Vì sao Bồ tát Thích Quảng Đức để lại quả tim? Vì sao một quả tim vật chất bình thường lại có thể tồn tại dưới sự thiêu đốt của ngọn lửa hàng trăm, thậm chí cả gần ngàn độ? Và liệu sau 50 năm, trái tim ấy còn tồn tại nguyên vẹn hay không?
Bí ẩn về “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức (P1)
Cách đây gần 55 năm, vào năm 1963, một sự kiện tôn giáo độc nhất trong lịch sử Phật giáo nhân loại đã diễn ra ... |
Xá lợi trái tim hòa thượng Thích Quảng Đức chuyển về Việt Nam Quốc Tự
Sau hơn nửa thế kỷ được gìn giữ cẩn trọng, "trái tim bất diệt" của Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được đưa về bảo ... |
Kỳ II – “Hành trình” của trái tim Phật bảo
Trong quá trình đi tìm bí mật “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức, tôi có tìm đến Tổ đình Quán Thế Âm trên đường mang tên của Bồ tát, đường Thích Quảng Đức, Quận Phú Nhuận, TP HCM (50 năm trước, địa chỉ của Quán Thế Âm là 68 Nguyễn Huệ, Quận Phú Nhuận). Đây là ngôi chùa thứ 31 mà Bồ tát Thích Quảng Đức đã trùng tu, xây dựng trong suốt hành trình hoằng dương chánh pháp từ miền Trung vào miền Nam; Tổ đình Quán Thế Âm cũng chính là di tích cuối cùng Bồ tát Thích Quảng Đức làm trụ trì trước khi tự thiêu.
Đây hiện là nơi duy nhất còn lưu giữ đầy đủ những hiện vật của Bồ tát khi tại thế, cũng như là nơi lưu giữ những hình ảnh, tài liệu quan trọng nhất về cuộc đời Bồ tát. Trụ trì của Quán Thế Âm kế vị Bồ tát Thích Quảng Đức chính là vị trưởng Pháp tử của Ngài, HT Thích Thông Bửu. Nhưng, Hoà thượng Thích Thông Bửu cũng đã viên tịch mấy năm trước. Vị trụ trì đương nhiệm là Thượng tọa Thích Giác Trí.
Thượng tọa Thích Giác Trí. |
Thượng tọa Giác Trí đón tôi tại phòng làm việc. Sau khi chia sẻ thông tin về Bồ tát Thích Quảng Đức, ông đưa tôi đến phòng thờ Bồ tát, cũng là nơi đang cất giữ những hiện vật như giường ngủ, y, bát, tọa cụ, hình ảnh lúc sinh thời của Bồ tát... Nơi đây, Thượng tọa đã tìm và trao cho tôi một tài liệu quý của cố HT. Thích Thông Bửu viết về thầy của mình khi ông còn tại thế, vào khoảng 10 năm trước.
ủ đựng các di bảo vật của Hòa thượng Quảng Đức tại Tổ đình Quán Thế Âm |
HT. Thông Bửu kể lại trong tài liệu này rằng sau khi biết có “trái tim bất diệt” tồn tại, chính quyền mở chiến dịch “nước lũ” tấn công các chùa chiền, bắt Tăng Ni giam nhốt. Điểm trọng yếu của chiến dịch “nước lũ” này là tấn công chùa Xá Lợi, bắt toàn bộ lãnh đạo và cướp “trái tim bất diệt”. Đoán biết trước được âm mưu này nên các vị chư tôn đức giáo phẩm tại chùa Xá Lợi đã làm giả một trái tim khác bằng thạch cao để thờ. Còn trái tim thật của Bồ tát thì mang đi ký gửi vào ngân hàng Pháp tại Sài Gòn để bảo mật. Việc ký gửi có dán niêm phong chữ ký của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và HT. Thích Từ Nhơn.
