Cách đây gần 55 năm, vào năm 1963, một sự kiện tôn giáo độc nhất trong lịch sử Phật giáo nhân loại đã diễn ra ngay tại Sài Gòn. Đó là việc Hòa thượng (HT) Thích Quảng Đức - một cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời đó đã mở đầu phong trào tự thiêu để cứu Phật giáo đang trong thời Pháp nạn

bi an ve trai tim bat diet cua bo tat thich quang duc p1 Xá lợi trái tim hòa thượng Thích Quảng Đức chuyển về Việt Nam Quốc Tự

Nhân sự kiện Xá lợi trái tim của Bồ tát Thích Quảng Đức sắp được đưa về thờ tại Việt Nam Quốc Tự, Thoimoi.vn trích đăng lại loạt bài “Bí ẩn về trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức” đã được đăng trên báo Năng lượng Mới/ PetroTimes.

Kì 1: Bí ẩn về “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức

Cách đây gần 55 năm, vào năm 1963, một sự kiện tôn giáo độc nhất trong lịch sử Phật giáo nhân loại đã diễn ra ngay tại Sài Gòn. Đó là việc Hòa thượng (HT) Thích Quảng Đức - một cao tăng của Phật giáo Việt Nam thời đó đã mở đầu phong trào tự thiêu để cứu Phật giáo đang trong thời Pháp nạn.

Một điều kỳ diệu khác diễn ra ngay sau sự kiện tự thiêu gây chấn động địa cầu ấy đó là trái tim của HT Thích Quảng Đức vẫn tồn tại nguyên vẹn hình hài, rắn chắc như một khối đá dù được thiêu trong lò với ngọn lửa hơn 6000C đến 2 lần. Trong khi đó, thi thể của Ngài hoàn toàn đã hóa thành tro bụi. Điều này đã khiến tất thảy người chứng kiến lấy làm kinh ngạc, trong đó có rất đông phóng viên quốc tế.

Sự kiện tự thiêu cùng “trái tim bất diệt” của HT Thích Quảng Đức nhanh chóng lan truyền khắp thế giới qua những bài báo. Và kể từ năm đó, trái tim trở thành một Pháp bảo linh thiêng của Phật giáo. Tuy nhiên, cũng có không ít thông tin bày tỏ sự hoài nghi và cho rằng đây làchuyện phi lý…

1. Tôi đã nghe họ kể nhiều về Bồ tát Thích Quảng Đức, về “ánh lửa nhiệm mầu” và “trái tim bất diệt”, song hầu như chưa có cuộc bàn thảo nào để giải thích vì sao là một người bằng xương bằng thịt với đầy đủ những cảm giác bình thường lại không sợ hãi, ngồi bất động trong ngọn lửa đang rực cháy? Vì sao một trái tim vật chất bình thường lại hóa đá dưới ngọn lửa hàng trăm độ C? Và trái tim Bồ tát hiện còn tồn tại hay không, nếu còn thì đang được cất giữ nơi nào?...

Có thể nói, tôi khá may mắn trong quá trình tìm hiểu trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức là nhờ vào sự quen biết trong giới Tăng ni, Phật tử tại TP Hồ Chí Minh. Đầu tiên là từ một vị sư, Pháp danh là Thích Minh Phú - cử nhân Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM hiện đang tu tại Tịnh xá Ngọc Chánh (Q. Bình Thạnh, TP HCM) đã cho tôi mượn một quyển sách cũ mang tên “Phật giáo tranh đấu”. Quyển sách này có viết sơ lược về Bồ tát tự thiêu và “trái tim bất diệt”, được xuất bản vào tháng 2-1964 và đây cũng chính là tập tài liệu và hình ảnh xác thực nhất trong các vụ Phật giáo tranh đấu từ tháng 5-11 năm 1963 ở nước ta.

Đặc biệt, sư Phú này đã tiết lộ một thông tin mà sư đã nghe được trước đó rằng, có một vị hòa thượng duy nhất còn tại thế trong 3 vị hòa thượng cất giữ “chìa khóa” để mở cánh cửa bí mật về “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Hòa thượng đó hiện đang là trụ trì một Tịnh xá tại TP HCM và giữ một chức vụ cao trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Nhưng, trước khi đi tìm câu trả lời trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức đang ở đâu thì chúng ta cần hiểu biết về câu chuyện tự thiêu cũng như sự kiện xuất hiện “trái tim bất diệt” như thế nào!

