Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2022 đến nay đã tiếp nhận 1.406 ca bệnh do virus Adeno, trong đó có 811 trẻ phải nhập viện và có tới 7 ca tử vong. Dịch vẫn đang lây lan khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Gần một nửa bệnh nhi mắc hô hấp nhập viện được chẩn đoán nhiễm Adenovirus

Thống kê mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội cho thấy, Adenovirus hiện xuất hiện tại tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn, trong đó có 3 ca tử vong. Một số khu vực ghi nhận số mắc cao là: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca). Tại Hà Nội ghi nhận 3 trường hợp tử vong trong tổng số 7 ca tử vong trên cả nước…

Trong số 1.406 ca bệnh nhiễm virus Adeno vào khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương kể trên, khoảng 70-80% là bệnh nhi ở Hà Nội. Thực tế tại các bệnh viện của Hà Nội thời điểm này cũng đều chứng kiến số lượng bệnh nhi nhập viện do virus Adeno tăng cao. Tại Khoa Nhi hô hấp của Bệnh viện Xanh Pôn, gần 50% số trẻ đang điều trị tại đây được xác định là nhiễm Adenovirus, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Mọi năm, tại đây cũng có rải rác các ca viêm phổi, viêm phế quản do virus này nhưng việc đông như thời điểm hiện nay là điều chưa từng thấy.

Bệnh do Adenovirus tăng mạnh tại Hà Nội, phụ huynh có nên lo lắng? ảnh 1
 

Điều trị trẻ nhiễm Adenovirus tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Triệu chứng chung của những trẻ nhập viện do nhiễm Adenovirus là sốt cao liên tục. Nhiều trường hợp có kèm viêm kết mạc, ho, tiêu chảy... Để tránh lây nhiễm chéo, khoa đã sắp xếp khu vực phòng bệnh tập trung các bệnh nhi mắc bệnh do virus Adeno. Bác sĩ Đào Trường Giang - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn lý giải, có thể trong thời gian giãn cách khiến trẻ phải ở trong nhà, không thể hòa nhập với cộng đồng nên đã ảnh hưởng đến hệ miễn dịch đối với các loại virus, bao gồm cả Adeno. Vì vậy, sau thời gian giãn cách, khi trẻ hòa nhập với cộng đồng, “lỗ hổng” miễn dịch khiến số ca mắc tăng cao.

Tương tự, tại Khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn, 3 tuần qua trung bình tiếp nhận 30 trẻ/ngày mắc bệnh về đường hô hấp. Bệnh viện đã phải điều động thêm giường từ khoa khác sang, đây cũng là những bệnh nhi có nguy cơ khó thở cao. Còn các trường hợp viêm đường hô hấp thông thường được chỉ định về theo dõi tại nhà. Bác sĩ Vũ Thị Mai - Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết, theo dự đoán, virus Adeno có thể là mùa dịch tiếp theo sau cúm.

CDC Hà Nội đánh giá, thời tiết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn giao mùa thu - đông, là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát và lây lan của các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có bệnh do Adenovirus. Một nguyên nhân khác dẫn đến số trẻ nhiễm virus Adeno tăng cao là do sau mắc Covid-19, tổn thương ở niêm mạc, đường hô hấp của trẻ chậm hồi phục. Đây là cơ hội để các virus tấn công mạnh hơn so với mọi năm.

