Tính đến ngày 17-5-2022, thế giới đã ghi nhận 450 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em có độ tuổi từ 1 đến 16 trong bối cảnh hầu hết những trẻ này đều khỏe mạnh. Các chuyên gia y tế ở nhiều quốc gia lao vào cuộc chạy đua để tìm hiểu nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh cùng các biện pháp điều trị trước khi nó có thể bùng phát thành một đại dịch…
1. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, những trường hợp viêm gan cấp tính đầu tiên được ghi nhận là ở miền trung Scotland, xảy ra vào đầu tháng 4 sau khi 10 trẻ dưới 5 tuổi xuất hiện các triệu chứng vàng da, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng nhưng không kèm theo sốt. Tiếp theo là Anh với 104 trường hợp, cũng với những biểu hiện tương tự.
Sau đó, chỉ trong 1 tháng, WHO xác định 5 khu vực đã xuất hiện bệnh viêm gan cấp tính, chủ yếu ở châu Âu gồm Tây Ban Nha với 13 trẻ, Đan Mạch 6, Irelan 5, Hà Lan 4, Italy 4, Na Uy 2, Pháp 2, Roumani 1, Bỉ 1. Riêng Israel có 12 trường hợp.
Tại Mỹ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của quốc gia này cho biết đã có 109 trẻ mắc bệnh, hơn 90% phải nhập viện và 5 trẻ đã chết, 17% cần phải ghép gan.
Ở châu Á, Indonesia có 14 trường hợp được báo cáo với 4 ca tử vong. Singapore ghi nhận 1 ca ở trẻ 10 tháng tuổi. Tính đến ngày 17-5, đã có 20 quốc gia công bố về sự xuất hiện của căn bệnh này trên lãnh thổ mình. Những cuộc điều tra của các chuyên gia y tế cho thấy 5 loại viêm gan A, B, C, D và E đều không phải là nguyên nhân gây bệnh nhưng nhiều trẻ nhiễm viêm gan cấp tính trước đó đã nhiễm COVID-19 và một số Adenovirus.
Vẫn theo các chuyên gia y tế, Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể như đường hô hấp, đường tiêu hóa, mắt..., nhất là ở trẻ em. Trong số các nhóm virus thì Adenovirus nhóm B là nhóm có khả năng gây bệnh nhiều và hay gặp nhất. Sau khi gây bệnh, Adenovirus có thể tồn tại lâu dài ở hạch hạnh nhân.
Một số bệnh do Adenovirus gây ra bao gồm viêm họng cấp, thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi với các biểu hiện như sốt, đau đầu, sưng họng, ho và chảy nước mũi, viêm họng kết mạc, kéo dài từ 7 đến 14 ngày và có thể trở thành dịch, nhất là vào mùa hè.
Một bệnh nữa cũng do Adenovirus là viêm đường hô hấp cấp với các triệu chứng đau họng, sưng họng, hạch cổ sưng, ho, sốt có thể cao đến 39 độ C. Bệnh diễn biến cấp tính nhưng khỏi nhanh sau 3, 4 ngày; gặp ở cả trẻ em và người lớn nhưng đáng kể nhất là viêm phổi, chủ yếu do type 3, 4, 7 và 14 gây ra, chiếm tỷ lệ 10% các trường hợp ở trẻ nhỏ. Bệnh xuất hiện đột ngột với sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mũi kèm theo tổn thương phổi với tỷ lệ tử vong 8 đến 10%. Ngoài ra còn có viêm dạ dày, ruột cấp tính.
Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu xem liệu những Adenovirus này có liên quan gì đến bệnh viêm gan cấp tính hay không bởi lẽ 70% trẻ em viêm gan, trước đó đều đã nhiễm Adenovirus, đặc biệt là nhiễm Adenovirus type 41F. Các khảo sát ban đầu cho thấy nếu hệ thống miễn dịch trong cơ thể bị Adenovirus type 41F tấn công thì rất có thể đưa đến hiện tượng viêm gan cấp.
