Từ lời đe dọa tương tự của bà Lê Thị Hiền khi "đại náo sân bay" rằng sẽ “chạy 5 triệu Facebook cho con này ế chồng” - vấn đề đặt ra là trước tình trạng như vậy các nạn nhân cần phải làm gì để ngăn chặn, đối phó?
Trên thực tế, lời đe dọa như của bà Hiền hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Đơn cử, đó là tình trạng tin giả, xuyên tạc sự thật, nói xấu bôi nhọ người khác trên Facebook... do chính bản thân các Facebooker thực hiện hay thực hiện theo “đơn đặt hàng” của đối tượng khác, đã từng xảy ra.
Trước tình trạng như vậy, không ít nạn nhân lo lắng và bất an, thậm chí dẫn đến hoảng loạn, trầm cảm, bế tắc...
Tuy nhiên, trước tình trạng này không phải là không có cách để xử lí.
Thứ nhất, các nạn nhân có thể thực hiện quyền báo cáo vi phạm thông qua kênh Facebook nếu mình bị xúc phạm, bôi nhọ, vu cáo hay đặt điều vô căn cứ kèm theo những lời lẽ và hình ảnh.
Theo hướng dẫn của Facebook, ngay gần bài viết, hình ảnh hoặc bình luận trên trang Facebook đó có liên kết báo cáo để cho mọi người báo cáo vi phạm đối với các trường hợp vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook.
Trong trường hợp nạn nhân bị đặt điều, xúc phạm, bôi nhọ không sử dụng Facebook thì nên nhờ người quen, bạn bè trợ giúp. Đây là cơ chế được Facebook cho phép.
Đơn cử, người A bị xúc phạm trên Facebook nhưng lại không có sử dụng Facebook nên không thể thực việc việc báo cáo vi phạm, song hoàn toàn xác định được trường hợp mình bị người B xúc phạm trên trang cá nhân của người đó. Khi đó, người A có thể nhờ bạn bè, người quen là C, D, E, F... có sử dụng Facebook để báo cáo vi phạm giúp.
Càng nhiều người báo cáo vi phạm thì sẽ tạo hiệu ứng mạnh hơn với Facebook. Tuy nhiên, nạn nhân cũng cần chuẩn bị tư liệu càng chi tiết càng tốt để gửi cho Facebook như một bằng chứng rõ ràng để chứng minh, thuyết phục Facebook xử lí vụ việc. Đó là đường link (được tải lên trang cá nhân), là hình ảnh, là những dòng trạng thái, bình luận...
Cũng bằng kênh Facebook, nạn nhân có thể nhờ bạn bè, người quen, những Facebooker nổi tiếng và có uy tín, có sự đánh giá điềm tĩnh, công tâm, khách quan xem xét hỗ trợ, bằng cách nói rõ vấn đề cùng với các bằng chứng xác thực để cộng đồng có cái nhìn tỏ tường và thấy được sự vu cáo, bôi nhọ với những ý đồ, mục đích không lành mạnh hay cố tình triệt hạ người khác.
Kênh thức hai là cơ quan chức năng. Các nạn nhân trong trường hợp này có thể viết đơn thư khiếu nại lên các cơ quan chức năng. Về phía chính quyền, cơ quan quản lí về lĩnh vực này chính là cơ quan quản lí thông tin truyền thông ở cấp tỉnh/thành (sở thông tin và truyền thông) quận, huyện. Tuyến cơ quan chức năng thứ hai là công an (phường xã, quận huyện, tỉnh thành).
Trong những vụ việc trầm trọng như các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp bị tung tin xuyên tạc, tin giả nhằm nói xấu, bôi nhọ, hạ bệ, cạnh tranh không lành mạnh..., doanh nghiệp nạn nhân có thể viết đơn thư khiếu nạn lên các cấp cục, bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương cùng với các bộ quản lí chuyên ngành, lĩnh vực và Bộ Công an.
Theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, qui định: Hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng (khoản 3, Điều 64); hoặc bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 3, Điều 66).
Theo Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc một số tội danh khác được quy định trong bộ luật này.
Ngày đăng: 15:32 | 28/08/2019
/ laodong.vn