Những người "mua" điểm vẫn chưa bị xử lý, danh tính “lão phật gia” chưa thể làm rõ, vụ án mới chỉ khởi tố đối tượng “bán” điểm... khiến dư luận càng thêm bức xúc vì những vùng tối khó hiểu trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang.

Kỳ thi 2 trong 1 năm nay cũng đã xong, nhưng những tiêu cực của kỳ thi trước vẫn còn dang dở. Bởi ở cả 3 tỉnh xảy ra vụ án sửa bài, nâng điểm, đến nay, trừ ông Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang, phụ huynh một học sinh được nâng điểm), còn lại, chỉ những người tham gia sửa bài bị khởi tố. Vậy còn “vướng mắc” gì mà những người “mua” điểm chưa bị xem xét trách nhiệm?

Đây có thể nói là vụ “mua, bán” điểm điển hình, đúng theo nghĩa đen. Dù người “mua” sử dụng tiền hay uy quyền, quan hệ thì vẫn là người “mua” điểm. Không thể nói khác. Nhưng vì sao chưa thể xử lý?

bi an lao phat gia trong vu an gian lan thi cu

Sở GDĐT tỉnh Hà Giang. Ảnh: VTC News.

Nói đến đây, dư luận chắc chưa thể quên vụ án “Logo xe vua” xảy ra ở Đồng Nai. Trong vụ án này, bi hài là chỉ có bị cáo môi giới hối lộ, đưa hối lộ nhưng không có đối tượng nhận hối lộ. Đặc biệt, một cựu CSGT bị khởi tố về tội môi giới hối lộ, trước sau gì vẫn khai đã được Đội trưởng Đội 1 Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai đồng ý bảo kê bằng các “logo vua”.

Các bị cáo khai rõ, đưa hối lộ cho ông Đội trưởng này và các đối tượng thuộc lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông (TTGT) Đồng Nai, tổng số đưa hối lộ tới trăm lần, lần ít nhất cũng vài triệu và nhiều nhất lên tới cả trăm triệu, với tổng số tiền lên tới 25 tỉ đồng. Dù các bị can thống nhất khai đưa hối lộ cho những ai, nhưng cả 79 đối tượng thuộc CSGT và TTGT trong danh sách đó vẫn thoát tội. Do đó, vụ án chỉ có những kẻ đưa hối lộ, mà không có bị cáo nhận hối lộ khiến dư luận bức xúc.

Tất nhiên, để tránh oan sai, các cơ quan tham gia tiến hành tố tụng phải hết sức thận trọng. Nhưng với dư luận, vụ án như thế rõ ràng là lọt người, lọt tội. Điều này cũng đúng với vụ án sửa bài, nâng điểm đang nóng dư luận suốt 1 năm qua. Vụ án ở Hà Giang nổi lên rất rõ những băn khoăn và rất khó hiểu.

bi an lao phat gia trong vu an gian lan thi cu

Bị can Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương.

Thứ nhất, bị can Nguyễn Thanh Hoài – nguyên Trưởng Phòng khảo thí, được cơ quan điều tra đánh giá là đối tượng “cầm đầu vụ án” liệu có thuyết phục? Trong vụ án, có 2 Phó giám đốc Sở GDĐT bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn…”. Vậy bị can Hoài có chỉ đạo được 2 vị lãnh đạo của mình hay phải thực hiện chỉ đạo của họ? Đấy là chưa nói, nhiều dấu hiệu cho thấy ông Hoàng Tiến Đức – nguyên Giám đốc Sở GDĐT, là người trực tiếp chỉ đạo cấp dưới nâng điểm cho 8 trường hợp. Dư luận đòi hỏi, những kẻ cầm đầu thật sự cần bị lôi ra trừng trị, không thể chấp nhận việc “thí tốt”.

