Nhiều chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng, đóng bảo hiểm cho người lao động nên khi có sự cố xảy ra thì phủi tay, để mặc nạn nhân lâm vào khốn khó
Vào một ngày giữa tháng 5-2018, chúng tôi gặp anh Đỗ Đình Tấn (46 tuổi; ngụ xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) trong ngôi nhà nhỏ nằm sát Quốc lộ 24B, khi anh đang chuẩn bị nhờ người chở lên Bệnh viện Đa khoa Sơn Tịnh châm cứu, tập vật lý trị liệu.
Doanh nghiệp bỏ mặc
Anh Tấn là một trong số ít trường hợp thoát chết hy hữu sau vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra cách đây 2 năm. Thế nhưng, dù thoát chết, cuộc sống của gia đình anh Tấn rơi vào bế tắc khi anh bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. "Lúc xưa, tôi là lao động chính trong gia đình, bây giờ việc đi lại, ăn uống phải trông cậy vào vợ con, không giúp gì được cho gia đình, bứt rứt lắm. Mỗi ngày bây giờ với tôi là sáng đi châm cứu, chiều tập vật lý trị liệu..." - anh Tấn thở dài.
Anh Đỗ Đình Tấn bị liệt nửa người sau TNLĐ Ảnh: TỬ TRỰC
Vụ TNLĐ xảy ra với anh Tấn cách đây hơn 2 năm, ngày 14-4-2016, khi anh đang là công nhân Công ty TNHH Kim Sơn (chuyên kinh doanh dăm gỗ, đóng tại KCN Làng nghề Tịnh Ấn Tây).
"Lúc đó, tôi đang là công nhân đứng gác máy, thình lình robot gắp cây đưa vào máy băm gặp sự cố khiến 3 cây keo từ trên cao rơi xuống trúng vào người khiến tôi bất tỉnh tại chỗ. Tai nạn làm tôi chấn thương cột sống, dập tủy cổ, thoát vị đĩa đệm… Bệnh viện kết luận tôi mất sức lao động 85%..." - anh Tấn kể.
Chị Dương Thị Sương (vợ anh Tấn) cho biết điều đáng buồn hơn nữa sau vụ TNLĐ thập tử nhất sinh của chồng là thái độ vô trách nhiệm, không có chút tình người của Công ty TNHH Kim Sơn. "Trước khi bị tai nạn, chồng tôi làm lương tháng 2,7 triệu đồng và đã làm được gần 2 năm. Khi tai nạn bất chợt giáng xuống, phía công ty cũng không chịu bồi thường gì. Tôi có điện hỏi thì có một lần họ cử người đến bệnh viện thăm chồng tôi và nói hỗ trợ 27 triệu đồng tiền thuốc chạy chữa. Từ đó cho đến nay, không có bất kỳ khoản bồi thường nào cả. Gia đình bức xúc quá mới đi kiện, họ trả lời vì chồng tôi chỉ là lao động thời vụ nên không bồi thường... Bây giờ gia đình khó khăn, nợ nần đủ thứ nên không biết phải làm sao" - chị Sương than thở.
Mịt mù kiện tụng
Cũng bị chủ sử dụng lao động bỏ mặc sau TNLĐ, ông Đặng Phi Hòa mất 1 năm ròng rã kiện tụng nhưng kết quả chẳng tới đâu.
Ông Hòa sống cùng mẹ tại huyện Hóc Môn, TP HCM. Gia cảnh khó khăn, ở nhờ nhà người quen. Mẹ ông Hòa, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, chạy chợ mỗi ngày để kiếm sống, bản thân ông Hòa làm mướn loanh quanh tại địa phương. Tháng 3-2017, ông Hòa được một chủ thầu xây dựng thuê sửa chữa, xây dựng một căn nhà. Không may ông Hòa bị ngã và chấn thương sọ não phải nằm viện gần 1 tháng. Sau tai nạn, sức lao động ông giảm sút nhiều, làm việc khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết sẽ đi kiện tới cùng để đòi quyền lợi cho con Ảnh: BẠCH ĐẰNG
"Khi con nằm viện, tôi bỏ hết việc, vay mượn tiền bạc để lo cho con. Lúc bị tai nạn, người chủ thầu đưa con tôi đến bệnh viện, ứng một khoản tiền nhỏ lúc nhập viện xong rồi lặn mất tăm, không lo tiền thuốc men viện phí. Không bảo hiểm gì nên tôi phải chạy vay khắp nơi để lo thuốc thang, đã nghèo còn thêm khổ" - bà Mai nói.
