Quyết định chọn con đường duy nhất để cuối cùng bỏ lại phía sau lưng mình ngục tù khắc nghiệt vô hình của cuộc sống, chắc hẳn họ đã phải giằng xé tâm can, giày vò đau đớn trong suốt thời gian dài. Họ đáng thương nhưng ngàn lần đáng trách khi đã kéo con trẻ theo sự lựa chọn của riêng mình...
Những đứa trẻ ấy có quyền được sống, nhưng người lớn đã nhân danh quyền làm cha mẹ để ép chúng phải chết. Đó không phải tình yêu thương, trách nhiệm hay sự hy sinh, mà cần gọi đúng là tội ác...
Con trẻ có quyền được sống
Trẻ con không có khả năng tự vệ, sự sống chết của chúng phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Khi bị cha mẹ ép buộc phải hủy hoại sự sống của mình, khả năng tử vong của những đứa trẻ là rất cao. Số ít còn lại dù may mắn sống sót nhưng cơ thể non nớt của chúng phải chịu giày vò đau đớn trong thời gian dài do bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần.
Người dân bên dòng Thu Bồn, quanh cây cầu Cửa Đại nối TP. Hội An với huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam vẫn còn thương xót cho bé gái bị cha ruột ôm theo khi ông quyết định kết thúc cuộc đời vào trưa ngày 17-5. Trước khi nhảy, một số người còn nghe cháu nhỏ vùng vẫy, thét lên với nỗi hoảng loạn: “Đừng ba ơi, đừng ba ơi...”.
Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ cùng người dân địa phương đã tập trung tìm kiếm. Tới 12h trưa cùng ngày, thi thể người cha được tìm thấy cách hiện trường chừng 200 mét, bé gái thì vẫn chưa thấy. Đội thợ lặn đã phải dùng bình dưỡng khí, lặn xuống tìm kiếm quanh tất cả các khu vực khả nghi ở cửa sông và tìm thấy thi thể bé gái nằm sâu dưới mặt nước, cách vị trí nhảy cầu khoảng 400m vào lúc 21h ngày 18-5.
Trong bức thư tuyệt mệnh để lại trước khi ôm con nhảy cầu tự tử, người cha của bé gái 6 tuổi tâm sự rằng hai cha con từ Quảng Bình vào Đà Nẵng thuê trọ làm ăn. Thời gian gần đây, đời sống gia đình có nhiều điều phiền muộn nên ông muốn giải quyết sự bế tắc. Ông chọn cái chết nhưng vì quá thương con gái nên khi chết, ông muốn đưa con đi theo mình. “Xin con hãy tha thứ cho người cha này, xin lỗi người con gái của ba, ba yêu con nhiều lắm!”, dòng cuối cùng trong lá thư tuyệt mệnh.
Những người chứng kiến đều không khỏi thương xót, đau thay cho cuộc đời người đàn ông cùng quẫn này. Nhưng, họ không thể chấp nhận việc ông ấy mang theo đứa con gái bé bỏng đi theo với mình. Đứa trẻ không muốn chết và thực sự đã vùng vẫy, gào thét tuyệt vọng cầu xin cha đừng làm như thế. Cho dù vì bất cứ lý do gì, việc ép con cùng chết là hành vi thể hiện sự hèn nhát, dùng cái chết để giải quyết bế tắc, tước đoạt mạng sống của con trẻ. Việc làm này để lại hậu quả nặng nề về mặt xã hội, đáng bị lên án mạnh mẽ.
Đây không phải là sự việc việc đau lòng hy hữu, cũng chỉ vài ngày trước thôi, một cô giáo mầm non ở Cẩm Giàng, Hải Dương, người mẹ đáng thương của hai đứa con thơ dại cũng tìm đến sự giải thoát cho ba mẹ con bằng cách nhảy sông tự tử.
Hai đứa trẻ, mới 2 tuổi và 9 tháng tuổi, còn đang hồn nhiên vui cười, thoáng chốc rơi vào bi kịch cùng cuộc đời người mẹ. Trước khi ra đi, chị ấy đã gửi tin nhắn cho bạn bè, người thân và để lại lời tâm sự cuối cùng cho người chồng. Không ai cầm nổi nước mắt khi thấy cảnh đứa bé vẫn còn ôm chặt vào mẹ khi đội tìm kiếm tìm thấy thi thể. Cảnh người cha, người ông khuỵu xuống bờ sông, ôm mặt khóc nghẹn ám ảnh vào tận tâm can con người.
