Nhiều năm trôi qua, tác giả bức ảnh người chiến sỹ cầm súng B41 bên cột mốc số 0 Lạng Sơn trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 vẫn là một ẩn số.
Nhắc đến những hình ảnh tiêu biểu của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, chắc hẳn tấm hình người chiễn sỹ cầm súng B41 đứng bên cột mốc số 0 Lạng Sơn là một trong những hình ảnh ấn tượng và khó quên nhất đối với nhiều người.
Người trong bức ảnh đó là ông Trần Huy Cung, quê Tiền Hải (Thái Bình) mà chúng tôi đã kể trong 2 kỳ trước: Đoạn kết đẹp lạ kỳ hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược và Hành trình tìm người lính trong bức ảnh ‘biểu tượng nhất’ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.
Rất nhiều năm đã trôi qua, bức ảnh đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong mà còn ngoài nước khi báo chí nước ngoài nói về cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược của nhân dân Việt Nam.
Bức ảnh trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. |
Phóng viên chiến trường kỳ cựu TTXVN, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Ngô Minh Đạo cho rằng đây là một trong những hình ảnh ấn tượng, ‘mang tính biểu tượng nhất’ cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 của nhân dân Việt Nam.
“Hình ảnh người chiến sỹ hiên ngang vác trên vai khẩu súng lớn, hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 như một lời tuyên bố mạnh mẽ sẵn sàng đáp trả bất cứ đội quân nào nào xâm phạm đến lãnh thổ, đến biên giới nước ta, dù đó là đội quân đông nhất, mạnh nhất”, ông Đạo viết.
“Ngày nay khi nhìn vào bức ảnh chúng ta có thể cảm nhận được không khí, ý chí quyết tâm bảo về lãnh thổ, bảo về chủ quyền biên giới của ta.”
Theo NSNA Ngô Minh Đạo, với những người thuộc thế hệ hiện tại, chưa từng trải qua cuộc chiến, khi nhìn vào bức ảnh này có thể thấy được tính chất ác liệt của chiến tranh, sự gian nan vất vả cũng như ý chí quyết tâm của chiến sỹ quân đội Việt Nam. Họ hiện lên giản dị nhưng cũng đầy oai phong, hùng tráng.
“Điều đáng tiếc là đến thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết được tác giả của bức ảnh cũng như người chiến sỹ trong bức ảnh đó để được nghe những chia sẻ, những cảm xúc của họ với tấm ảnh.
Tuy nhiên, giá trị lịch sử, vẻ đẹp của bức hình sẽ vẫn còn mãi. Nó là biểu tượng cho một thời kỳ chiến tranh khốc liệt, đồng thời cũng như một bài học để nhắc nhở thế hệ sau này về ý chí, tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ biên giới lãnh thổ của đất nước, cũng như biết trân trọng hơn những giá trị của hòa bình”.
Người chiến sỹ cầm súng B41 trong ảnh là ông Trần Huy Cung, quê Tiền Hải (Thái Bình). |
Các phóng viên VTC News chúng tôi khi bắt tay thực hiện loạt bài "Hành trình tìm người lính trong bức ảnh ‘biểu tượng nhất' cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược” trong suốt 2 tháng qua đã cất công tìm kiếm tác giả bức ảnh này.
Tìm kiếm khắp trên các trang báo chính thống và trên mạng xã hội, tôi cũng không thể tìm thấy một nguồn gốc thống nhất cho bức ảnh này.
Một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng bức ảnh do một nhiếp ảnh gia người Nhật chụp. Nhưng thông tin xung quanh bức ảnh là trái ngược nhau và đều không có căn cứ rõ ràng.
Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, hy vọng của tôi được nhen nhóm khi một vài trang báo điện tử đăng tải bức ảnh và ghi nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Chúng tôi tìm đến phòng tư liệu ảnh của TTXVN để tìm kiếm thông tin. Sau 1 ngày tìm kiếm, cán bộ phòng tư liệu thông báo với chúng tôi rằng, bức ảnh chúng tôi tìm không phải do phóng viên của TTXVN chụp và do vậy hãng không có thông tin về bức ảnh này.
Chúng tôi tìm cách liên lạc với những phóng viên trực tiếp có mặt ở chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979. Người đầu tiên tôi nghĩ tới là cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh - Nhà báo Mai Nam, cả cuộc đời làm việc gắn bó với Báo Tiền Phong.
Tuy nhiên, nhà báo Hồng Vĩnh, con trai của nhà báo Mai Nam cho biết dù đã được cha kể về hàng nghìn bức ảnh ông Nam chụp trong chiến tranh biên giới phía Bắc và cả các tác phẩm sau này nhưng anh Vĩnh cũng chưa bao giờ nghe cha kể về tấm ảnh người chiến sĩ cầm B41 ở cột mốc số 0 Lạng Sơn.
“Bức ảnh người chiến sĩ cầm B41 quá nổi tiếng nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy cha mình kể rằng ông hoặc bạn bè của ông chụp tấm ảnh đó. Hiện tại, trong kho ảnh tư liệu của gia đình tôi cũng không có bức ảnh đó”, nhà báo Hồng Vĩnh nói.