Qua một số tài liệu, sách cũ mà sư Phú cung cấp, tôi biết được có một vị hòa thượng khác là một nhân chứng sống của toàn bộ quá trình tự thiêu và sự xuất hiện của “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức. Đó chính là HT Thích Đức Nghiệp, hiện là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng cũng chính là người mà 50 năm trước đã trực tiếp tổ chức lễ tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức. Hòa thượng khi đó là một Đại đức, thành viên của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn.

Chúng tôi đã may mắn khi tìm đến và được trò chuyện cùng HT Đức Nghiệp ngay tại chùa Giác Minh, ở Quận 3, TP HCM. Khi tôi thỉnh cầu Hòa thượng kể lại câu chuyện của 50 năm trước, Hòa thượng đã rất xúc động. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng những chi tiết về thời khắc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức vẫn in đậm trong tâm trí của Hòa thượng như là chuyện vừa mới xảy ra.

2. Ngược thời gian về 50 trước, vào năm 1963, một Pháp nạn Phật giáo đã xảy ra dưới thời của chính phủ Ngô Đình Diệm. Nhiều chùa chiền bị chính quyền phong tỏa, các vị tôn túc Tăng ni, Phật tử bị bắt bớ, giam cầm; các cuộc biểu tình của Phật giáo tại Huế, Sài Gòn bị đàn áp… Khoảng 20 giờ một ngày đầu tháng 6, cụ thể là vào ngày 10-6-1963, hai Thượng tọa Tâm Châu và Thiện Hoa ở chùa Xá Lợi (Quận 3, TP HCM) cho xe vào chùa Ấn Quang (Quận 10, TP HCM) mời HT Thích Đức Nghiệp ra chùa Xá Lợi bàn Phật sự gấp. Thượng tọa Tâm Châu nói với HT Đức Nghiệp rằng: Thầy về hỏi lại ý kiến tự thiêu của HT Thích Quảng Đức trước đó, nếu Hòa thượng đồng ý thì ngay sau khóa lễ cầu siêu ở Phật Bữu Tự ngày mai, trên đường về Xá Lợi, thầy tìm cách hiệu quả nhất để HT Quảng Đức được tự thiêu...

Sau đó, HT Đức Nghiệp quay về chùa Ấn Quang và gặp được HT Thích Quảng Đức ở đấy. Sau khi nghe HT Đức Nghiệp trình bày sự việc, HT Quảng Đức mừng rỡ trả lời rằng: “Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thỏa mãn năm nguyện vọng bình đẳng cho Phật giáo”.

HT Đức Nghiệp kể lại rằng ngay tối đó, ông đến phòng của Thượng tọa Thiện Hoa xin ít tiền mua xăng và vải để viết biểu ngữ cho sáng hôm sau. Kế đến, ông còn phân chia công việc cho các thầy khác để chuẩn bị cho việc tự thiêu của HT Quảng Đức hôm sau. Về phần HT Thích Quảng Đức, cũng ngay trong tối hôm đó Hòa thượng đã viết bản “Lời nguyện tâm huyết” với 4 nội dung chí nguyện của mình khi tự nguyện thiêu thân. Nội dung chính là mong chính quyền họ Ngô sáng suốt chấp nhận những nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo, đồng thời nguyện cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn.

bi an ve trai tim bat diet cua bo tat thich quang duc p1
Hòa thượng Thích Quảng Đức viết thư tự thiêu

Theo kế hoạch, khoảng 10 giờ sáng ngày 11-6-1963, cuộc diễu hành của các Thượng tọa, Tăng Ni, Phật tử kéo đến ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (ngày nay là Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu). Khi ấy, HT Thích Quảng Đức bước xuống xe, tay cầm bao diêm từ HT Đức Nghiệp trao. HT Thích Quảng Đức bình thản ngồi kiết già giữa ngã tư đường, một vị sư đã đến tưới xăng ướt hết cả mấy lớp cà sa, y hậu của HT Thích Quảng Đức và sau đó Hòa thượng đã tự tay mình châm lửa. HT Đức Nghiệp bùi ngùi kể lại: “Ngọn lửa bùng bùng bốc lên ngất trời, HT Quảng Đức vẫn an nhiên tĩnh tọa, gương mặt không hề biến sắc. Khi ấy các Tăng ni quỳ quanh Hòa thượng chắp tay tụng kinh; các Phật tử đứng vòng ngoài ai cũng quỳ xuống. Lệ rơi và tiếng khóc vang trời!”…

bi an ve trai tim bat diet cua bo tat thich quang duc p1
Ngọn lửa tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng

Ngay lúc đó, HT Đức Nghiệp đã yêu cầu 20 vị Tăng ni ra nằm chặn 4 đầu đường để xe cứu hỏa không thể vào chỗ Hòa thượng tự thiêu được. “Tôi vẫn nhớ, trong lúc diễn ra cuộc tự thiêu này, có cả đại diện Hãng Thông tấn AFP của Pháp, AP của Mỹ và Đại tướng Mỹ Hankins cũng đến chỗ tự thiêu này. Ngoài ra còn rất nhiều ký giả trong nước và thế giới khác” - HT Đức Nghiệp cho biết.