Ai cũng hiểu, vì người mẹ quá thương con, không muốn cuộc sống sau này của con phải khổ cực, thiếu đi người chăm sóc nên mới quyết định dẫn theo hai con cùng chết với mình. Nhưng, đứa trẻ có cuộc đời và số phận riêng. Không ai có quyền tước đoạt mạng sống của người khác, dù đó là con cái của mình. Em bé còn cha, còn ông bà, chú bác và bao nhiêu con người đau khổ vì mất đi người thân. Và, quan trọng, em còn cuộc đời của chính em nữa.
Chuyên gia tâm lý, TS. Nguyễn Thanh Hương cho rằng, người làm cha làm mẹ đó không dám đối mặt với thực tế cuộc sống, thiếu kỹ năng sống và thiếu trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Người lớn chịu đựng mọi va đập của cuộc đời, có quyền chọn cách mình sống nhưng không bao giờ được phép sử dụng sự ích kỷ đến tàn nhẫn để làm phương hại đến con trẻ. Hành vi tự tử kéo theo con cái là hành vi rất đáng lên án, không những tự tước bỏ tính mạng bản thân mà còn tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác. Để giảm thiểu những vụ việc đau lòng như vậy thì vấn đề giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các bậc làm cha, làm mẹ là rất cần thiết.
Những đứa trẻ mồ côi
Vụ việc rúng động xảy ra vào đêm ngày 14-5, nạn nhân là chị N.T.H.N (35 tuổi, ngụ phường 1, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) bị chồng cũ là Nguyễn Tấn Phúc (36 tuổi, cùng địa chỉ) đâm tử vong ngay tại căn nhà trước đó từng là mái ấm hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo cùng 5 đứa con thơ bé.
Chị N. là con út trong gia đình có 4 anh chị em nhưng lại là người lận đận, vất vả nhất. Chị N. kết hôn lần đầu tiên, hạnh phúc chưa được bao lâu thì chồng bị tai nạn qua đời. Sau khi chồng mất, N. ôm hai đứa con về nhà ngoại sinh sống. Cha mẹ ruột chia cho miếng đất, chị N. dựng căn nhà sống bên cạnh cha mẹ, mấy mẹ con đùm bọc lẫn nhau trong hoàn cảnh thiếu trước hụt sau.
Vài năm sau, N. quyết định đi thêm bước nữa cùng Nguyễn Tấn Phúc. Gần 10 năm trời bên nhau, chị N. có thêm với Phúc 3 người con nữa.
Đôi mắt thâm quầng, trũng sâu, nét mặt còn vương đầy nỗi đau buồn, ông Nguyễn Thanh N., cha của chị N. nghẹn ngào khi hàng xóm đến hỏi thăm, chia buồn. Ông cho biết, gã con rể có tính cộc cằn, thô lỗ, năm 2017, Phúc từng xảy ra mâu thuẫn và đánh ông. Nhưng, vì thương con, ông và gia đình bỏ qua tất cả để vợ chồng sống hòa thuận cùng nhau. Tuy nhiên, những cuộc cãi vã, xung đột ngày một dày hơn.
Đến tết năm 2022, do mâu thuẫn chuyện tiền bạc, công việc nên vợ chồng chị N. xảy ra cãi vã rất căng thẳng, Phúc thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Chị N. không chịu nổi nữa, quyết định sẽ ly hôn. Trong thời gian chờ tòa giải quyết, mỗi người sống một nơi. Đêm 14-5, sau khi nhậu say, Phúc đến nhà tìm N. để kiếm chuyện quậy phá. Đây là lần thứ 4 chuyện này xảy ra. Đầu tiên, Phúc đâm hụt chị N. gãy cán dao. Nghe tiếng la hét, ông N. và con trai chạy qua can ngăn thì Phúc lấy xe rời đi.
