Trong chương trình diễu hành của sự kiện “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), hình ảnh những chiếc xe ô tô cũ chở cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) tiến về tiếp quản Thủ đô đã gây bất ngờ, tò mò cho giới trẻ.

Nhiều người hỏi, những chiếc ô tô thuộc nhãn hiệu gì và sản xuất ở đâu, tại sao nó lại có mặt ở Việt Nam? Hiện nay đâu là những đơn vị cất giữ, bảo quản, sửa chữa những chiếc xe ấy?

1. Trước hết xin trả lời ngay rằng, những chiếc xe chở người đóng vai bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản TP Hà Nội, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn Quân tiên phong, nay là Sư đoàn 308 (Quân đoàn 12) tham gia diễu hành trên đường phố Hà Nội của sự kiện “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là xe GAZ-69 và GAZ-51. Những chiếc xe này được Liên Xô viện trợ cho ta trong kháng chiến chống Pháp và đưa về Việt Nam theo đường bộ từ Trung Quốc sang. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có nhiều thông tin khá thú vị xung quanh những chiếc xe này.

anh 1.jpg -0
Ba chiếc ô tô được phục chế phục vụ “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Ngày 18/6/1946, Cục Vận tải được thành lập, nhưng chưa có phương tiện cơ giới. Thời gian ngắn sau ta đã lắp ghép linh kiện của những chiếc xe tải cũ hỏng, chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp thành một chiếc xe có tên gọi “xe quốc tế”. Hiện chiếc xe này đang trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần và được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Chiến dịch Biên giới năm 1950 thắng lợi, biên giới Việt Nam – Trung Quốc được mở và CHND Trung Hoa thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ta được Trung Quốc viện trợ một số xe ô tô. Những chiếc xe này được Cục Vận tải biên chế thành hai đại đội là Đại đội 200 và Đại đội 203, đóng quân tại làng Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, Cao Bằng.

Ngày 28/3/1951, Bác Hồ đã về thăm hai đơn vị này và nói những câu nổi tiếng: “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân. Các chú phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu”. Những chiếc xe ô tô trong hai đại đội này do Trung Quốc viện trợ, nhưng lại là của Liên Xô sản xuất và chúng có tên gọi Gaz-51.

Ở thời kỳ này, trong một cuộc hành quân lên Lạng Sơn, quân Pháp bất ngờ tấn công vào Xưởng Tiền Phong của Cục Vận tải trong động Tam Thanh và thu giữ được chiếc xe GAZ-51 rồi đem về Hà Nội triển lãm, khuếch trương chiến thắng.

Đến trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Liên Xô tiếp tục viện trợ cho ta nhiều xe ô tô hơn, trong đó có GAZ-64, gần giống với xe Jeep của Mỹ. Những tiểu đoàn xe ô tô vận tải chiến lược GAZ-51 của Cục Vận tải đã vận chuyển hàng từ kho chiến lược ở Hòa Bình lên Sơn La rồi vào Tuần Giáo (Điện Biên). Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những chiếc xe ô tô GAZ-51 và GAZ-64 đã chở các đơn vị bộ binh của Đại đoàn quân Tiên phong và lãnh đạo về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngồi trên xe chỉ huy GAZ-64 lúc đó là bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản TP Hà Nội; Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn Quân Tiên phong.

2. Chuyện về sự ra đời của hai loại xe này khá dài dòng và cũng có những tình tiết rất đặc biệt.

Trước hết nói về Gaz-51.

Năm 1924, với sự hỗ trợ của nước ngoài, nhà máy chế tạo ô tô cũ ở Moscow đã được cải tạo, nhưng nó chỉ có thể sản xuất một lượng rất hạn chế xe tải FIAT 15 Ter. Kể từ ngày 7/10/1932, nhà máy ô tô cũng đổi tên thành “GAZ”.

Năm 1938, chiếc xe tải được nâng cấp, sử dụng động cơ mới 50 mã lực cùng một số cải tiến về hệ thống lái và hệ thống treo được gọi là GAZ-MM xuất xưởng. Tiếp đó, các kỹ sư Liên Xô đã chế tạo chiếc xe GAZ-51 hoàn toàn mới, với sức chở 2,5 tấn. Năm 1940, GAZ-51 đã thành công vượt qua các cuộc thử nghiệm, và được Ủy ban nhà nước chấp nhận. Cuối năm sau, chiếc xe mới được sản xuất và đưa vào sử dụng.

