Bức ảnh chụp Divya đứng ngoài cửa lớp giúp cô bé được nhận vào trường công ở Hyderabad sau khi được dư luận quan tâm.
Hình ảnh bé Divya, 5 tuổi, cầm một chiếc xoong rỗng, đứng nhìn vào lớp học được đăng trên một tờ báo tiếng Telugu, một ngôn ngữ bản địa Ấn Độ, hôm 7/11 với chú thích "Ánh mắt thèm khát" lập tức thu hút sự chú ý của dư luận.
Một nhà hoạt động vì quyền trẻ em chia sẻ bức ảnh trên Facebook kèm lời chỉ trích về việc một đứa trẻ bị từ chối quyền được ăn uống và giáo dục. Lập tức, trường học nơi Divya đứng nghe giảng đã nhận em vào học chỉ một ngày sau đó.
Bức ảnh bé gái 5 tuổi cầm chiếc bát nhìn vào một lớp học được đăng trên tờ báo tiếng Telugu hôm 7/11. Ảnh: BBC. |
Nhưng bố của Divya, M Lakshman cho hay thực tế không giống như những gì bức ảnh đã thể hiện. Người đàn ông này và vợ là Yashoda, làm nghề quét rác người quét rác và sống trong một khu ổ chuột ở trung tâm Hyderabad.
"Tôi cảm thấy buồn khi nhìn bức ảnh đó. Divya có cha mẹ và chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để mang cho con bé một tương lai tốt đẹp. Nhưng con bé được miêu tả như thể là một đứa trẻ mồ côi, đói khát", Lakshman nói.
Bố Divya cho hay ông đang chờ cô bé tròn 6 tuổi để có thể đăng ký vào trường công, nơi hai cô con gái khác của ông đang theo học. Hai vợ chồng cũng có một cậu con trai vừa học xong phổ thông và đang nộp đơn vào đại học trong lúc phụ bố nghề nhặt rác.
Khu ổ chuột mà gia đình Lakshman sống chỉ cách ngôi trường nơi cô bé đứng nghe giảng chỉ khoảng 100 mét. Hầu hết những người sống trong khu ổ chuột này là đều làm công nhân và con cái họ cũng học trong trường. Ngôi nhà của gia đình Lakshman chỉ có một gian duy nhất, với nhiều nhựa và thủy tinh được chất đống phía bên ngoài, chờ bán tái chế.
Lakshman cho hay ông và vợ kiếm được khoảng 139 USD/tháng, đủ trang trải thức ăn và quần áo cho cả nhà, còn học sinh được miễn học phí tại các trường công ở Ấn Độ.
"Tôi không bao giờ muốn các con sống cuộc sống như tôi đang sống. Vì vậy, tôi đảm bảo rằng tất cả bọn chúng đều được đi học", ông nói. Ngoài 4 đứa con của mình, Lakshman còn phải nuôi 5 con của anh trai và chị dâu, những người qua đời cách đó không lâu.
Khi được hỏi tại sao Divya cầm chiếc xoong rỗng đến trường, Lakshman giải thích rằng nhiều em nhỏ trong khu ổ chuột đến trường vào giờ ăn trưa để xin bữa trưa miễn phí, một chương trình của chính phủ cung cấp các bữa ăn cho học sinh ở hơn một triệu trường học trên cả nước. Nhiều em nhỏ có anh, chị học ở trường thường tìm đến đây vào giờ ăn trưa vì đã biết điều này.
"Divya không thường xuyên đến đó, nhưng đúng vào ngày con bé tới trường, ai đó đã chụp ảnh nó", bố của cô bé 5 tuổi nói. Điều này cũng được các giáo viên tại trường xác nhận. Các thầy cô nói rằng có những bạn nhỏ tự mang bữa trưa từ nhà, bởi vậy thức ăn trong chương trình bữa trưa miễn phí dư ra sẽ được tặng cho các em nhỏ khác.
Lakshman và hàng xóm của ông cho hay việc thiếu các trường mẫu giáo của chính phủ khiến họ không có nơi để gửi con khi đi làm. Shivram Prasad, một thanh tra trường học địa phương, cho hay ông hy vọng chính phủ sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các trường mầm non công để giúp đỡ các phụ huynh và em nhỏ.
Divya tỏ ra rất háo hức khi được nhận vào trường công. Cô bé khăng khăng mang theo cặp sách ở khắp mọi nơi, kể cả lúc ra sân chơi. Ngoài việc nói tên của mình, bé gái không trả lời thêm bất kỳ câu hỏi nào nữa. "Con bé là một đứa trẻ rất điềm tĩnh", Lakshman vừa nói vừa thơm vào má con gái.
Người đàn ông này thừa nhận bức ảnh đã làm được điều tốt, dù chưa phản ánh đúng sự thật. "Bây giờ những đứa trẻ khác bằng tuổi Divya cũng đang ghi danh vào trường học. Điều đó khiến tôi hạnh phúc", Lakshman nói.
Mai Lâm (Theo BBC)
Cảm động hình ảnh cha cõng con trên lưng, băng qua dòng nước xiết đến trường
Mới đây mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh người cha cõng con gái vượt dòng nước xiết đến trường đã chạm ... |
Cậu bé 11 tuổi bán hành mỗi sáng trước khi đến trường, kiếm tiền chữa bệnh cho em
Yan Yihang, 11 tuổi Trung Quốc dành cả tuổi thơ để kiếm tiền trả viện phí giúp em trai, bằng cách đi bán hành tây ... |
Ngày đăng: 17:33 | 18/11/2019
/ vnexpress.net