Không nên tự ý xét nghiệm, mua thuốc điều trị

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Adeno thuộc nhóm các virus gây bệnh đường hô hấp và là virus cũ. Số ca mắc Adenovirus năm nay xuất hiện nhiều có khả năng là do việc gia tăng thực hiện xét nghiệm trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn được cảnh báo diễn biến phức tạp. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, 7 trường hợp trẻ tử vong có kết quả xét nghiệm dương tính với Adenovirus, song điều này không có nghĩa trẻ tử vong vì virus này. “Hiện không có thuốc đặc hiệu điều trị Adenovirus và phải dựa vào triệu chứng lâm sàng để điều trị. Nếu xét nghiệm dương tính với Adenovirus, các biện pháp điều trị đều phải dựa vào thăm khám lâm sàng và kinh nghiệm của người thầy thuốc chuyên khoa hô hấp. Trẻ viêm mũi, viêm phổi... sẽ điều trị theo triệu chứng đó” - PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Bác sĩ Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Adenovirus có thể gây bệnh từ trẻ em cho đến người lớn. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng ở mùa thu - đông và đông - xuân, bệnh thường xuất hiện nhiều hơn. Những ca mắc bệnh vào khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn đang gia tăng. Điều này chứng tỏ mầm bệnh vẫn đang tồn tại ngoài cộng đồng. Điều đáng nói, đường lây truyền của virus này cũng rất đơn giản. Cụ thể, bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc, qua giọt bắn trong khi giao tiếp… Vì thế, khi tiếp xúc gần trong phòng kín, khi đi chung ở các thang máy cũng hoàn toàn có thể bị lây nhiễm bệnh này. Tương tự như các virus lây nhiễm qua đường hô hấp khác, trẻ nhiễm Adenovirus thường có biểu hiện sốt cao, ho, khò khè, xuất hiện tình trạng khó thở và thường được điều trị khỏi sau 14 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn tiến nặng ở những bệnh nhi có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch, còi xương, suy dinh dưỡng… Vì thế, việc phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm dịch lan rộng như hiện nay là rất quan trọng.

Bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp của Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, chúng ta cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Với trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Với trẻ ăn dặm cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cùng đó, vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên như nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày, không để trẻ bị nhiễm lạnh, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, nhất là không tiếp xúc với các trẻ ốm, người bị bệnh. Khi trẻ nhỏ có các triệu chứng như sốt, ho, không đáp ứng thuốc hạ sốt thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám để được chẩn đoán kịp thời. “Hiện tại, ở nước ta chưa có vaccine ngừa Adenovirus nên cách tốt nhất để phòng bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm. Tuân thủ các biện pháp dự phòng theo đúng khuyến cáo của y bác sĩ” - bác sĩ Lê Thị Hồng Hanh khuyến cáo.

Cũng theo các bác sĩ, do lo ngại trước dịch Adenovirus tăng cao nên gần đây, nhiều phụ huynh khi thấy trẻ nhỏ có triệu chứng sốt, ốm liền đưa trẻ đi xét nghiệm Adenovirus. Tuy vậy, việc đổ xô đưa con đi xét nghiệm Adenovirus là không cần thiết và gây lãng phí. Bác sĩ Đào Trường Giang - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khẳng định, việc xét nghiệm Adenovirus phần lớn không thực sự có ý nghĩa. Đối với một vài trường hợp cần thiết, bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm Adenovirus. Do đó, không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng cần xét nghiệm. Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ mắc Adenovirrus. Các loại thuốc để điều trị triệu chứng cần được uống đúng theo lứa tuổi, thuốc hạ sốt cần uống đủ liều cho từng độ tuổi khác nhau.

"Do lo ngại trước dịch Adenovirus tăng cao nên gần đây nhiều phụ huynh khi thấy trẻ nhỏ có triệu chứng sốt, ốm liền đưa trẻ đi xét nghiệm Adenovirus. Tuy vậy, việc đổ xô đưa con đi xét nghiệm Adenovirus là không cần thiết và gây lãng phí. Việc xét nghiệm Adenovirus phần lớn không thực sự có ý nghĩa. Đối với một vài trường hợp cần thiết, bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm Adenovirus. Do đó, không phải trường hợp nào mắc bệnh cũng cần xét nghiệm. Ngoài ra, phụ huynh không nên tự mua thuốc điều trị cho trẻ mắc Adenovirrus. Các loại thuốc để điều trị triệu chứng cần được uống đúng theo lứa tuổi, thuốc hạ sốt cần uống đủ liều cho từng độ tuổi khác nhau."

Bác sĩ Đào Trường Giang - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

https://www.anninhthudo.vn/benh-do-adenovirus-tang-manh-tai-ha-noi-phu-huynh-co-nen-lo-lang-post518636.antd

 

Ngày đăng: 08:21 | 02/10/2022

Duy Tiến / anninhthudo.vn