Thêm nữa, tại sao chỉ có 1/107 người nhờ nâng điểm bị nêu đích danh và bị xử lý hình sự? Việc xử lý hình sự với ông Khuông - người vừa là lãnh đạo, vừa là phụ huynh nhờ cấp dưới nâng điểm - là rất cần thiết, nhưng rõ ràng chưa đủ. Điều dễ nhận thấy nhất, một phụ huynh khác có con được nâng điểm là ông Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh ủy, lẽ nào lại vô can? Liệu dư luận có thể tin nổi những gì ông Tài Vinh giãi bày với báo chí: “Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao”? Tất cả cần phải làm rõ, nhất là khi ông vừa được điều động về một vị trí quan trọng ở trung ương.

Một số bị can trong vụ án đã thừa nhận có nhận tiền hối lộ và đã nộp lại tiền cho cơ quan điều tra, nhưng lẽ nào lại giống vụ “logo xe vua”, không thể khởi tố nổi đối tượng đưa hối lộ? Thậm chí, cho đến bây giờ, vẫn chưa thấy một ai trong số họ bị xử lý hành chính chứ đừng nói đến xử lý hình sự. Với hành vi coi thường luật đến mức như vậy, nhưng xử lý nửa vời như thế, phải chăng pháp luật đang bị giỡn mặt?

bi an lao phat gia trong vu an gian lan thi cu

Công an khám xét nhà các bị can trong vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang. Ảnh: PLO

Trong vụ việc này xuất hiện đối tượng có biệt danh “lão phật gia” trong mảnh giấy thu được ở nhà bị can Hoài. Điều chắc chắn là “lão phật gia” phải là nhân vật rất có thế lực, nên chỉ cần đóng mở ngoặc đơn (lão phật gia nhờ) là các bị can đủ hiểu và răm rắp thực hiện. Vậy mà danh tính “lão phật gia” không thể làm rõ. Lẽ nào các bị can quá “cứng đầu” hay quá sợ đến mức không chịu, không dám khai ra “lão phật gia”?

Thậm chí, bị can Lương có thể nhờ 3 cán bộ an ninh có nhiệm vụ bảo vệ an toàn, trật tự bê 4 hòm đựng bài thi, máy tính, máy in, máy quét về phòng khảo thí để sửa bài!! Theo cáo trạng, “3 cán bộ Phòng PK20 – Công an tỉnh Hà Giang bốc đồ cho Lương hoàn toàn không biết động cơ, mục đích của Lương là mang bài về sửa". Câu hỏi đặt ra là tất cả tài liệu liên quan đến kỳ thi được bảo mật tuyệt đối, có đến hai ổ khóa do hai người giữ chìa độc lập, vậy sao 3 cán bộ an ninh dám đồng ý di chuyển nó khỏi phòng? Lẽ nào điều tối thiểu đó mà cán bộ an ninh không biết?

Do đó, câu hỏi đặt ra càng bức xúc: Ai có thể chỉ đạo được hành vi trái luật một cách trắng trợn như vậy? Câu hỏi bức xúc ấy chưa được trả lời, những cái tên liên quan chưa bị xử lý đến nơi đến chốn, "lão phật gia" vẫn là người bí ẩn, và những khoảng tối trong vụ gian lận thi cử này vẫn còn nguyên đó.

bi an lao phat gia trong vu an gian lan thi cu Nâng điểm không vì tiền: Thêm một viên đạn không có đầu

Vụ gian lận thi cử ở Hà Giang không có yếu tố vụ lợi. Ai cũng “không đưa nhận tiền”, không vì lợi ích vật ...

bi an lao phat gia trong vu an gian lan thi cu Gian lận thi cử ở Hà Giang, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT: 'Phải xem xét tất cả các môn thi cho con anh'

"Anh chỉ lo con anh trượt tốt nghiệp, phải xem tất cả các môn thi cho con anh", cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà ...

bi an lao phat gia trong vu an gian lan thi cu Gian lận thi cử ở Hà Giang: Vì sao không thí sinh nào bị buộc thôi học?

Ngay khi phát hiện hành vi gian lận thi cử, Bộ GDĐT chấm thẩm định trả lại kết quả chính xác cho các thí sinh ...

Ngày đăng: 10:08 | 07/07/2019

/