Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khám cho bệnh nhân lại có kết quả khác so với bệnh viện Lão khoa Trung ương. Ngoài ra, kê thuốc rồi nói thuốc đã hết...
Hết thuốc nhưng vẫn không cho bệnh nhân chuyển tuyến
Theo thông tin người nhà bà Vương Thị Th. (SN 1952, địa chỉ ở phường Ngô Quyền, TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) phản ánh đến báo Người Đưa Tin: Bà Th. có tiền sử bệnh tăng huyết áp. Gần đây, bà bị mắc thêm bệnh đái tháo đường. Bà Th. xuất hiện triệu chứng run tay nhưng vẫn kiểm soát được. Tuy nhiên, triệu chứng này kéo dài suốt mấy tháng qua và ngày càng nặng hơn.
Vào đêm 23/11/2017, bà Th. có biểu hiện run tay kèm theo run cằm mạnh không kiểm soát được. Ngay trong đêm, bà Th. được người nhà đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc (BVĐK VP) cấp cứu và được các bác sĩ ở đây đưa vào khoa Nội thần kinh để khám và có phương pháp điều trị.
Được biết, bà Th. là một cán bộ công an về hưu và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế của Nhà nước theo quy định.
Bà Th. chia sẻ: “Sau khi được đưa vào khoa Nội thần kinh, tôi được các bác sĩ truyền 1 chai nước muối biển, 2 ống bổ não nội và uống 2 viên thuốc an thần”.
Ngày 24/11, bà Th. được chỉ định đưa đi làm một số xét nghiệm (điện giải đồ, định lượng Acid Uric, định lượng Creatinin máu…); chẩn đoán hình ảnh (chụp cộng hưởng từ sọ não, chụp Xquang ngực thẳng, siêu âm ổ bụng); thăm dò chức năng (điện tim thường, đo lưu huyết não).
Sau khi làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng được chỉ định, các bác sĩ ở khoa Nội thần kinh đã tham khảo kết quả siêu âm tuyến giáp mà bà Th. làm ở bệnh viện Quốc tế Thu Cúc trước đó. Sau đó, các bác sĩ ở khoa Nội thần kinh – BVĐK VP kết luận, chẩn đoán bà Th. bị bệnh Parkinson/đau đầu, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Tuy nhiên, sau khi chẩn đoán bệnh cho bà Th., các bác sĩ ở đây lại không thông báo cho người nhà và bệnh nhân biết về các kết quả và phương pháp điều trị, cũng như không giải thích về tình trạng bệnh của bà Th. cho người nhà.
Bà Th. cho biết thêm: “Sau khi đi chụp và làm các xét nghiệm theo yêu cầu thì bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh - khoa Nội thần kinh, BVĐK VP nói với tôi là bị bệnh Parkinson rồi, nay mai sẽ bị liệt nằm một chỗ không đi lại được đâu… Chỉ có bác sĩ Vân Anh nói với tôi như vậy, chứ không giải thích gì về tình trạng bệnh và cho tôi biết phương pháp điều trị. Câu nói của bác sĩ Vân Anh đã khiến tôi suy sụp tinh thần…”.
Theo tìm hiểu của PV, sau 2 ngày bệnh nhân Th. nằm viện theo dõi bệnh tình, các bác sĩ khoa Nội thần kinh đã nói với bà Th. làm thủ tục cho bà ra viện, mặc dù phía bệnh viện vẫn chưa cho người nhà và bệnh nhân xem kết luận chẩn đoán và không đưa ra phương pháp điều trị đối với bà Th..
Quá bất ngờ với thái độ và cách làm việc không có trách nhiệm của các bác sĩ khoa Nội thần kinh – BVĐK VP, bà Th. đã bảo người nhà lên gặp các bác sĩ của khoa Nội thần kinh để hỏi rõ nguyên nhân vì sao lại để cho bà ra viện mà chưa có phương pháp điều trị hay giải thích về tình trạng bệnh tình cho bà.
Theo như chia sẻ của anh T. (người nhà bà Th.), người trực tiếp lên nói chuyện với các bác sĩ khoa Nội thần kinh: “Hôm đó đã có kết quả chẩn đoán cho bà Th. rồi, nhưng các bác sĩ lại không cho tôi cũng như người nhà xem kết quả, chỉ nói với tôi là bà Th. bị Parkinson và không giải thích gì thêm nữa”.
Sau đó, do chán nản về cách hành xử của các bác sĩ ở khoa Nội thần kinh, anh T. đã yêu cầu BVĐK VP cho bà Th. được chuyển tuyến lên bệnh viện Trung ương để khám và có phương pháp điều trị rõ ràng.
Tuy nhiên, các bác sĩ ở khoa Nội thần kinh đã không cho bà chuyển lên tuyến trên mà nói rằng: “Bây giờ, gia đình muốn chuyển tuyến thì gia đình xin ra viện, xong tự túc mà đi. Dù có xuống khám ở dưới Trung ương thì sau này vẫn phải quay lại đây lấy thuốc Parkinson mà thôi”.
“Bà Th. được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước, tại sao bệnh viện lại không tạo điều kiện cho bà Th. chuyển viện trong khi bệnh viện lại không có phương pháp chữa trị cho bà…”, anh T. thắc mắc với các bác sĩ ở đây nhưng không nhận được câu trả lời cũng như giải thích gì của các bác sĩ.
Sau khi không chấp nhận cho bệnh nhân xin chuyển viện lên tuyến trên theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân, các bác sĩ ở đây mới lên phương pháp điều trị cho bà Th. theo hướng điều trị bệnh Parkinson.