Khoảng 15 phút sau, ngọn lửa thiêu ấy mới tàn và thi hài HT Thích Quảng Đức bắt đầu ngả về phía sau, Ngài nằm ngửa, trên tay vẫn còn kiết ấn Cam Lồ. Sau đó, thi hài Ngài được rước về chùa Xá Lợi trong một lá cờ Phật giáo lớn, dài khoảng 5-6m. HT Đức Nghiệp nhớ rõ là khi vừa về đến chùa Xá Lợi thì trời đổ cơn mưa, giông gió liên hồi. Liền sau đó, làn sóng người từ bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để chiêm bái vị Bồ tát thiêu thân, bất kể mưa gió và hàng rào kẽm gai của cảnh sát Sài Gòn đang bủa vây chùa. Đài phát thanh và báo đài khắp thế giới đều đưa tin về cuộc tự thiêu này. Sau đó, nhờ vào công đức hy sinh cao cả của HT Thích Quảng Đức mà chính phủ Ngô Đình Diệm đã tạm thời nhượng bộ, ra lệnh phải giải tỏa tất cả các chùa đang bị phong tỏa tại Huế và Sài Gòn.

Một tuần lễ sau đó, cụ thể là vào ngày 17-6-1963, thi thể của Hòa thượng được đưa tới An Dưỡng Địa (Phú Lâm, TP HCM) để làm lễ Trà tỳ (hỏa thiêu). Đây cũng chính là lần đầu tiên mà nhân dân Sài Gòn, Gia Định lúc bấy giờ tham dự một đám tang đặc biệt trọng thể. Từ sáng sớm đã có hàng trăm ngàn Phật tử từ các nơi kéo tới chùa để chuẩn bị đưa thi thể Hòa thượng. Đầu mỗi con hẻm đều có bàn hương án, hai bên đường từ chùa Xá Lợi đến An Dưỡng Địa dài hàng chục kilômét đông nghẹt người đứng tiễn đưa Hòa thượng.

Tới An Dưỡng Địa, thi thể Hòa thượng được đưa vào lò hỏa thiêu. Khi ngọn lửa nổi lên thì có một sự kiện huyền bí xuất hiện: ngọn lửa không thiêu được trái tim của HT Thích Quảng Đức, trong khi thi thể thì đều hóa thành tro trắng. Trong tro tàn xuất hiện một khối rắn chắc như đá với hình dáng rõ ràng của một trái tim. Thượng tọa Thiện Hòa, là người chủ trì việc hỏa thiêu khi đó mới cho trái tim vào lò thiêu lại với nhiệt độ lên đến mấy trăm độ C nhưng vẫn không cháy. HT Đức Nghiệp cho biết đây là sự việc mà chính Hòa thượng cùng 50 ký giả trong nước và quốc tế đã chứng kiến. Thế là chỉ trong vòng 1 giờ sau, thông tin về “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức lan truyền khắp nước và trên thế giới. Sau đó, trái tim được rước về chùa Xá Lợi để thờ. Chính quyền họ Ngô lập tức cử trùm mật vụ Trần Kim Tuyến đến chùa Xá Lợi khám nghiệm quả tim. Sau một hồi khám nghiệm bằng những hóa chất và phương tiện khoa học hiện đại thì bác sĩ này đành chắp tay vái lạy mà rút lui, sau đó có phúc trình với chính quyền về sự tồn tại kỳ diệu của quả tim.

bi an ve trai tim bat diet cua bo tat thich quang duc p1
Xá lợi trái tim HT Thích Quảng Đức sau lễ Trà tỳ ở An Dưỡng Địa

(còn tiếp)

bi an ve trai tim bat diet cua bo tat thich quang duc p1 Xá lợi trái tim hòa thượng Thích Quảng Đức chuyển về Việt Nam Quốc Tự

Sau hơn nửa thế kỷ được gìn giữ cẩn trọng, "trái tim bất diệt" của Bồ tát Thích Quảng Đức sẽ được đưa về bảo ...

http://petrotimes.vn/di-tim-trai-tim-bat-diet-cua-bo-tat-thich-quang-duc-ky-i-165993.html

Ngày đăng: 09:00 | 13/11/2017

/ Lê Trúc/Năng lượng Mới