Cận cảnh trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức |
Thế là “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức được cất giữ trong ngân hàng này cho đến sau ngày 30/04/1975. Khi tủ sắt được mở ra, HT Thích Thông Bửu, người chứng kiến trực tiếp đã miêu tả lại rằng: quả tim vẫn còn nằm trong chiếc hộp, trên hộp có bảo quản bằng một sợi dây dẹp bằng đồng khằn hình chữ thập và có hai hàng chữ: “Lệnh niêm phong của Đức Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Nghiêm cấm không ai được mở khi chưa có lệnh”. Hôm đó, dây niêm phong hình chữ thập chỉ bị cắt một góc, ba góc còn lại vẫn nguyên. Như vậy là trái tim chưa hề bị đưa ra khỏi hộp trước đó.
Nhưng sau gần 40 năm kể từ lần ký gửi vào năm 1975 đó, trái tim liệu có còn tồn tại hay không và chính xác thì hiện nay đang được cất giữ nơi nào, sau nhiều thay đổi của lịch sử? Đó hiện vẫn là một câu hỏi lớn của rất nhiều Tăng Ni, Phật tử mong muốn được rõ; cũng như họ mong muốn được một lần chiêm bái Pháp bảo ấy của Phật giáo Việt Nam….
Lại nhắc về câu chuyện vị Hòa thượng duy nhất còn tại thế trong 3 vị Hòa thượng nắm giữ “chìa khóa” bí mật về “trái tim bất diệt” mà một vị sư đã chia sẻ với tôi trước đó, không ai quá xa lạ, đó chính là HT. Thích Giác Toàn. Hòa thượng hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Trưởng ban Tài chính Trung ương – Thường trực lãnh đạo hệ phái Khất sĩ – Trụ trì Tịnh xá Trung tâm, quận Bình Thạnh, TP HCM; ngoài ra Ngài còn là Phó Hiệu trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM và là Phó Tổng biên tập báo Giác Ngộ. Hòa thượng được nhiều Phật tử kính ngưỡng từ những bài Pháp thoại được đăng tải trên các trang mạng.
Khi nghe tôi trình bày về nguyện vọng tìm hiểu về “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức, Hòa thượng tỏ ra rất hoan hỷ. Hòa thượng đã sắp xếp cho tôi một cuộc hẹn ngay hôm sau, tại tòa soạn báo Giác Ngộ. Tại cuộc gặp, Hòa thượng xác nhận rằng mình là nhân chứng duy nhất còn tại thế trong 3 vị đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng ra ký gửi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức vào lại một ngân hàng khác, vào một trưa Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1991. Và đó cũng chính là lần ký gửi trái tim sau cùng cho đến hiện tại.
Hòa thượng Thích Giác Toàn – người duy nhất còn tại thế đại diện ký gửi trái tim Bồ tát vào ngân hàng. |
Trong cuộc trao đổi với HT. Thích Giác Toàn về “Trái tim bất diệt”, Hòa thượng có chia sẻ thêm một số chi tiết mà ít ai biết đến về quá trình cất giữ trái tim. Thật ra, tổng cộng đã có 3 lần Phật bảo được ký gửi vào ngân hàng trong vòng 50 năm qua. Lần thứ nhất là vào năm 1963, lần thứ hai là vào năm 1981 và lần thứ ba vào năm 1991. Nhưng trong 3 mốc thời gian đấy có một số thay đổi địa điểm cất giữ trái tim.
Cụ thể là vào thời điểm sau 30/04/1975, theo quy định chung thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) sẽ tiếp quản các ngân hàng tại Sài Gòn, trong đó có Ngân hàng Pháp, nơi cất giữ trái tim Bồ tát từ năm 1963. Thế nên NHNHVN đã tiếp nhận trái tim và chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội để lưu giữ, bảo quản. Đến năm 1981 thì đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cơ quan chức năng liên quan đã bàn việc ký gửi lại ngân hàng tại Hà Nội, đó là lần ký gửi thứ hai. Đến năm 1991, cơ quan chức năng mới chuyển trái tim Bồ tát về lại TP HCM cất giữ trong NHNNVN tại đây. Sau đó, đại diện NHNNVN và cơ quan chức năng đã mời đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến tiếp nhận lại Pháp bảo này.
