Chủ quyền Biển Đông: thực hiện nghiêm túc UNCLOS hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, khi nước này đang đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế.
Biển Đông nằm trên tuyến đường biển và đường không nhộn nhịp của thế giới, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, kết nối châu Á và các châu lục khác, qua đó thúc đẩy giao lưu, thông thương trong khu vực, liên khu vực và toàn cầu.
Nếu tình hình Biển Đông bất ổn, trật tự biển dựa trên luật pháp không được tôn trọng hoặc Biển Đông rơi vào kiểm soát toàn diện của một cường quốc đơn lẻ sẽ khiến huyết mạch hàng hải và hàng không khu vực và quốc tế bị ảnh hưởng, gây khó khăn hoạt động vận tải thương mại chiếm hơn 50% tổng lượng toàn cầu. Nó còn tác động đến giá dầu và an ninh năng lượng quốc tế do hơn 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng trên thế giới được chuyên chở qua Biển Đông.
Những tuyên bố trực diện và mạnh mẽ
Các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích chính trị, an ninh, kinh tế sống còn trong việc bảo vệ hoà bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, tự do hàng không và trật tự biển dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Chính vì vậy, hoạt động trái phép của nhóm tàu HD8 cũng như ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông đằng sau đó đã bị nhiều nước ngoài châu Á lên án mạnh mẽ.
Tuyên bố chung của Pháp, Đức, Anh về tình hình Biển Đông |
Ngày 5/8, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ UNCLOS.
Ngày 28/8, EU tiếp tục nêu quan điểm về bất ổn ở Biển Đông, phê phán những hành động đơn phương gây leo thang căng thẳng và làm xấu đi môi trường an ninh hàng hải, kêu gọi các bên tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba, kể cả trọng tài để đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Đáng chú ý, dù EU đã 2 lần lên tiếng, 3 quốc gia thành viên chủ chốt của EU là Pháp, Anh, Đức vẫn quyết định ra thêm Tuyên bố 3 bên để thể hiện rõ hơn lập trường của mình.
Theo đó, ngoài các nội dung trong phát biểu của EU, Pháp, Anh, Đức còn nhấn mạnh giá trị phổ quát của UNCLOS, khẳng định UNCLOS đã quy định toàn diện tất cả các vấn đề biển và hoạt động biển của các nước phải trên cơ sở UNCLOS,nhắc lại phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, kêu gọi tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ.
Phát biểu này chính là để bác bỏ những lập luận sai trái về quyền lịch sử hay yêu sách về vùng biển trái với quy định của Công ước mà Trung Quốc đã đưa ra trong thời gian qua.
Bên kia Thái Bình Dương, Mỹ là quốc gia có các phát biểu trực diện và mạnh mẽ hơn cả. Mỹ đã có nhiều phát biểu ở nhiều cấp, nhiều kênh, chỉ trích hành vi bắt nạt, cưỡng ép, khiêu khích của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí ở Biển Đông của các nước, trong đó có Việt Nam.
Mỹ phê phán Trung Quốc phô trương sức mạnh, sử dụng nhiều biện pháp như bồi đắp, quân sự hoá, dân quân biển, doạ nạt các nước. Washington cho rằng các hoạt động của Trung Quốc đi ngược lại với cam kết của chính Trung Quốc, không tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ. Đồng thời Mỹ khẳng định cam kết duy trì sự hiện diện tại Biển Đông; kêu gọi các nước đồng minh và đối tác lên tiếng phản đối các hành động khiêu khích, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố hành động của Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực |
Các phát biểu của Mỹ càng về sau càng mạnh mẽ hơn. Tuyên bố ngày 20/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ bày tỏ “quan ngại” về việc Trung Quốc cản trở các “hoạt động dầu khí lâu đời” của Việt Nam và không khẳng định vùng biển của Việt Nam, không đề cập đến hành vi của nhóm tàu HD8.
Tuyên bố ngày 22/8 đã thể hiện “quan ngại sâu sắc”, chỉ trích trực diện hành vi của nhóm tàu HD8, nêu rõ hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam là nằm “trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam yêu sách”.
