Biệt thự Hoàng Lê Gia Garden được xây trên đất rừng phòng hộ nhưng UBND huyện Sóc Sơn lại cho rằng khó xác định nguồn gốc đất.
Giữa tháng 5/2019, trong báo cáo quá trình cưỡng chế những công trình xây dựng vi phạm đất rừng giải đoạn 2017 - 2018 của cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn gửi UBND TP. Hà Nội cho thấy, việc phá dỡ biệt thự Hoàng Lê Gia Garden nằm trên khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân, xã Minh Trí đang gặp khó khăn vì chưa xác định được nguồn gốc đất.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Đất Việt, khu vực đất xây dựng Hoàng Lê Gia Garden có diện tích hàng chục nghìn m2 có nguồn gốc là đất rừng phòng hộ. Chủ nhân của công trình này là bà Nguyễn Thị Thu H - một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng ở TP. Hà Nội.
Để có được khu đất này, ngay từ năm 2005, bà H đã nhờ nhiều người thân trong gia đình đứng tên mua lại của 7 hộ gia đình có khu đất nằm liền kể nhau. Các hộ gia đình này trước đó đã được UBND huyện Sóc Sơn giao khu đất quanh hồ Đồng Đò để trồng rừng.
Mọi quá trình mua bán 7 khu đất này của người thân bà H đều thông qua UBND xã Minh Trí nhưng sau đó UBND huyện Sóc Sơn kết luận là bất hợp pháp. Một phần nguyên nhân là do đất rừng không được chuyển nhượng, mua bán và xây dựng công trình kiên cố.
Trước những thông tin trên, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc xác định nguồn gốc đất xây dựng công trình Hoàng Lê Gia Garden không có gì khó khăn. Bởi, trên bản đồ quản lý hành chính của cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn sẽ thể hiện rất rõ đây là loại đất gì, có được phép xây dựng công trình kiên cố hay không.
"Nếu đây là đất rừng được giao lại cho người dân trồng cây và bảo vệ rừng thì sẽ có một phần diện tích nhất định được dựng công trình tạm, phục vụ cho việc trồng và phát triển rừng chứ không phải san lấp, xây dựng công trình kiên cố, nguy nga tráng lệ như đang diễn ra" - luật sư Nam nói.
Theo ông Nam, theo quy định, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào từng thửa đất, xác định khu vực nào để xây dựng công trình tạm để phục vụ cho việc bảo vệ rừng. Còn phần nào là khu vực trồng cây, từ đó cưỡng chế, dỡ bỏ công trình xây dựng vi phạm.
Tiếp đến, đoàn kiểm tra cũng phải xác định công trình xây dựng trên phần đất được xây dựng có phải là công trình tạm hay là công trình kiên cố? Nếu là công trình kiên cố cũng là vi phạm và cần phải được dỡ bỏ.
Luật sư Nam cho biết thêm, việc xây dựng một công trình lớn, tại vị thế đắc địa "tựa lựng vào núi, quay mặt ra hồ" trong suốt một thời gian dài như Hoàng Lê Gia Garden chắc chắn không thể qua mắt được chính quyền địa phương. Từ đó, ông Nam đặt ra nghi vấn, có phải đang có tình trạng sợ "đụng chạm" nên lấy lý do để hoãn việc cưỡng chế công trình vi phạm đất rừng Hoàng Lê Gia Garden?
Sóc Sơn cấp 229 sổ đỏ "xẻ thịt" hàng chục ha rừng phòng hộ
Sai phạm trong việc cấp 229 “sổ đỏ” cho hộ nhận khoán hoặc nhận chuyển nhượng đất lâm trường, huyện Sóc Sơn còn buông lỏng ... |
Ngày đăng: 10:13 | 16/05/2019
/ http://baodatviet.vn