Khi tranh cử, Biden vạch kế hoạch đầy tham vọng để đưa Mỹ trở lại vũ đài thế giới. Nhưng những lời hứa đó đối mặt thực tế phũ phàng khi ông đắc cử.

Cách xử lý vấn đề Iran và Arab Saudi của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng đầu tại nhiệm đã cho thấy rằng những kế hoạch, cam kết ban đầu trong chiến dịch tranh cử không phải lúc nào cũng có thể sống sót khi ứng viên lên nắm quyền.

Khi chạy đua vào Nhà Trắng, Biden hứa sẽ nhanh chóng đưa Mỹ quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông hy vọng sử dụng cuộc đàm phán như đòn bẩy để kiềm chế các hành vi gây hấn khác của Tehran, như chương trình tên lửa đạn đạo đang được phát triển, theo Alex Ward, biên tập viên của Vox.

Trong bài phát biểu vận động tranh cử hồi tháng 7/2019, Biden đã nói rõ ràng về những gì ông muốn đạt được với Iran nếu đắc cử tổng thống.

"Nếu Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận, tôi sẽ tái tham gia và làm việc với đồng minh để củng cố, gia hạn nó, đồng thời đẩy lùi hiệu quả các hành động gây bất ổn khác của Iran", Biden nói tại Đại học New York, ám chỉ tới chương trình tên lửa và hỗ trợ các nhóm dân quân thân Iran và khủng bố.

Khi vào Nhà Trắng, nhóm của Biden tiếp tục giữ lập trường rằng để Mỹ tái tham gia thỏa thuận, Iran phải tuân thủ các giới hạn của hiệp ước phát triển hạt nhân. Tehran sẽ phải giảm việc làm giàu uranium xuống mức giới hạn được quy định trong thỏa thuận trước khi muốn Mỹ dỡ bỏ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào.

Nhưng chính phủ Mỹ vẫn mở cánh cửa đàm phán khi chấp nhận đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán với Tehran, trong đó Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian. Tuy nhiên, Iran tỏ ra không hào hứng với đề nghị này. Tehran nói rằng Mỹ phải dỡ lệnh trừng phạt trước khi thảo luận tái tham gia thỏa thuận hạt nhân.

Sau nhiều ngày cân nhắc đề nghị đàm phán với Mỹ của EU, Iran hôm 28/2 từ chối kế hoạch. "Đây chưa phải là thời gian phù hợp để đề xuất gặp gỡ không chính thức", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh viết trên Twitter.

Fontenrose cho rằng đây chắc chắn không phải kịch bản mà nhóm của Biden nghĩ tới. "Iran, nước được hưởng lợi từ chính sách của Biden, đang dội gáo nước lạnh vào đầu ông ấy", Fontenrose nói.

Dù hầu hết chuyên gia tin rằng Washington và Tehran cuối cùng sẽ trở lại thỏa thuận hạt nhân, điều mà chính quyền mới của Mỹ học được là các kế hoạch tốt nhất vẫn cần điều chỉnh lại.

"Chiến lược rõ ràng mà Biden đưa ra trong chiến dịch tranh cử chưa thể trở thành hiện thực trong tháng đầu nhiệm kỳ. Chúng tôi đã mất cơ hội để có một đòn bẩy mới như nhóm Biden từng mong đợi", Kaleigh Thomas, chuyên gia về Iran tại Trung tâm An ninh Mỹ mới tại thủ đô Washington, nói.

Không chỉ cự tuyệt con đường đàm phán, Iran còn để các lực lượng ủy nhiệm phóng rocket vào người Mỹ ở Trung Đông. Thực tế này đã buộc Biden ra lệnh triển khai đòn tấn công quân sự đầu tiên trong nhiệm kỳ, nhắm vào nhóm dân quân thân Iran ở Syria.

Nhà Trắng hy vọng đòn không kích này sẽ giúp ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai của dân quân thân Iran, nhưng vẫn mở cánh cửa đàm phán với Tehran.

2219 biden 3 2 nytimes 8087 1614669077
Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 3/2. Ảnh: NYTimes.

Một vấn đề chính sách đối ngoại nữa khiến Biden "vỡ mộng" là cách xử lý với Arab Saudi. Trong chiến dịch tranh cử, Biden từng chỉ trích Arab Saudi và cam kết bắt quốc gia này "trả giá" vì những vi phạm nhân quyền, trong đó có vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.

