Khả năng thiên bẩm, trí tuệ siêu phàm không phải lúc nào cũng đi liền với một tương lai tươi sáng. Với thần đồng âm nhạc Ervin Nyiregyhazi, nhận định này hoàn toàn đúng. Tài năng và số phận của con người này dường như là 2 đường thẳng song song không bao giờ có điểm chung.

bi kich cuoc doi cua thien tai am nhac bi lich su lang quen
Chân dung thiên tài âm nhạc Ervin Nyiregyhazi

Ngày nay, tên tuổi của Ervin Nyiregyhazi ít khi được nhắc tới, ngoại trừ những người đam mê giai điệu sâu lắng của những bản piano cổ điển. Tuy nhiên, giới chuyên gia gồm các nhạc sĩ nổi tiếng, nhà phê bình, nhà nghiên cứu âm nhạc đều khẳng định rằng ông là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ xuất sắc và độc đáo nhất của thế kỷ XX.

Thiên tài âm nhạc bị lịch sử quên lãng

Sinh ra ở Budapest, năm 1903, Ervin Nyiregyházi là một trong những thần đồng trẻ tuổi đáng chú ý nhất trong lịch sử âm nhạc.

Ervin Nyiregyhazi sinh ngày 19/1/1903, là người Mỹ gốc Hungary. Cha của ông là một ca sĩ tên tuổi của Nhà hát Opera Hoàng gia ở Budapest. Từ nhỏ, Ervin được mô tả là một cậu bé thông minh, vui vẻ và hòa đồng.

Cha Ervin chính là người nhận ra nhiều điều phi thường của con trai mình. Chưa đầy 1 tuổi, Ervin đã bập bẹ hát và tới 2 tuổi đã hát được những giai điệu khó một cách chính xác. Cũng năm này, cậu bé bắt đầu sáng tác nhạc và 3 tuổi đã chơi được hầu hết các bài hát bằng kèn harmonica.

Nhận ra tài năng đặc biệt của con, cha mẹ cậu đã sớm giúp cậu đứng trên các sân khấu lớn, biểu diễn trước các nhà quý tộc, trí thức, doanh nhân và những nhân vật văn hoá lỗi lạc gồm các nhà soạn nhạc và rất nhiều nghệ sĩ vĩ đại đương thời. Tất cả đều không khỏi kinh ngạc cho tài năng của một cậu bé còn quá nhỏ. Người ta gọi cậu là thần đồng âm nhạc.

Lên 8 tuổi, Ervin vinh dự được biểu diễn tại Cung điện Buckingham và nhiều hoàng gia khác - điều xưa nay vô cùng hiếm nếu không muốn nói là “đọc nhất vô nhị” với 1 người ở độ tuổi này.

10 tuổi, Ervin được tuyển thẳng và trở thành sinh viên nhỏ tuổi nhất tại Học viện Âm nhạc. Ở tuổi thiếu niên, Ervin tổ chức rất nhiều buổi hòa nhạc quy mô lớn khắp Trung Âu với các tác phẩm độc tấu và concerto “khó nhằn” nhất ngay cả với những nghệ sĩ tên tuổi. Ervin trở thành hiện tượng không chỉ với khán giả mà với cả nền âm nhạc thế giới.

Geza Revesz, một nhà tâm lý học người Hungary thậm chí đã tiến hành một nghiên cứu độc lập với Ervin về hiện tượng thần đồng được xuất bản năm 1916.

Bi kịch nối tiếp bi kịch

Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng là cả một chặng đường đầy đau thương. Tất cả áp lực, mệt mỏi bởi sự khai thác tài năng và kiểm soát quá mức của cha mẹ, sự xấu hổ trước những lần mua vui cho giới quý tộc đều trở thành những vết sẹo tâm lý kéo dài và khó lành trong tâm hồn một cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn.

Vào mùa thu năm 1920, ở tuổi 17, đến New York (Mỹ), và đây chính là nơi “mở đầu của kết thúc” cho sự nghiệp tưởng chừng đây vinh quang.

Bị kiểm soát từ nhỏ, Ervin không được tiếp xúc nhiều với thế giới, lúc nào cũng chỉ như một đứa trẻ mới lớn nằm gọn trong vòng tay bao bọc của cha mẹ. Do vậy, ở New York, Ervin gần như không có khả năng đương đầu với cuộc sống mới, đến mức còn không thể tự buộc dây giày hay chuẩn bị thức ăn cho mình.

Ervin không có bạn bè, lúc nào cũng sống trong thế giới của riêng mình. Dần dần, cậu có dấu hiệu trầm cảm, thường lang thang và ngủ ở các tàu điện ngầm hoặc băng ghế công viên.

Chẳng còn những đêm nhạc hoành tráng, chẳng còn những lời tung hô “lên trời”, thần đồng âm nhạc một thời phải chấp nhận biểu diễn ở các dàn nhạc của khách sạn, thậm chí trong nhà tù hay các buổi tiệc của giới mafia, bất cứ nơi nào anh có thể kiếm được một chút tiền.

Quãng thời gian sau đó, Ervin lúc nào cũng sống trong cảnh đói nghèo, ở trong những khu ổ chuột, trở thành một kẻ nghiện rượu. Ông “quan hệ” với đủ mọi thành phần trong xã hội, từ những phụ nữ có chồng đến gái mại dâm, thậm chí cả bạn tình là nam giới.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, ông mắc phải hội chứng sợ hãi trên sân khấu và không thể tiếp tục biểu diễn. Sự nghiệp của ông từ đó cũng gần như chính thức kết thúc.

Trong cuộc sống cá nhân, ông đã kết hôn tới 10 lần trước khi qua đời vào ngày 13/4/1987. Bắt đầu sáng tác lúc 3 tuổi, cho đến khi qua đời, ông đã viết được hơn một nghìn tác phẩm âm nhạc.

http://danviet.vn/the-gioi/bi-kich-cuoc-doi-cua-thien-tai-am-nhac-bi-lich-su-lang-quen-809302.html

Ngày đăng: 11:54 | 01/10/2017

/ Dân Việt