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với nhà báo Phạm Yên, phóng viên chiến trường kỳ cựu của báo Tiền Phong. Dù trực tiếp tác nghiệp tại Lạng Sơn năm 1979 nhưng ông Phạm Yên cũng không biết tác giả của bức ảnh nổi tiếng kia.
Nhà báo Phạm Yên nhớ lại: “Tôi có lên Lạng Sơn tác nghiệp vào tháng 3/1979. Tuy nhiên, tôi không tác nghiệp ở thị xã Lạng Sơn khi đó. Mỗi phóng viên được phân công một nhiệm vụ và ở một địa bàn nên không thể biết được ai đã chụp bức ảnh nổi tiếng đó”.
Chúng tôi tiếp tục liên lạc với nhiều phóng viên ảnh chiến trường kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên chiến trường TTXVN tác nghiệp ở những nơi căng thẳng nhất của mặt trận biên giới phía Bắc 1979, ông Trần Tuấn cũng mong muốn tìm ra chủ nhân bức ảnh nổi tiếng với hình ảnh người chiến sĩ cầm B41 ở cột mốc số 0 Lạng Sơn.
Nhưng ông mất nhiều năm cũng chưa có manh mối gì. Ông Trần Tuấn giới thiệu chúng tôi với nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng cùng thời như nhà báo Trần Mạnh Thường, tác nghiệp ở mặt trận Cao Bằng tháng 2/1979.
Tuy vậy, khi tôi đặt vấn đề, nhà báo Trần Mạnh Thường cũng lấy làm nuối tiếc khi không thể giúp tôi tìm ra chủ nhân của bức ảnh nổi tiếng đăng trên mạng trong thời gian qua.
Nhà báo Thu Hoài (TTXVN) – người nhiều lần chụp ảnh ở những điểm nóng nhất của cuộc chiến ở mặt trận Lạng Sơn cho hay bà chụp nhiều bức ảnh và có được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế nhưng cũng lắc đầu không biết tác giả bức ảnh người chiến sỹ cầm B41 dù bà xem khá nhiều lần.
Chúng tôi được một một người bạn giới thiệu nhà báo Ngô Minh Đạo - Phóng viên ảnh kỳ cựu của TTXVN, từng có thời gian chụp ảnh ở mặt trận Lạng Sơn 1979.
Ông Ngô Minh Đạo là người đi cùng đoàn với 2 nhà báo Nhật Bản nổi tiếng là Takano Isao và Goro Nakamura. Trong đó, nhà báo Takano (báo Akahata, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản) đã lao lên chụp ảnh và bị trúng đạn, ngã xuống hy sinh ngày 7/3/1979 ở Lạng Sơn.
Tôi hỏi nhà báo Ngô Minh Đạo rằng liệu có phải Takano là người chụp tấm ảnh chiến sĩ cầm B41 ở Lạng Sơn. Tuy nhiên, ông Ngô Minh Đạo khẳng định: “Trong suốt chuyến đi đó, tôi đi cùng Takano và Goro Nakamura. Tôi khẳng định 2 phóng viên người Nhật không chụp bức ảnh nổi tiếng đó. Tôi còn chụp bức ảnh chân dung của Takano trước lúc anh ấy hy sinh ở Lạng Sơn”.
Trò chuyện cả tiếng đồng hồ về những năm tháng ác liệt ở mặt trận Lạng Sơn với Đại tá Ngô Công Nội - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 540, Quân đoàn 14 - Thủ trưởng của ông Trần Huy Cung, nhân vật trong bức ảnh, nhưng khi được hỏi về tác giả bức ảnh nổi tiếng tại mặt trận Lạng Sơn thì vị chỉ huy dạn dày trận mạc cũng lắc đầu.
“Ngày đó có rất nhiều phóng viên các tờ báo trong nước và quốc tế cùng lên Lạng Sơn để phản ánh tình hình chiến sự. Tôi trực tiếp phân công nhiều anh em dẫn đoàn phóng viên đi các mặt trận ở Lạng Sơn nhưng cũng không thể biết được phóng viên báo nào đã chụp bức ảnh nổi tiếng đó. Bản thân tôi hiện nay cũng không có tấm ảnh tư liệu nào”, Đại tá Ngô Công Nội phân trần.
Từ dữ liệu của ông Nội cung cấp, tôi liên hệ với nhiều phóng viên, biên dịch viên thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật… để tìm tư liệu về bức ảnh trên báo quốc tế nhưng cuối cùng vẫn chỉ nhận lại những cái lắc đầu về tác giả của bức ảnh.
Với mong muốn hoàn thiện mảnh ghép duy nhất còn thiếu của câu chuyện đặc biệt này, chúng tôi mong quý độc giả cùng đồng hành với Báo VTC News để tìm tác giả của bức ảnh nổi tiếng: “Chiến sĩ cầm B41 chống lại quân thù ở cột mốc số 0, Lạng Sơn 1979”.
Cách Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough trên Biển Đông |
Cái giá quá đắt Trung Quốc phải trả khi lao vào thương chiến với Mỹ |
Lý do Trung Quốc chọn Thượng Hải là nơi đàm phán thương mại với Mỹ |
Ngày đăng: 08:37 | 26/07/2019
/ vtc.vn