Trong cuộc tranh luận của đảng Dân chủ vào tháng 11/2019, khi được hỏi có trừng phạt lãnh đạo cấp cao của Arab Saudi vì vụ sát hại Khashoggi hay không, Biden trả lời rõ ràng rằng "có". Nhưng cam kết này đã không được thực hiện khi ông vào Nhà Trắng.

Nhưng khi quyết định công bố báo cáo tình báo Mỹ hôm 26/2, trong đó nhận định Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã phê chuẩn kế hoạch sát hại Khashoggi, Biden không áp lệnh trừng phạt trực tiếp nào với Thái tử Mohammed. Thay vì ra lệnh trừng phạt, cấm nhập cảnh hay đóng băng tài sản, Tổng thống Mỹ đã đưa ra "lệnh cấm Khashoggi", trong đó áp hạn chế thị thực với bất kỳ ai cố "bịt miệng" những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Tuy nhiên, không rõ lệnh cấm này có bao gồm các nguyên thủ quốc gia hay không.

Tổng thống Mỹ và nhóm của ông dường như hài lòng với những gì đã làm để "hiệu chỉnh" mối quan hệ Mỹ - Arab Saudi. Một số người cho rằng hành động của chính quyền Biden vẫn được xem là "khiển trách nặng nề" đối với các lãnh đạo ở Riyadh.

2236 biden 26 2 houston ap jpeg 7708 1614669077
Tổng thống Biden nói chuyện với lính Mỹ tại một trung tâm tiêm chủng ở Houston, Texas hôm 26/2. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, một số khác cho rằng lý do nhóm của Biden không trừng phạt Thái thử Mohammed bin Salman là nhằm duy trì quan hệ đồng minh giữa hai nước. Đối với Mỹ, mối quan hệ với Arab Saudi đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch bình ổn Syria và Iraq, đối phó với Iran và chống khủng bố trong khu vực. Ngoài ra, mối quan hệ này còn có thể giúp nền kinh tế Mỹ nhận được hàng tỷ đôla đầu tư từ Arab Saudi.Tổng thống Biden nói chuyện với lính Mỹ tại một trung tâm tiêm chủng ở Houston, Texas hôm 26/2. Ảnh: AP.

Nếu chính quyền Biden nhắm vào Thái thử Mohammed, người sẽ trở thành vua của Arab Saudi, Mỹ có thể tự tay phá hỏng các kế hoạch trên. Đây không phải là điều nhóm Biden muốn làm.

"Chúng tôi tin rằng có nhiều cách hiệu quả hơn để đảm bảo điều này không xảy ra lần nữa, đồng thời chừa đường để Mỹ và Arab Saudi có thể hợp tác trong các lĩnh vực có thỏa thuận chung", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với CNN hôm 28/2. "Ngoại giao chính là như vậy".

Tuy nhiên, biên tập viên Ward nhận định bằng việc không giữ lời trong hai vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng này, Biden đã hứng chỉ trích trong tháng đầu tại nhiệm, thời kỳ được coi là "tháng trăng mật" với các tổng thống Mỹ. Nhiều người quan ngại lựa chọn của ông có thể làm "phật ý" đồng minh và các nhà hoạt động.

"Họ đang cố tìm kiếm sự hài hòa giữa các lợi ích cạnh tranh", Seth Binder, một quan chức của Dự án Dân chủ Trung Đông, nói. "Cố gắng làm hài lòng nhiều bên liên quan có thể sẽ khiến nhiều người trong số họ thất vọng".

Biden không phải là người duy nhất rơi vào tình huống "tiền hậu bất nhất" giữa những cam kết khi tranh cử và thực tế khi nắm quyền. Cựu tổng thống Donald Trump từng cam kết chấm dứt các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông, nhưng sau 4 năm, quân đội Mỹ vẫn chưa rút hết khỏi Syria, Iraq và Afghanistan, một phần do lo ngại về an ninh.

"Khi bạn bước vào và mọi thứ đều mới, bạn cần phải làm rối tung một chút và điều chỉnh lại", Kirsten Fontenrose, quan chức giám sát về các vấn đề vùng Vịnh trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Trump, cho biết.

Thanh Tâm (Theo Vox)

Sứ mệnh khôi phục vị thế nước Mỹ: Ông Biden gặp khó Sứ mệnh khôi phục vị thế nước Mỹ: Ông Biden gặp khó
Tổng thống Biden tuyên bố có đủ vaccine cho người Mỹ vào tháng 5 Tổng thống Biden tuyên bố có đủ vaccine cho người Mỹ vào tháng 5

Ngày đăng: 09:44 | 03/03/2021

/ vnexpress.net