Theo các chuyên gia dịch tễ học của WHO, các xét nghiệm tăng cường trong phòng thí nghiệm đối với Adenovirus type 41F vẫn chưa tìm ra một chứng cứ, chứng tỏ trẻ nhiễm Adrenovirus sẽ có khả năng bị viêm gan cấp.
Philippa Easterbrook, nhà khoa học cao cấp của WHO thuộc Chương trình viêm gan toàn cầu nói: “Nhiều cuộc kiểm tra mô học với các mẫu mô gan đã được thực hiện trong tuần qua nhưng chúng tôi vẫn chưa ghi nhận một đặc điểm điển hình nào có sự liên quan giữa viêm gan cấp tính và Adenovirus. Hiện tại, chúng tôi đang chờ thêm kết quả về mặt sinh thiết. Hy vọng trong một tuần sẽ có dữ liệu từ Anh để so sánh liệu tỷ lệ phát hiện Adenovirus ở trẻ em mắc bệnh viêm gan cấp có khác với những trẻ viêm gan mà nguyên nhân đã được xác định rõ ràng hay không”.
2. Trong khi các giả thuyết hàng đầu cho rằng bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em có liên quan đến Adenovirus, các nhà khoa học cũng đang xem xét liệu COVID-19 có thể góp phần gây ra căn bệnh bí ẩn, thông qua sự đồng nhiễm hoặc từ lần nhiễm COVID-19 trước đó bởi lẽ 18% trẻ em viêm gan cấp có kết quả xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2. Các nghiên cứu ở Mỹ, Brazil và Ấn Độ đã báo cáo một số trẻ em cần điều trị viêm gan sau khi nhiễm COVID-19.
Tại Ấn Độ, viêm gan cấp liên quan đến COVID-19 ở trẻ em được báo cáo ở 37 trẻ, xuất hiện từ 2 đến 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2 trong đợt bùng phát biến thể Delta ở Ấn Độ nhưng các khảo sát cho thấy chức năng gan tổng hợp của trẻ không bị ảnh hưởng và không bị vàng da. Tuy nhiên, đợt bùng phát hiện tại có thể đại diện cho giai đoạn cuối nghiêm trọng hơn của loại bệnh này, hoặc có thể là một hội chứng viêm hoặc tự miễn dịch sau nhiễm trùng khác trong lúc có giả thuyết cho rằng vaccine có thể là nguyên nhân.
Tuy nhiên, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh đã loại trừ mối liên hệ giữa các trường hợp viêm gan và vaccine COVID-19 bởi lẽ các loại vaccine của Anh, Mỹ đều không chứa virus có thể phát triển trong cơ thể người. Một dẫn chứng của cơ quan này cho thấy hơn 3/4 trẻ viêm gan cấp dưới 5 tuổi ở Anh đều không được tiêm chủng vaccine. Những trường hợp lớn tuổi hơn thì chỉ 5 trẻ mắc viêm gan cấp sau khi đã được tiêm ngừa.
Theo WHO, cho đến nay vẫn rất khó để xác định được nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan mặc dù WHO đã nhanh chóng thiết lập một hệ thống theo dõi và nghiên cứu ở châu Âu đồng thời cũng đang tiến hành thu thập dữ liệu ở các khu vực khác trước khi nó có thể bùng phát thành một đại dịch. Tình trạng viêm gan cấp ở trẻ em hiện nay là hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Nó có khả năng dẫn đến một bệnh lý phức tạp.
Trong khi các nguyên nhân vẫn chưa được xác định và không thể xác định bằng các biện pháp kiểm soát tác nhân cụ thể thì việc tuân thủ chiến lược giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa nhiễm khuẩn là rất quan trọng, cộng với việc chặn đứng chuỗi bùng phát bằng cách chia sẻ thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một phản ứng chống lại viêm gan cấp mang tính toàn cầu…
https://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/bi-an-viem-gan-cap-tinh-o-tre-i654495/
Ngày đăng: 13:50 | 24/05/2022
VŨ CAO / antg.cand.com.vn