Một cảng ở Bắc Phi đang đóng vai trò quan trọng để duy trì dòng chảy dầu của Nga khi Mỹ và EU cố gắng cắt giảm doanh thu dầu mỏ của Moscow.
Ceuta, một vùng đất nhỏ bé của Tây Ban Nha ở mũi Bắc Phi, đã nổi lên như một trung tâm thương mại dầu thô mới của Nga. Thành phố do Tây Ban Nha quản lý đang trở thành cửa ngõ để giữ cho dầu mỏ của Nga lưu thông khi các chủ hàng "tranh nhau" sắp xếp lại các tuyến đường thương mại sau lệnh trừng phạt của EU và mức giá trần có hiệu lực vào ngày 5 tháng 12.
Khi EU cắt giảm nhu cầu đối với dầu thô của Nga được vận chuyển bằng đường ống, thương mại chuyển sang đường biển. Bị từ chối trung tâm trung chuyển từ tàu này sang tàu khác ngoài khơi Skaw của Đan Mạch, Nga chuyển hoạt động sang khu vực giữa Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên những đợt sóng lớn vào mùa đông và thủy triều dữ dội khiến việc chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác trở nên rủi ro. Còn tại cảng Ceuta, đây được coi như thiên đường bởi vùng biển Địa Trung Hải của Ceuta rất yên tĩnh.
Theo Vortexa - một công ty tư vấn theo dõi các tàu chở dầu của Nga cho biết đội tàu chở dầu Aframax chất đầy dầu tại các cảng của Nga trên Biển Đen sẽ đến Ceuta và chuyển tải của chúng cho các tàu chở dầu thô rất lớn (VLCC), tiếp tục hành trình 40 ngày trên biển, vòng qua Mũi Hảo Vọng đến Trung Quốc.
Kể từ tháng 12, cũng theo dữ liệu của Vortexa, có 6 chiếc VLCC đã thả neo bên ngoài Ceuta và ít nhất 3 trong số các tàu này thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Các vùng biển ngoài khơi thành phố Kalamata của Hy Lạp cũng đã trở thành địa điểm vận chuyển giữa các tàu với nhau, với phần lớn dầu được vận chuyển ở đó hướng đến Ấn Độ qua Kênh đào Suez. Cả Ceuta và Kalamata trước đây đều không phải là địa điểm chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác của Nga và hoạt động tăng đột biến ngoài khơi bờ biển của họ gần đây kéo theo sự gia tăng xuất khẩu dầu thô của Nga.
Xuất khẩu dầu chưa hề ngấm đòn trừng phạt
EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt kết hợp với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 nhằm mục đích giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên trong khi EU nhập khẩu dầu Nga đã giảm kể từ sau khi xung đột xảy ra, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và những người khác đã nhanh tay can thiệp để mua hết nguồn cung từ Nga.
Khối lượng dầu thô của Nga được báo cáo trên các con tàu đã biến động thất thường kể từ ngày 5 tháng 12, chạm mức thấp nhất vào tháng cuối năm. Tuy nhiên, sự thay đổi về khối lượng chủ yếu là do sửa chữa cảng theo lịch trình và các vấn đề cơ sở hạ tầng khác, cũng như các tác động của các biện pháp trừng phạt.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) - Tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Phần Lan chuyên theo dõi tác động của lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga, lượng dầu xuất khẩu bằng tàu của Nga hiện ở mức trên 500.000 tấn mỗi ngày, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, phân tích của CREA cho thấy Nga kiếm được 425 triệu euro từ xuất khẩu dầu vào ngày 23 tháng 1, giảm khoảng 28% so với 593 triệu euro mà nước này kiếm được 11 tháng trước.
Vào thứ Sáu (27/1), EU đã bắt đầu đàm phán để thảo luận về việc có nên hạ giá trần đối với dầu mỏ của Nga và tăng cường các biện pháp trừng phạt hay không. Mỹ đang cố gắng giữ mức giá trần ở mức 60 USD/thùng, trong khi liên minh các quốc gia do Estonia, Litva và Ba Lan dẫn đầu đang tranh cãi về mức giá trần từ 40 – 50 USD/thùng – thấp hơn mức giá 52 – 54 USD/thùng mà Nga đang giao dịch trong thời gian gần đây.
Hiện tại, trong khi chờ kết quả của các cuộc đàm phán, việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Nga sang EU dự kiến sẽ bị cấm vào ngày 5/2 tới đây.
Theo Bloomberg, QZ
Ngày đăng: 09:51 | 02/02/2023
/