Không giống như bệnh lý do vi khuẩn gây ra, kháng sinh không có tác dụng với virus SARS-CoV-2, vậy bệnh nhân COVID-19 được chỉ định dùng kháng sinh khi nào?

Theo định nghĩa kháng sinh là những chất được chiết xuất từ các vi sinh vật, nấm, được tổng hợp hoặc bán tổng hợp, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hay kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Do đó, chúng là thuốc điều trị đặc hiệu cho các bệnh lý nhiễm trùng nguyên nhân vi khuẩn chứ không phải virus như COVID-19.

Trước đây, tình trạng lạm dụng kháng sinh xảy ra khi người dân có thói quen mua theo đơn thuốc được kê cho người khác hoặc tự mua. Trong bối cảnh đại dịch, tình trạng này càng trở nên trầm trọng khi các toa thuốc trị COVID-19 cho F0 tại nhà tràn lan trên mạng.

Lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và tăng chi phí điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo về tình trạng kháng thuốc có xu hướng tiếp tục tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch COVID-19.

Bệnh nhân COVID-19 có thể dùng thuốc kháng sinh khi nào? - 1
(Ảnh: WHO Việt Nam)

Theo phác đồ điều trị mới nhất của Bộ Y tế cho bệnh nhân COVID-19, kháng sinh dùng để điều trị bội nhiễm (là bên cạnh nhiễm virus SARS-CoV-2 còn nhiễm thêm các loại vi khuẩn khác). Bệnh nhân ở mức độ nhẹ và trung bình sẽ không sử dụng kháng sinh hoặc kháng nấm nếu không có bằng chứng nhiễm trùng. Bệnh nhân ở mức độ trung bình, chỉ sử dụng khi nghi ngờ có bằng chứng nhiễm trùng.

Bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ có các tiêu chuẩn là: Triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy…; nhịp thở < 20 lần/phút vàSpO2 > 96% khi thở khí trời; tỉnh táo, người bệnh tự phục vụ được.

Bệnh nhân ở mức độ trung bình: Triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ; hô hấp có dấu hiệu viêm phổi với khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. Người bệnh có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang); tuần hoàn mạch nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường; ý thức tỉnh táo.

Bằng chứng nhiễm trùng được thể hiện qua kết quả các xét nghiệm như công thức máu, bilan viêm (CRP, procalcitonin, PCT), chẩn đoán hình ảnh (X-quang), kháng sinh đồ,... tức là phải nhập viện và có đánh giá của nhân viên y tế.

Đối với các COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại, nhóm tuổi ≥ 3 tháng và ≤ 49, chưa phát hiện bệnh lý nền, không mang thai hoặc đã tiêm đủ liều vaccine thì việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.

BS ĐẶNG XUÂN THẮNG (Nguồn: Bộ Y tế, WHO)

Chuẩn bị kịch bản phương án 2.000-3.000 ca Covid-19 mỗi ngày tại Hà Nội Chuẩn bị kịch bản phương án 2.000-3.000 ca Covid-19 mỗi ngày tại Hà Nội
Bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch ở Hà Nội tăng nhanh Bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch ở Hà Nội tăng nhanh
0,3% bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội tử vong, 27% có triệu chứng mức trung bình và nặng 0,3% bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội tử vong, 27% có triệu chứng mức trung bình và nặng

Ngày đăng: 07:36 | 20/12/2021

/ vtc.vn