Tại Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Bệnh viện Đà Nẵng là 2 cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá tải ở nhiều khoa phòng. Nguyên nhân là do đây đều là 2 bệnh viện có chất lượng điều trị tốt nhất nhì miền Trung. Số lượng bệnh nhân ngoại tỉnh luôn chiếm phần lớn tại các khoa phòng, kể cả nội trú và khám dịch vụ. Từ đó dẫn đến việc, không chỉ quá tải về bệnh nhân, 2 bệnh viện này còn quá tải về người nhà.

benh vien luon qua tai ca nguoi nha

Người nhà bệnh nhân nằm vạ vật tại Bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh, TPHCM). Ảnh: Chân Phúc

Ở các khoa phòng như hồi sức ngoại, hồi sức nội… tại Bệnh viện Đà Nẵng, hàng hàng lớp lớp người nhà ngồi đợi tin tức. Chị Minh Tâm (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho hay, “Hai khoa này hạn chế tối đa người nhà vào chăm sóc, gần như không cho thăm bệnh, nhưng vì đây là 2 khoa nặng, bệnh nhân thường diễn biến sức khoẻ khó lường, nên các gia đình kéo đến rất đông. Kẻ nằm, người đứng chật kín lối đi, hết gia đình này về đến gia đình khác vào, hành lang thành nơi chờ chực của người nhà”.

Thậm chí, từng có trường hợp hàng chục người nhà bệnh nhân khi có bức xúc việc gì là kéo lên các khoa “làm loạn”, như vụ việc diễn ra tháng 7.2019...

Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nhất là thời điểm nắng nóng như hiện nay, số bệnh nhi mắc các bệnh về tiêu hoá, hô hấp tăng cao. Mỗi ngày, riêng khoa khám nhi của bệnh viện tiếp đón từ 700 đến 800 lượt bệnh nhân.

Anh Minh Hoàng (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng), người nhà một bệnh nhân cho biết: “Đi kèm mỗi bệnh nhân nhi thì ít nhất là 1 đến 2 người. Đến khi nằm viện thì có gia đình 3 người phải lên thay phiên nhau trông con cháu vì bệnh nhi chăm khá vất vả thì các khoa phòng chờ đến mua cơm căng tin hay thậm chí nhà vệ sinh… đi đâu cũng đụng người”.

Tại TPHCM, nhằm phòng tránh COVID-19, nhiều bệnh viện tại TPHCM hạn chế người vào nuôi bệnh khiến người thân các bệnh nhân vạ vật trước cổng, xung quanh bệnh viện... dưới thời tiết mưa nắng thất thường.

Ghi nhận tại Bệnh viện Da Liễu TPHCM (quận 3), mỗi người ra vào bệnh viện đều phải khai báo y tế, đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Trong khi đó, bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh) thông báo, một bệnh nhân vào viện chỉ được một người nuôi bệnh đi cùng. Đối với những bệnh nhân khám ngoại trú thì thân nhân không được đi cùng vào bệnh viện.

Tương tự, bệnh viện Từ Dũ (quận 1) cũng không tiếp người vào thăm bệnh. Đồng thời, một bệnh nhân chỉ được đi cùng một người thăm nuôi. Để hạn chế đông người, bệnh viện yêu cầu thân nhân không vào khu vực Sảnh chờ khám bệnh. Tất cả những động thái trên của các bệnh viện nhằm tránh tụ tập đông người, hạn chế thăm bệnh để phòng tránh COVID-19.

Việc hạn chế thăm nuôi giúp giải quyết được tình trạng tụ tập đông trong bệnh viện. Tuy vậy, phía ngoài cổng là cảnh tượng trái ngược. Rất đông người thân các bệnh nhân vẫn còn ngồi chờ phía ngoài cổng, bên các gốc đây, vệ đường để chờ thăm nuôi. Anh Trung An (27 tuổi, quê Tiền Giang) có vợ đi sinh tại Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ: “Vì bệnh viện yêu cầu chỉ một người thăm nuôi nên mẹ tôi đã vào chăm vợ, tôi đang chờ để thay phiên nên đứng phía trước cổng. Lệnh thông báo của bệnh viện thì mình phải chấp hành, nhưng nắng nóng, rồi có khi bất chợt lại đổ mưa thì cũng vất vả”.

Tại bệnh viện Ung Bướu TPHCM, nhiều người thân bệnh nhân vì không được phép vào bệnh viện nên ngồi khá đông ở các quán nước bên kia đường. “Hoàn cảnh khó khăn mà mẹ lại bị bệnh nặng nên phải ở lâu dài tại TPHCM. Không được vào trong bệnh viện, lại không có tiền thuê phòng ở nên tôi ngồi ngoài quán nước chờ. Cũng rất nóng ruột lo cho người thân ở trong viện nhưng vì tình hình dịch mình phải chấp hành các quy định” - anh Nhân (42 tuổi,quê Bến Tre) nói.

Thùy Trang- Anh Nhàn

benh vien luon qua tai ca nguoi nha Bệnh viện luôn quá tải... cả người nhà

Tại Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi và Bệnh viện Đà Nẵng là 2 cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá ...

Ngày đăng: 13:53 | 08/06/2020

/ laodong.vn