Đến ngày 4/9, trong phát biểu tại hội nghị quốc tế về Ấn Độ Dương, chính quyền Mỹ lần đầu tiên đã xác nhận rõ khu vực mà Trung Quốc vi phạm thuộc “vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Trước đó, vào ngày 26/7, Hạ nghị sĩ Eliot Engel, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện cũng ra tuyên bố khẳng định hoạt động Trung Quốc đã vi phạm “chủ quyền và quyền chính đáng của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Vị trí địa lý khác nhau nhưng cùng chung lợi ích chiến lược
Sự vi phạm nghiêm trọng của nhóm tàu HD8 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã trở thành một vấn đề lớn, thu hút sự lưu tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Tất cả các nước Đông Nam Á (thông qua ASEAN), các quốc gia có vai trò quan trọng nhất ở khu vực châu Á, Ấn Độ - Thái Bình Dương (gồm Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc), tất cả các thành viên EU (thông qua EU), các quốc gia có vai trò quan trọng nhất EU (Pháp, Đức, Anh) và ba quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an của Liên Hợp Quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp) đều lên tiếng ở các mức độ khác nhau thể hiện thái độ trước vi phạm của nhóm tàu HD8 trong vùng biển Việt Nam.
Các nước có chung một lợi ích chiến lược đó là duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông |
Tuy các nước có vị trí địa lý khác nhau và lợi ích khác nhau trong vấn đề Biển Đông song có cùng chung một lợi ích chiến lược đó là duy trì hoà bình, ổn định ở một vùng biển quan trọng chiến lược này.
Để làm điều này, việc tôn trọng luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS là mong muốn và cũng là yêu cầu của tất cả các quốc gia, đồng thời đây cũng là cách thức để bảo đảm lợi ích chiến lược của các nước.
Giữ gìn hoà bình, an ninh, hữu nghị, hợp tác ở Biển Đông, thực hiện nghiêm túc UNCLOS hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Trung Quốc, phù hợp với việc Trung Quốc đang đóng vai trò ngày một quan trọng trên trường quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh”, “Vành đai, Con đường”, “Sáng kiến biển xanh”.
Việt Nam, các dân tộc trong khu vực và cộng đồng quốc tế coi trọng nền văn minh Trung Quốc, dân tộc Trung Quốc, mong muốn Trung Quốc phát triển, đóng góp tích cực vào hoà bình, an ninh, hữu nghị, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực Biển Đông.
Đáp lại, Trung Quốc cũng cần nhìn nhận đúng đắn về sự lo ngại của các nước trong và ngoài khu vực. Họ cần nhận thức rằng những vi phạm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ là câu chuyện riêng của Trung Quốc và Việt Nam, mà là câu chuyện của hoà bình, an ninh, phát triển kinh tế, thương mại, giao thông hàng hải, hảng không quốc tế, cấu trúc an ninh khu vực bởi sự gắn bó mật thiết với lợi ích các nước trong và ngoài khu vực cũng như vì tính chất quan trọng có ý nghĩa chiến lược của Biển Đông.
Trung Quốc cần thấy rằng nước này sẽ tự cô lập, đánh mất uy tín và vị thế quốc tế của một cường quốc nếu tiếp tục hoạt động đơn phương dựa trên sức mạnh, bất chấp lẽ phải, phớt lờ ý kiến của cộng đồng quốc tế.
Lợi ích then chốt của tất cả các nước nằm ở việc duy trì trật tự pháp lý ở Biển Đông. Biển Đông sẽ là vùng biển hoà bình, ổn định, thịnh vượng và rộng mở nếu trật tự pháp lý được tôn trọng và duy trì. Trái lại, sự xói mòn luật lệ về biển sẽ đe dọa đến hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển ở Biển Đông.
Bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục phối hợp lập trường hiệu quả hơn, có những cam kết mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ tốt hơn trật tự pháp lý biển tại Biển Đông và phản đối quyết liệt, trực diện hơn những hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc.
Có như vậy, Trung Quốc sẽ hiểu ra vấn đề và sẽ phải thay đổi hành vi vì lợi ích của chính Trung Quốc cũng như vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế.
Thượng tôn pháp luật: Lời giải cho hòa bình Biển Đông |
Bị Mỹ thách thức ở Biển Đông, Trung Quốc lên tiếng |
Trung Quốc "đánh lận con đen" bằng UAV ở Biển Đông |
Ngày đăng: 07:33 | 19/09/2019
/ vietnamnet.vn