HT. Giác Toàn vẫn nhớ rõ bên nhận lại trái tim khi đó gồm các chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội như: HT. Thích Thiện Hào – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, HT. Thích Từ Nhơn – Phó trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và HT. Thích Giác Toàn, khi đó là một Thượng tọa giữ chức vụ Ủy viên kiểm soát Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kiêm Phó ban trị sự Giáo hội Phật Giáo TP HCM. Phía môn đồ đệ tử Bồ tát Thích Quảng Đức thì có Trưởng Pháp tử là HT. Thích Thông Bửu. Các vị đại diện Giáo hội trên có trách nhiện đón nhận lại quả tim mà Ngân hàng và các cơ quan bàn giao lại.
Chân dung Hòa thượng Thích Quảng Đức |
Đó cũng chính là lần đầu tiên mà HT. Giác Toàn tận mắt chứng kiến trái tim Pháp bảo. Theo Hòa thượng miêu tả lại thì trái tim Bồ tát được giữ bên trong một tháp đồng, cao khoảng 0,5 mét, rộng khoảng khoảng 0,3-0,4 mét. Trên tháp đồng vẫn còn nguyên niêm phong có chữ ký và khuôn dấu của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và HT. Thích Từ Nhơn – hai đại diện đã đứng ra ký gửi trái tim vào ngân hàng năm 1963.
“Sau nhiều năm qua không ai dám mở tháp ra để xem trái tim thế nào! Thứ nhất bởi vì đó là một Pháp bảo linh thiêng của Phật giáo. Thứ hai là vì trái tim đó cũng là một vật thể của con người bằng xương bằng thịt. Sau 50 năm qua, chưa có nhà khoa học nào kiểm tra xem trái tim thế nào nên không ai mà dám mở. Vì theo thông thường thì một vật thể bình thường của con người sau từng ấy năm sẽ chỉ còn một màn nhện, gặp gió là tan” – HT. Giác Toàn chia sẻ.
Khi đó, đại diện NHNNVN cho biết đã cất giữ và bảo quản tốt trái tim kể từ sau ngày 30/04/1975 và nay muốn trao lại cho đại diện Phật giáo. Nhưng HT. Thích Giác Toàn cho biết là chư tôn đức giáo phẩm sau khi bàn bạc đã đi đến quyết định thống nhất là gửi trái tim lại cho NHNNVN bảo quản. Lý do chính là vì khi đó, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có bảo tàng nào để bảo quản và tôn trí “trái tim bất diệt” cho tương xứng nên các hòa thượng không ai dám nhận về. Thế là các vị chư tôn đức giáo phẩm đã làm thủ tục ký gửi trái tim Bồ tát lại ngân hàng.
Đó là vào một buổi trưa những ngày cuối tháng 04 năm 1991, tại văn phòng làm việc của NHNNVN tại TP HCM. Đại diện bên gửi gồm có 3 vị là HT. Thích Thiện Hào, HT. Thích Từ Nhơn, Thượng tọa Thích Giác Toàn. Bên nhận gồm có ông Trịnh Thanh Tùng - Vụ phó Vụ phát hành kho quỹ NHNN, bà Trần Thị Kim Liên - Kế toán NHNN, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TP HCM, ông Bùi Văn Hàn - Cục phó Bộ Nội vụ, ông Đỗ Quốc Dân - Phó Ban Tôn giáo TP HCM.
“Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức là một bảo vật vô giá, chẳng những của Phật giáo Việt Nam mà là của Tổ quốc Việt Nam. Do tính chất đặc biệt thiêng liêng ấy nên nghi thức ký nhận và bàn giao gửi được tiến hành một cách rất nghiêm cẩn với các thành phần được quần chúng hoàn toàn đặt niềm tin” – HT. Giác Toàn cho biết. Văn bản ký gửi trái tim lần thứ 3 này mang số 03.BB.TG, hiện Trung ương Giáo hội vẫn còn đang giữ…
(còn tiếp)
Bí ẩn về “Trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức (P1)
Cách đây gần 55 năm, vào năm 1963, một sự kiện tôn giáo độc nhất trong lịch sử Phật giáo nhân loại đã diễn ra ... |
http://petrotimes.vn/di-tim-trai-tim-bat-diet-cua-bo-tat-thich-quang-duc-ki-iii-166413.html
Ngày đăng: 09:00 | 15/11/2017
/ PetroTimes