Những tưởng mọi chuyện sẽ tiếp tục như trước, Phúc kiếm chuyện rồi bỏ đi nhưng lần này hắn đã quay lại. Chỉ 5-7 phút sau, khi chị N. đang đứng trước nhà thì Phúc đã vào sát bên rồi kề dao cặp cổ, gây án.
“Mọi chuyện diễn ra nhanh đến mức không ai có thể tưởng tượng được. Tôi còn nhớ sau khi gây án xong, hắn còn cự cãi với mọi người trong nhà rồi gục xuống bên N. và nói: “Anh xin lỗi em”. Gia đình chúng tôi quá bàng hoàng vì tội ác mà Phúc gây ra”, ông Nhàn đau đớn kể.
Chị N. được chuyển đến bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng đã không qua khỏi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, em gái chị N. nắm lấy tay chị và hứa sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng 5 đứa con của chị đến nơi đến chốn. Gia đình ông N. thuộc diện khó khăn, ông làm nghề phụ hồ nay có mai không, vợ ông đi lượm ve chai và bán nước mía. Lúc còn sống, chị N. là trụ cột một tay nuôi 5 con nhỏ. Hằng ngày, chị đi làm ở quán tóc cho cô em gái, đến tối mới về, tiền kiếm được không đủ mấy mẹ con trang trải nên nhiều lúc phải giật gấu vá vai.
Mẹ mất khi 5 đứa còn quá nhỏ. Hai đứa út là cặp sinh đôi, mấy ngày nay nó cứ khóc đòi mẹ, ai nhìn vào cũng xót xa ruột gan.
Vẫn là câu chuyện của người lớn, cũng là những giây phút nông nổi, bồng bột, giận quá mất khôn khiến những đứa trẻ vô tội rơi vào bi kịch, phút chốc thành trẻ mồ côi, chơi vơi, ngơ ngác với cuộc đời. Ở tuổi ăn tuổi lớn như thế, phải chứng kiến cảnh cha sát hại mẹ, thử hỏi, chúng sẽ ám ảnh đến nhường nào? Căn nhà của mẹ để lại, bóng hình thân quen của mẹ giờ chỉ còn trên tấm ảnh thờ nhuộm màu tang tóc. Ông N. cho biết, hai đứa bé mấy ngày rồi cứ khóc đòi mẹ, chúng vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra với cha và mẹ của chúng. “Khi là cha mẹ rồi, chúng ta làm điều xấu hay tốt, gây ra tội ác thế nào thì đều ảnh hưởng và liên lụy đến con cái. Các cháu của tôi đã một lần tổn thương mất mát rồi, chúng tôi sẽ cố gắng bao bọc, chăm sóc làm chỗ dựa tinh thần cho chúng, không bao giờ để chúng rời xa vòng tay người thân nữa”.
Có nhiều lý do để người lớn biện hộ cho hành vi sai trái của mình. Bên cạnh lý do kinh tế cùng quẫn, nợ nần chồng chất, nhiều ông bố, bà mẹ chọn bước đường cùng do không vượt qua được những trở ngại quá lớn, hoặc con bị khuyết tật, mắc bệnh nan y, chồng ngoại tình, hay bị chồng bạo hành lâu ngày, mẹ chồng chì chiết, đay nghiến... dẫn đến tâm lý tuyệt vọng và quyết định tìm đến cái chết để mong “được giải thoát”.
Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ thường quan niệm con mình là một phần cơ thể, là khúc ruột của mình nên cần mang theo, nếu bỏ con lại, họ thấy mình là một ông bố, bà mẹ tồi tệ (!?). Tự tử cùng con để bảo vệ đứa trẻ khỏi cảnh bơ vơ đầu đường xó chợ, mồ côi, không được dạy dỗ nên người là cách họ chọn đầy mù quáng. Chưa nói đến việc, một số bà mẹ còn tin rằng, khi chết con mình có thể tái sinh ở một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Thắm, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, pháp luật Việt Nam không quy định chế tài đối với hành vi tự tử, tự làm đau đớn, hành hạ cơ thể bản thân mình, nhưng nếu hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, nếu trường hợp người cha, người mẹ ôm con tự tử khiến đứa trẻ chết nhưng cha mẹ không chết thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
Ngày đăng: 08:08 | 27/05/2022
Ngọc Thiện / CAND