Không đồng ý khi chủ né tránh trách nhiệm với con trai, bà Mai vác đơn đi khiếu nại nhiều nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Ông Hòa là lao động phổ thông, làm thuê bằng thỏa thuận miệng, tiền trao tay nên việc yêu cầu bồi thường khó khăn trong khi chủ thầu cứ một mực chối bỏ trách nhiệm.
"Hồi điều trị cho con, tôi phải vay tiền nhiều nơi, có cả vay nóng. Suốt nhiều tháng sau, dẫu có bức xúc với chủ thầu thì tôi cũng phải tạm gác lại đó để chạy chợ, kiếm tiền trả nợ cho xong, phận nghèo nó vậy. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ, nay mai trả xong nợ nần tôi sẽ lại tiếp tục đi đòi quyền lợi và lẽ công bằng cho con trai mình. Việc gì cũng phải rõ ràng minh bạch" - bà Mai quả quyết.
Chủ yếu xảy ra trong ngành xây dựng
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, đặc thù TP có nhiều doanh nghiệp nên số vụ TNLĐ luôn đứng đầu với 1.492 vụ khiến 1.508 người bị nạn năm 2017. Trong đó, dẫn đầu là TNLĐ trong ngành xây dựng. Năm 2017, trong số 102 vụ TNLĐ làm chết người thì có đến 71 vụ nằm trong lĩnh vực thi công xây dựng. Các vụ TNLĐ này thường xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do các nhà thầu tư nhân hoặc do các nhóm thợ tự tổ chức thi công không hiểu biết hay chấp hành đầy đủ các biện pháp an toàn lao động.
Sử dụng lao động chui để né bồi thường
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ TNLĐ làm 1 người chết, 10 người bị thương nặng. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cũng xảy ra 10 vụ TNLĐ làm chết 2 người và bị thương nặng 2 người.
Ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi, thừa nhận tình trạng TNLĐ vẫn thường xảy ra ở các doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp sử dụng lao động chui, lao động không đóng bảo hiểm. "Khi bị TNLĐ xảy ra với những lao động này, các doanh nghiệp tìm cách giấu cơ quan chức năng, tự thỏa thuận bồi thường với người nhà, bởi vậy rất khó để phát hiện, đòi lại quyền lợi cho người lao động… Riêng trường hợp anh Đỗ Đình Tấn, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xử lý, có văn bản yêu cầu doanh nghiệp bồi thường cho anh Tấn" - ông Sơn cho hay.
Kỳ tới: Sẻ chia sau biến cố
TỬ TRỰC - BẠCH ĐẰNG
Bi kịch từ tai nạn lao động
Chỉ một phút bất cẩn, lơ là hay sự cố xảy ra ngoài ý muốn đã khiến nhiều người bị tai nạn lao động mang ... |
TP HCM: Đứt cáp rạng sáng khiến bảo vệ chết tại chỗ
Khi phễu sắt chứa đầy xi măng đang được nâng lên thì cáp bị đứt khiến một bảo vệ tử vong tại chỗ. |
Sống khác sau biến cố cuộc đời
Những nhân vật trong câu chuyện dưới đây vốn được sinh ra với thân thể lành lặn, trưởng thành rồi tìm 1 công việc lương ... |
Sập mỏ đá ở Hà Nội, 1 người thiệt mạng
Một vụ tai nạn lao động đáng tiếc vừa xảy ra tại mỏ khai thác đá làm một người thiệt mạng. |
Ngày đăng: 08:11 | 21/05/2018
/ https://nld.com.vn