Biden cảnh báo nếu nhà hoạt động đối lập Nga Navalny chết, đó sẽ là "bi kịch", gây tổn hại quan hệ của Nga với các nước trên thế giới.

"Cái chết của Navalny sẽ là dấu hiệu khác cho thấy Nga có rất ít hoặc không có ý định tuân thủ các quyền cơ bản cơ bản của con người", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc họp báo hôm 14/6, sau hội nghị thượng đỉnh NATO.

"Theo quan điểm của tôi, đó sẽ là bi kịch. Một bi kịch không làm được gì khác ngoài gây tổn hại các mối quan hệ của Nga với phần còn lại của thế giới", Biden nói thêm.

Biden cảnh báo Putin trước cuộc gặp thượng đỉnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussel, Bỉ hôm 13/6. Ảnh: AFP.

Lo ngại việc nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny bị bắt giam và tình trạng sức khỏe ngày càng tồi tệ là dấu hiệu mới nhất trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Moskva và phương Tây.

Một tuyên bố chung của NATO hôm 14/6 nói rằng "các hành động gây hấn của Nga tạo thành mối đe dọa đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương", dẫn cáo buộc Nga triển khai quân đội, sử dụng các cuộc tấn công mạng và chiến tranh hỗn hợp, sáp nhập Crimea và các chiến dịch thông tin sai lệch do Điện Kremlin tài trợ.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6, Nhà Trắng tuyên bố cuộc gặp không phải phần thưởng cho Putin. Thay vào đó, cuộc gặp sẽ đánh giá thực tế mối quan hệ song phương. Biden sẽ nêu ra một số lo ngại cấp bách, nhưng cũng tập trung vào các lĩnh vực mà Nga và Mỹ có thể hợp tác.

Trả lời báo chí, Biden ca ngợi Putin "thông minh, cứng rắn, và "là một đối thủ xứng tầm".

"Tôi không muốn xung đột với Nga, nhưng chúng tôi sẽ đáp trả nếu Nga tiếp tục các hoạt động có hại", Biden nhấn mạnh, thêm rằng nếu Washington và Moskva không đạt đồng thuận, ông "sẽ nói rõ đâu là lằn ranh đỏ", một trong số đó là "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Đây không phải lần đầu tiên Biden gây sức ép với Putin về tình hình Navalny. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Biden điện đàm với Putin, nói việc Navalny bị bắt là "mối quan ngại sâu sắc đối với Mỹ" và yêu cầu Nga lập tức thả Navalny vô điều kiện.

Navalny bị bắt ngay khi về Nga hồi tháng 2, sau thời gian điều trị ở bệnh viện Đức. Ông đang thụ án 3,5 năm tù vì vi phạm các điều khoản của án treo về tội tham ô năm 2014.

Các nước phương Tây cáo buộc Nga "đầu độc" Navalny bằng chất độc thần kinh Novichok thời Liên Xô, tương tự tuyên bố của nhà hoạt động này, nhưng Moskva đã nhiều lần bác bỏ.

Nalvany hồi tháng 3 tuyên bố tuyệt thực nhằm đòi quyền điều trị tích cực bệnh đau lưng và tê chân tay. Đến cuối tháng 4, nhà hoạt động này được đưa tới bệnh viện chuyên dành cho tù nhân. Nga khẳng định tình hình của ông vẫn ổn định.

Vào tháng 3, chính quyền Biden đã áp lệnh trừng phạt đối với 7 thành viên của quan chức chính phủ Nga vì cáo buộc đầu độc Navalny. Washington cũng trừng phạt 14 thực thể liên quan đến cơ sở công nghiệp hóa học và sinh học ở Nga.

Huyền Lê (Theo CNBC)

Thượng đỉnh Biden - Putin: Chỉ là cuộc gặp thăm dò lẫn nhau? Thượng đỉnh Biden - Putin: Chỉ là cuộc gặp thăm dò lẫn nhau?

Chuyên gia cho rằng thượng đỉnh Biden - Putin tới đây sẽ là dịp để hai bên thăm dò lẫn nhau, khó tạo tạo đột ...

Biden sẽ không họp báo chung với Putin Biden sẽ không họp báo chung với Putin

Tổng thống Biden sẽ họp báo riêng, không xuất hiện chung với người đồng cấp Nga sau hội nghị thượng đỉnh tại Thụy Sĩ vào ...

Ngày đăng: 08:46 | 15/06/2021

/ vnexpress.net