Bloomberg hôm 26/1 đưa tin, Đan Mạch có kế hoạch áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ, nhằm tìm cách tăng cường quy mô của lực lượng vũ trang. Trước Đan Mạch, Na Uy đã trở thành thành viên đầu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra dự thảo quân sự bắt buộc đối với phụ nữ từ năm 2015.
Jakob Ellemann-Jensen, Bộ trưởng quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng Đan Mạch trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình TV2 cho biết, nước này đang hướng tới việc áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ đủ điều kiện nhằm tăng cường quy mô của lực lượng vũ trang. Theo ông Jakob Ellemann-Jensen, quân đội nước này không còn khả năng chỉ dựa vào các tình nguyện viên.
Tuyên bố của ông Jakob Ellemann-Jensen được đưa ra trong bối cảnh NATO vừa công bố một báo cáo, trong đó chỉ trích Copenhagen đã không chú trọng đầu tư cho lực lượng vũ trang, cả đất liền và trên biển.
Luật hiện hành của Đan Mạch cho phép lực lượng vũ trang yêu cầu nhập ngũ bắt buộc đối với tất cả nam giới trên 18 tuổi có đủ sức khỏe, với thời gian phục vụ thường kéo dài từ 4 đến 12 tháng. Mặt khác, phụ nữ được phép tham gia quân đội một cách tự nguyện và không bị pháp luật bắt buộc.
Tuy nhiên, do số lượng tình nguyện viên lớn, thường chiếm tỷ lệ trên 96% quân nhân tại ngũ của Đan Mạch, số lượng lính nghĩa vụ thực sự phục vụ trong quân đội của nước này vẫn còn tương đối thấp và chiếm chưa đến 1%.
Hiện phụ nữ chiếm 17% tổng số quân nhân trong quân đội Đan Mạch. Ông Jakob Ellemann-Jensen tin rằng, các lực lượng vũ trang sẽ được hưởng lợi khi có nhiều phụ nữ hơn gia nhập.
Được biết, nước láng giềng của Đan Mạch là Na Uy đã trở thành thành viên đầu tiên của NATO đưa ra dự thảo quân sự bắt buộc đối với phụ nữ từ năm 2015 và tỷ lệ nữ quân nhân nước này đã tăng lên 20% vào năm 2021.
Hồi tháng 12/2022, Đan Mạch cho biết có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng thêm 660 triệu USD để đạt được mức đóng góp mục tiêu của NATO là 2% GDP vào năm 2030, sớm hơn 3 năm so với kế hoạch trước đó.
Ngày đăng: 08:35 | 27/01/2023
Kim Ngọc / Công an nhân dân