Ngày 20/6/1941, Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại nổ ra, khoảng 151.100 xe tải GAZ được đưa vào phục vụ, chiếm hơn một nửa đội xe của Hồng quân Liên Xô. Nhiệm vụ chính của chúng là vận chuyển hàng hóa dân sự và quân đội. Các xe chở hàng thông thường có thể được trang bị thêm 4 băng ghế dài có thể tháo rời để chuyên chở 16 người. Trong thời tiết xấu, thùng xe có thể được che bằng mái bạt. Ngoài ra, phía sau đuôi xe tải có thể dùng để kéo một khẩu pháo hoặc súng máy.

Trong điều kiện chiến tranh, thiếu kim loại trầm trọng và cần phải tăng tốc sản xuất, thiết kế của xe tải quân sự GAZ đã được đơn giản hóa. Nhiều chi tiết đã bị lược bỏ như một đèn pha và cần gạt nước bên phải, ngay cả phanh chỉ được lắp ở bánh sau. Đến năm 1942, ngay cả cửa sắt cũng được thay thế bằng tấm gỗ và vải bạt. Phần cabin và mái xe cũng làm bằng gỗ phủ bạt.

Xe GAZ-51 của Liên Xô không có hệ thống sưởi và hệ thống thông gió, phanh kém, cabin gỗ, dùng một đèn pha và không có cửa, nhưng dưới bàn tay điều khiển kiên cường của người lính Hồng quân, chúng vận tải khá hiệu quả và trở thành một trong những biểu tượng Chiến thắng của quân đội Liên Xô.

Hòa bình, những chiếc xe tải GAZ-51 tiếp tục tham gia vào quá trình kiến thiết đất nước từ đống đổ nát sau chiến tranh. Ngày 10/10/1949, những chiếc xe Gaz-51 được đưa khỏi dây chuyền lắp ráp, và trở thành tượng đài trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô Liên Xô.

Về xe GAZ-69.

Năm 1941, người đứng đầu Tổng cục Ô tô và Máy kéo của GABU KA, Thiếu tướng I.P tình cờ phát hiện thông tin Ford đã nhận được hợp đồng sản xuất xe trinh sát hạng nhẹ Ford Pigmy cho quân đội Mỹ trên tạp chí Automotive Industries. Ông đã gửi thư cho Chính ủy Nhân dân của Cơ quan Kỹ thuật Trung bình V.A Malyshev với yêu cầu phát triển. Và Malyshev lần lượt gọi điện cho nhà thiết kế hàng đầu của GAZ là V.A. Grachev, đưa cho ông bài báo trên tạp chí và đặt ra nhiệm vụ nhanh chóng phát triển chiếc xe giống như Pygmy.

Tháng 3/1941, các thông số kỹ thuật của chiếc xe này đã hoàn thành và phát triển với 3 phiên bản: Chỉ huy, trinh sát và pháo binh máy kéo. Trên nền tảng của chiếc xe này, vào thời kỳ đầu chiến tranh, các kỹ sư Xôviết đã chế tạo ra một phương tiện quân sự tuyệt vời là GAZ-61-417. Đây là mẫu xe bán tải mui trần dẫn động bốn bánh toàn thời gian, với cabin được giản lược tối đa, không có mui, cũng chẳng có cửa. Trong năm 1941 chỉ có chưa đến 40 chiếc GAZ-61-417 được xuất xưởng. Tiếp đó, Liên Xô đã tổ chức một cuộc thi thiết kế mẫu xe và GAZ-64 đã thắng cuộc.

Chiếc xe GAZ-64 với động cơ nối tiếp có công suất 54 mã lực, không có hộp số giảm tốc. Cho đến năm 1943 mới chỉ có 762 xe GAZ-64 được chế tạo. Sau khi được nâng cấp và tăng khổ lốp thì mẫu xe này được định danh là GAZ-67, còn từ năm 1944 trở đi là GAZ-67B.