Tuy nhiên, do bệnh viện hết thuốc điều trị bệnh Parkinson trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế, nên các bác sĩ của khoa Nội thần kinh đã tư vấn cho bà Th. mua thuốc không có trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế để điều trị.
Cụ thể, nghe theo lời tư vấn của bác sĩ khoa Nội thần kinh bà Th. đã nhờ bác sĩ Vân Anh mua giúp 6 ống thuốc Cerebrolysin 10ml (Peptid Cerebrolysin concentrate), loại thuốc điều trị bệnh Parkinson không có trong danh mục thuốc bảo hiểm của BVĐK VP tại quầy thuốc của bệnh viện để điều trị cho mình trong quá trình nằm viện.
Những loại thuốc mà các bác sĩ điều trị cho bà Th..
Trong 8 ngày nằm viện điều trị, các bác sĩ đã điều trị cho bà Th. những loại thuốc để điều trị bệnh Parkinson, nhưng hiện tượng run tay, run cằm không kiểm soát của bà Th. vẫn không hề thuyên giảm mà ngược lại có biểu hiện nặng hơn trước.
“Người bà trông xanh xao, yếu lắm. Tay với cằm vẫn run mạnh… Bác sĩ ở đây điều trị thuốc cho bà, nhưng truyền, tiêm, cho bà uống thuốc xong thì mới đưa sổ cho người nhà ký nhận thuốc”, theo lời người nhà chăm sóc bà Th. tại bệnh viện.
Khám như nhau nhưng lại có kết quả khác nhau
Sau 8 ngày nằm viện, ngày 1/12, bà Th. được làm thủ tục ra viện, nhưng tình trạng bệnh vẫn không được cải thiện so với khi bà Th. được nhập viện ngày 23/11.
Đến khi làm thủ tục ra viện cho bà Th., các bác sĩ tại khoa Nội thần kinh vẫn không hề đưa cho người nhà bệnh nhân Th. được xem bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến bệnh án cũng như các kết quả chụp chiếu và xét nghiệm của bà Th., mà chỉ đưa cho người nhà bảng kê chi phí khám chữa bệnh nội trú để làm thủ tục ra viện.
Giấy ra viện của bà Th..
Trong giấy ra viện, bà Th. được chẩn đoán bệnh Parkinson/đau đầu, tăng huyết áp, đái tháo đường. Phương pháp điều trị: Truyền dịch, cải thiện tuần hoàn não, chống rung giật, hạ áp, giảm đau.
Đến lúc này, người nhà mới được biết phương pháp điều trị cho bà Th., kèm theo đó là đơn thuốc điều trị bệnh Parkinson gồm: Seovixe 500mg (40 viên, uống 2 viên/ngày. Sáng 1 viên, tối 1 viên). Gmko (40 viên, uống 2 viên/ngày. Sáng 1 viên, tối 1 viên). Người kê đơn là bác sĩ Đỗ T.Phương. Sau khi nhận được đơn thuốc thì các bác sĩ khoa Nội thần kinh hẹn đến ngày 4/12, bệnh nhân quay lại lấy thuốc tại quầy thuốc của bệnh viện.
Nhưng bất ngờ, khi người nhà quay lại lấy thuốc theo đơn bác sĩ đã kê thì được bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh cho hay, hiện tại những loại thuốc này nằm trong mục thuốc bảo hiểm y tế đã hết, phải đến tận 10/1/2018 mới có thuốc.
Đơn thuốc mà bà Th. được bác sĩ BVĐK VP kê đơn.
Sau khi ra viện với tình trạng không được thuyên giảm về bệnh, ngày 5/12, bà Th. đã xuống khám tại khoa Khám theo yêu cầu và quốc tế của bệnh viện Lão khoa Trung ương, nơi khám chữa bệnh đầu ngành về bệnh Parkinson.
Tại đây, bà Th. cũng được làm các xét nghiệm (sinh hóa – miễn dịch, huyết học), chụp cộng hưởng từ sọ não (0.2-1.5T), điện tim thường, siêu âm Doppler tim, siêu âm Doppler u tuyến, hạch vùng cổ.
Các xét nghiệm ở đây cũng làm giống như ở BVĐK VP, tuy nhiên ở bệnh viện Lão khoa Trung ương làm thêm siêu âm Doppler u tuyến, hạch vùng cổ.
Sau khi được bác sĩ trực tiếp khám bệnh thì bà Th. được kết luận chẩn đoán bị run tay – thiểu năng tuần hoàn não. Kết luận hoàn toàn khác so với kết luận của khoa Nội thần kinh - BVĐK VP.
“Sau khi đi khám và có phương pháp điều trị của bệnh viện Lão khoa Trung ương, hiện tượng run tay đã thuyên giảm rất nhiều, hiện tượng run cằm gần như là không xuất hiện lại nữa, trong người thấy khỏe hơn nhiều”, bà Th. chia sẻ với PV.
Báo Người Đưa tin sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Nước mắt sau những ca triệt sản nhớ đời
Sản phụ L.T.N.S ở Hà Nội có thai sau khi triệt sản tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội gây xôn xao dư luận vừa ... |
Bủa lưới bắt băng cờ bạc bịp bằng \'thuốc lú\' của Trung Quốc
Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của bị hại, chúng bỏ một lượng thuốc hướng thần vào bia bởi đồ uống này đắng ... |
Ngày đăng: 15:30 | 27/12/2017
/ nguoiduatin.vn