Sự xuất hiện của các cơn bão như siêu bão Yagi (bão số 3) càn quét qua Philippines, Trung Quốc và Việt Nam mang theo sự tàn phá trên diện rộng là bằng chứng mới nhất cho thấy tác động tiêu cực khó lường của biến đổi khí hậu.
Hình ảnh đường phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc trong siêu bão Yagi |
Các cơn bão nhiệt đới đang trở nên dữ dội hơn
Với sức gió lên tới 240km/h, Yagi là cơn bão có cường độ mạnh nhất hoạt động trên Biển Đông trong khoảng 30 năm gần đây. Mang theo gió mạnh và mưa lớn, sau khi đổ bộ vào Trung Quốc, Yagi đã khiến tỉnh Hải Nam với hơn 10 triệu dân rơi vào tình trạng tê liệt, làm 3 người thiệt mạng và 95 người bị thương. Tại Việt Nam, siêu bão Yagi (bão số 3) ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Nội.
Dù có sức tàn phá dữ dội như vậy, bão Yagi mới chỉ là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ hai trong năm 2024. Xếp thứ nhất là siêu bão Beryl - cơn bão càn quét khắp châu Mỹ hồi đầu tháng 7-2024. Hai cơn bão trên, cùng loạt siêu bão có sức tàn phá cao trên toàn thế giới hồi năm 2023, cho thấy các hình thái thời tiết cực đoan đang ngày càng khắc nghiệt hơn. Bà Nadia Bloemendall, nhà khoa học về khí hậu, cho biết: “Các nhà khoa học đều nhất trí rằng, các cơn bão nhiệt đới đang trở nên dữ dội hơn, các cơn bão nhiệt đới đang trở nên ẩm ướt hơn, các đợt nước dâng do bão đang gia tăng mà nguyên nhân là do sự kết hợp giữa việc các cơn bão trở nên dữ dội hơn và mực nước biển dâng cao”.
Yếu tố quan trọng trong việc hình thành các cơn bão nhiệt đới là luồng không khí nóng, ẩm. Tại các vùng biển nhiệt đới gần xích đạo với nước biển đủ ấm (thường cần ít nhất 27°C), nhiệt độ cao làm bốc hơi lượng lớn nước và tạo ra không khí nóng ẩm trên bề mặt đại dương. Khi luồng không khí này bốc lên, nó mang theo năng lượng từ mặt biển vào khí quyển, để lại một khoảng không khí trống gần mặt biển và tạo ra khu vực áp suất thấp. Không khí xung quanh bị hút vào khu vực áp suất thấp này. Sự chuyển động trên tạo ra luồng khí xoáy tròn quanh khu vực áp suất thấp. Nếu các điều kiện thuận lợi được duy trì, bao gồm nhiệt độ mặt biển cao, cơn bão sẽ tiếp tục mạnh lên và có thể phát triển thành bão nhiệt đới. Khi cơn bão di chuyển vào đất liền hoặc vùng nước lạnh hơn, nó mất nguồn năng lượng chính từ nước biển ấm. Điều này làm cho cơn bão suy yếu dần và cuối cùng tan rã. Tuy nhiên, điều quan ngại nhất là biến đổi khí hậu đang tác động mạnh tới sự xuất hiện của các siêu bão. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng, số lượng bão nhiệt đới trên thế giới khó có thể tăng trong tương lai, nhưng cường độ của chúng sẽ tăng lên mức cao nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu. Theo các nhà khí tượng học, chính biến đổi khí hậu khiến các đại dương ấm lên và đây chính là nguồn năng lượng cung cấp thêm để bão phát triển thành siêu bão.
Trên thực tế, theo thống kê, từ tháng 4-2023 đến tháng 6 năm nay, nhiệt độ bề mặt trung bình hàng tháng của các đại dương trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục (theo dữ liệu ghi nhận từ năm 1979). Các đại dương đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại trong hệ thống trái đất do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong các khu vực, châu Á là nơi chịu tác động của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan nhất thế giới trong năm 2023. Nhiệt độ trung bình bề mặt biển của cả châu Á năm 2023 ở mức cao thứ hai trong lịch sử, cao hơn 0,91 độ C so với giai đoạn 1991 - 2020 và 1,87 độ C so với giai đoạn 1961 - 1990. Thậm chí, hiện tượng ấm lên tại tầng mặt của đại dương (từ 0 - 700m dưới mặt biển) cũng diễn ra nhanh gấp ba lần mức trung bình của thế giới tại khu vực Tây Bắc biển Arab, biển Philippines và các vùng biển phía Bắc Nhật Bản.
