Sáng 13-1, Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình đưa ra phán quyết sơ thẩm đối với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước và 2 bị cáo liên quan...

Theo đó, trong các ngày từ 7 đến 13–1, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên toà sơ thẩm xét xử các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng - cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Lê Thanh Vân - cựu Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; Nguyễn Văn Vương - cựu Chuyên viên Vụ Pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước; Phạm Minh Cường (tức Cường “quắt”) và Vũ Đăng Phương, đều trú tại Thái Bình.

Khép lại phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Thía Bình quyết định tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng 3 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Tổng hợp hình phạt, bị cáo Nhưỡng phải chấp hành mức án chung là 13 năm tù.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và các bị cáo liên quan tại phiên tòa.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và các bị cáo liên quan tại phiên tòa.

Với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, bị cáo Lê Thanh Vân bị tuyên phạt 7 năm tù và bị cáo Nguyễn Văn Vương bị áp dụng 14 năm tù.

Xác định phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”, bị cáo Phạm Minh Cường bị tuyên phạt 7 năm tù. Tổng hợp với hình phạt ở vụ án trước, Cường “quoắt” phải chấp hành mức án chung là 11 năm 3 tháng tù. Sau cùng, bị cáo Vũ Đăng Phương bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và tổng hợp hình phạt với bản án trước là 8 năm 9 tháng tù.

Quá trình xét xử cho thấy, từ năm 2020-2023, các bị cáo Phạm Minh Cường, Vũ Đình Phương, Lưu Đình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và Nguyễn Văn Vương đã gây ra các vụ cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trụ lợi, xảy ra tại các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP Hải Phòng và Hà Nội.

Về hành vi cưỡng đoạt tài sản, bị cáo Nhưỡng bị xác định đã gọi điện thoại cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình can thiệp, giúp đỡ “giang hồ” Cường "quắt" gây thanh thế, tạo điều kiện để Cường, Phương cưỡng đoạt tài sản với số tiền nhiều tỷ đồng.

Tháng 12-2020 và tháng 5-2021, bị cáo Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo nhiều cơ quan ở Hải Phòng can thiệp theo hướng có lợi cho 1 cá nhân, từ đó hưởng lợi bộ cánh cửa nhà thờ bằng gỗ lim (trị giá 75 triệu đồng) và nhằm hưởng lợi lô đất giá 160 triệu đồng.

Ngày 13-5-2021, lấy tư cách đại biểu Quốc hội, bị cáo Nhưỡng can thiệp đến Chính phủ để Công ty CP tập đoàn Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện dự án Quế Võ 3 (tỉnh Bắc Ninh), hưởng lợi 300.000 USD.

Từ tháng 7 và tháng 10-2019, bị cáo Nhưỡng cũng lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký 2 văn bản yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án, hưởng lợi 1 lô đất diện tích 491,05 m2, tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội (trị giá 1,836 tỷ đồng) và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất tại dự án.

Ngoài ra, các bị cáo Nhưỡng, Vân còn bị cáo buộc vào năm 2023 gọi điện, tác động, can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để can thiệp cho một đơn vị khác là Công ty CP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn thuộc xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Bị cáo Nhưỡng sau đó nhận được 210 triệu đồng, bị cáo Vân nhận 60 triệu đồng từ doanh nghiệp.

Từ tháng 8-2020 đến tháng 11-2023, bị cáo Lê Thanh Vân là đại biểu Quốc hội ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh và Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ để Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện Dự án 36 ha.

Qua đó, bị cáo Vân đã hưởng lợi 1 lô đất diện tích 406,60 m2 tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội (trị giá 1,836 tỷ đồng) và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất tại dự án.

https://www.anninhthudo.vn/bi-cao-luu-binh-nhuong-va-le-thanh-van-bi-tuyen-phat-tong-cong-20-nam-tu-post601054.antd

Ngày đăng: 13:25 | 13/01/2025

Lâm Hòa / ANTD