Sau khi xuất viện, bệnh nhân Nhật Bản được xác nhận tái nhiễm virus corona.
Người đàn ông Nhật, 70 tuổi, hôm 14/2 được xác nhận mắc Covid-19 trong thời gian lưu trú trên du thuyền Diamond Princess.
Bệnh nhân được điều trị tại cơ sở y tế tại Tokyo và trở về nhà ở Mie hôm 2/3 sau khi các bác sỹ kết luận không còn virus trong người. Ngày 14/3, người này tới bệnh viện kiểm tra và nhận được kết quả tái nhiễm virus SARS-CoV-2 hôm 14/3. Bệnh nhân đang được điều trị trong bệnh viện dịa phương.
Các quan chức Nhật Bản đang truy dấu lại các hoạt động gần đây của người này và kiểm tra những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Đây không phải là trường hợp tái mắc Covid-19 đầu tiên ở Nhật Bản. Cuối tháng 2, giới chức Osaka xác nhận một bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19 và xuất viện đầu tháng 2 và có kết quả dương tính với virus trong lần xét nghiệm cách đó 2 tuần.
Bệnh nhân là một một hướng dẫn viên du lịch sống ở Osaka. Cô này từng tiếp xúc với đoàn khách Vũ Hán hồi giữa tháng 1 và bị xác nhận nhiễm Covid-19 vào ngày 29/1.
Các quan chức y tế Osaka đặt ra 2 khả năng: Có thể virus còn tồn tại trong bệnh nhân tự "nhân lên" hoặc cô này bị tái nhiễm bệnh từ người khác.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Osaka cho biết, những người bị nhiễm bệnh thường phát triển kháng thể, vì vậy họ có thể tránh tái nhiễm bởi cùng một loại virus. Tuy nhiên, nếu không có đủ kháng thể, bệnh nhân dễ bị tái nhiễm hoặc virus không được phát hiện trong cơ thể tự nhân lên.
Trung Quốc hồi cuối tháng 2 cũng xác nhận nhiều ca tái nhiễm Covid-19 tại tỉnh Quảng Đông.
Cụ thể, khoảng 14% bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19 và xuất viện tại tỉnh này cho kết quả dương tính với virus trong các lần kiểm tra sau đó. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận cụ thể về nguyên nhân của tình trạng trên.
Trong một cuộc họp báo cách đây hơn nửa tháng, một quan chức Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) khẳng định các trường hợp tái nhiễm Covid-19 sẽ không truyền virus cho người khác.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc xuất hiện nhiều ca tái nhiễm làm dấy lên quan ngại rằng, đây có thể là một loại bệnh truyền nhiễm "dai dẳng", có nghĩa là nó có thể "ở ẩn trong bệnh nhân nhiều năm" và đột nhiên hoạt động trở lại, tương tự như bệnh thủy đậu.
Ấn Độ chữa khỏi cho 3 người nhiễm virus corona nhờ thuốc chống HIV |
Hàn Quốc chế tạo hàng trăm ngàn kit thử virus corona trong 3 tuần thế nào? |
Nhật Bản: Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng lên gần 1.500 ca |
Ngày đăng: 09:11 | 17/03/2020
/ vtc.vn