Sau khi khai tử dòng xe Gaz-67B, từ năm 1955, nhà máy GAZ đã sản xuất xe UAZ-69 theo giấy phép của ARO ở Romania với phiên bản đầu tiên là IMS-57, sau đó là Muscel M59, và phiên bản nâng cấp là Muscel M461. Viện trợ cho Việt Nam, dòng xe này được gọi là GAZ-69 và chỉ dành cho các lãnh đạo cao cấp, đặc biệt mẫu xe này đã vinh dự được đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê Nghệ An vào năm 1967. Cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970, các phiên bản GAZ-69 được đưa vào Việt Nam với số lượng nhiều hơn, dành cho cả lực lượng vũ trang và cơ quan nhà nước.

Tại Việt Nam, GAZ-69 được sử dụng rộng rãi với hai phiên bản "đuôi tròn" thiết kế 5 cửa và 5 chỗ ngồi, thường gọi GAZ 69A. Bản "đuôi vuông" là GAZ 69 B có 3 cửa; ngoài việc chở người còn dành cho nhiệm vụ cứu thương, chở hàng. Các mẫu xe này đều sử dụng mui bạt để che mưa nắng và để mui trần trong các dịp lễ diễu hành.

3. Hiện nay, số xe GAZ-57 và GAZ-69 đã cơ bản bị thanh lý hoặc trưng bày trong các bảo tàng quân sự và số ít còn lại được lưu giữ tại các nhà máy Z151 và Z157 của Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng. Số xe GAZ-57 và GAZ-69 diễu hành của sự kiện “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) được lấy từ hai nhà máy trên.

Để cho các xe này hoạt động là một sự nỗ lực lớn vì nó đã ngừng sản xuất từ lâu, không có linh kiện thay thế mới. Các kỹ sư, thợ kỹ thuật của các nhà máy trên đã phối hợp với Viên Kỹ thuật và cơ giới quân sự cũng của Tổng cục Kỹ thuật để nghiên cứu, sửa chữa, phục hồi và bảo quản. Những công việc ấy mất rất nhiều thời gian và công sức.

Theo thông tin từ Nhà máy Z157 (Tổng cục Kỹ thuật), nơi tổ chức phục hồi 2 xe GAZ-51 do Liên Xô sản xuất từ những năm 1940, để đáp ứng chất lượng và thời gian cho diễu hành, Nhà máy Z157 đã mất hơn 3 tuần và hơn 30 cán bộ, thợ kỹ thuật làm việc liên tục. 

Họ không chỉ làm lại ngoại thất mà còn làm cả phần nội thất, phần điện và động cơ, trong đó có một số chi tiết máy phải gia công hoặc dùng những loại linh kiện có sẵn trên thị trường, dễ kiếm để thay thế. Có 2 nội dung rất đáng quan tâm thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt của nhà máy.

Một là cải biên hệ thống đánh lửa từ bạch kim sang bán dẫn không tiếp điểm. Nguyên bản của xe GAZ-51 là sử dụng công nghệ đánh lửa bạch kim. Quá trình sử dụng các tia lửa gây move cho các tiếp điểm, khiến lửa cung cấp để đốt cháy nhiên liệu không đều, gây ra các hiện tượng máy bị giật cục khi vận hành. Khi thay thế hệ thống đánh lửa bằng công nghệ đánh lửa bán dẫn không tiếp điểm cho thấy lửa được cung cấp ổn định, liên tục, cho độ tin cậy cao, tương thích và bảo đảm an toàn, các linh kiện hoạt động bền bỉ hơn dưới điều kiện khí hậu nhiệt đới; máy chạy rất mượt.

Hai là, cải tiến hệ thống cung cấp nhiên liệu sử dụng bơm màng. Sau nhiều năm không thường xuyên sử dụng, màng bơm bị trùng, không bơm đủ xăng cho động cơ xe hoạt động. Để giải bài toán cung cấp nhiên liệu cho xe hoạt động ổn định, cán bộ kỹ thuật đã sử dụng bơm điện mắc song song với bơm màng. Khi sử dụng bơm điện hoạt động thì ngắt bơm màng. Còn khi sử dụng bơm màng thì lái xe phải ngắt bơm điện. Ưu điểm: Bơm điện không quá phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường và bền bỉ, dễ khai thác đồng thời cung cấp lượng nhiên liệu cho chế hòa khí rất ổn định.

https://antgct.cand.com.vn/Nguoi-trong-cuoc/bi-mat-ve-nhung-chiec-xe-cho-quan-tai-hien-ngay-tiep-quan-thu-do-i749173/

Ngày đăng: 15:48 | 04/11/2024

Đức Tâm / antgct.cand.com.vn