Theo đó, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù tù từ 1-5 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Cũng theo Luật sư Thu, tội lừa dối khách hàng xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời xâm phạm đến uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh khác nên cần bị xử lý nghiêm theo quy định.

Trong kinh doanh thực phẩm, đạo đức của người kinh doanh là yếu tố quan trọng hàng đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người. Chất lượng, vệ sinh, an toàn hàng hóa không chỉ liên quan đến sự tồn vong của doanh nghiệp mà còn cả cộng đồng.

Hành vi tuồn “rau bẩn” vào siêu thị, cửa hàng rồi phù phép thành rau sạch không chỉ ảnh hưởng đến chính uy tín của doanh nghiệp mà còn tác động xấu đến những cửa hàng bán rau sạch uy tín khác, gây thiệt hại cho các hộ nông dân sản xuất rau sạch tiêu chuẩn VietGap.

Do vậy, đã đến lúc cần phải xử lý mạnh tay những “gian thương” kinh doanh thực phẩm “bẩn” đã và đang lừa dối người tiêu dùng để đảm bảo tính răn đe - Luật sư Thu đề xuất.

https://www.anninhthudo.vn/bien-rau-ban-thanh-rau-vietgap-lua-doi-khach-hang-co-the-bi-phat-tu-toi-5-nam-post517753.antd

Ngày đăng: 15:00 | 23/09/2022

H.L / ANTĐ