“Cuộc chiến” với “cơn ác mộng” biến đổi khí hậu
Hàng trăm nghiên cứu khoa học cũng chung nhận định biến đổi khí hậu đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan như nắng nóng, cháy rừng, hạn hán, lũ lụt, bão lốc... Mới đây, các nhà khoa học đã công bố một bài báo xem xét xác suất xảy ra một cơn bão nhiệt đới rất mạnh thay đổi ra sao theo biến đổi khí hậu. Theo nhà khí hậu học Bloemendall, ở Tây Bắc Thái Bình Dương, đặc biệt là ở khu vực mà Yagi xuất hiện, khả năng các siêu bão xuất hiện đang tăng đáng kể theo biến đổi khí hậu, mức tăng gấp từ 5 đến 10 lần so với hiện tại.
Cuối tháng 7 vừa rồi, dựa trên phân tích 64 nghìn mô hình bão trong quá khứ và tương lai, trải dài từ thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XXI, 3 trường đại học là Rowan (Mỹ), Nanyang (Singapore) và Pennsylvania (Mỹ) đã cùng công bố kết quả nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu lên cường độ bão ở Đông Nam Á. Các nhà khoa học kết luận rằng, các cơn bão nhiệt đới ở Đông Nam Á đang thay đổi theo một xu hướng: hình thành gần bờ hơn, tăng sức mạnh nhanh hơn và duy trì cường độ khi vào đất liền lâu hơn do biến đổi khí hậu.
Còn theo Tiến sĩ Ben Clarke thuộc Đại học Hoàng gia London, kể từ năm 1900, số lượng các cơn bão mạnh như Gaemi ở Tây Bắc Thái Bình Dương đã tăng 30%, trong bối cảnh lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng. Tiến sĩ Ben Clarke cho rằng: “Sự nóng lên do nhiên liệu hóa thạch đang mở ra một kỷ nguyên mới của những cơn bão lớn hơn, chết chóc hơn. Sự thật phũ phàng là chúng ta sẽ chứng kiến nhiều cơn bão tàn khốc hơn như bão Gaemi khi khí hậu ấm lên. Châu Á sẽ trở thành nơi ngày càng nguy hiểm bởi những cơn bão kiểu này cho đến khi nhiên liệu hóa thạch được thay thế bằng năng lượng tái tạo”.
Cùng với căng thẳng địa chính trị, các hiện tượng thời tiết cực đoan như các siêu bão đang làm trầm trọng thêm những rủi ro tiềm ẩn đối với kinh tế toàn cầu. Chỉ tính riêng với cơn bão Yagi, kinh tế Việt Nam ước tính đã thiệt hại 40 nghìn tỷ đồng, khiến tăng trưởng GDP năm nay có thể thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó (6,8 - 7%). Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và “độ sát thương” đối với nền kinh tế cũng lớn hơn. Một nghiên cứu của tổ chức từ thiện Christian Aid của Anh cho thấy 10 hiện tượng thời tiết tàn khốc nhất năm 2021 gây thiệt hại tổng cộng 170 tỷ USD. Một số nghiên cứu khác cho thấy nếu hiện tượng nóng lên trên toàn cầu không được kiểm soát, thu nhập trung bình toàn cầu có thể thấp hơn 23% vào năm 2100.
“Cuộc chiến” với “cơn ác mộng” mang tên biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề cấp bách với thế giới. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, việc kiểm soát các hành động gây biến đổi khí hậu của con người có vai trò không nhỏ trong việc kiềm chế sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, không quốc gia nào có thể giải quyết khủng hoảng khí hậu một cách cô lập. Vì vậy, LHQ luôn nỗ lực hết mình, nỗ lực xây dựng lòng tin, tìm giải pháp và truyền cảm hứng cho sự hợp tác mà thế giới đang rất cần. Việc cùng nhau hợp tác sẽ giúp các quốc gia giành được chiến thắng, nhưng đã đến lúc cần phải hành động.
Ngày đăng: 08:19 | 18/09/2024
Hoàng Sơn / ANTĐ