Đây là ý kiến của nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An trước thông tin bé gái ở Kiên Giang bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành đã không đến trường từ 11.2017, hiện không ai biết cháu đang ở đâu, sau khi có quyết định cách ly vẫn phải sống với những người đã bạo hành mình.
Theo đó, liên quan đến vụ việc cháu NHNT ( học sinh lớp 2, trường Tiểu học Vĩnh Hòa Hiệp 1 (xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành) bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành bằng thanh sắt nung đỏ khiến mặt cháu bị nhiều vết bỏng nặng, mới đây phóng viên Lao Động đã tiếp tục tìm hiểu diễn biến vụ việc thì phát hiện cháu T đã không đến trường từ 11.2017, hiện không ai biết cháu ở đâu.
Đồng thời mặc dù đã có quyết định cách ly cháu T khỏi bố đẻ và mẹ kế nhưng thực tế cháu vẫn phải sống với họ - những người đã gây ra tổn thương thể xác và tinh thần cho mình.
Nói về điều này, nguyên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Thị An cho rằng, trong trường hợp này, bố đẻ và mẹ kế của cháu bé NHNT không có tư cách cũng như không có quyền nuôi, chăm lo cho cháu T nữa.
Thứ hai, xét về trách nhiệm của chính quyền địa phương, cụ thể ở đây là UBND xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành, Kiên Giang), nếu như thấy có vấn đề phải báo cáo tiếp lên cấp cao hơn để giải quyết. Không thể chấp nhận được việc để cháu bé biến mất mà lại không có thông tin gì, “đây là trách nhiệm của chính quyền xã Vĩnh Hòa Phú, phải nói thẳng là như thế, xã không thể lấy cớ gì được nữa” – bà An khẳng định.
Bà An phân tích, UBND xã Vĩnh Hòa Phú đã ký quyết định cách ly bé T ra khỏi gia đình cha ruột và mẹ kế thì phải có trách nhiệm với quyết định này, giờ không biết cháu T đang ở đâu, nếu lỡ có chuyện gì xảy ra với cháu thì sẽ thế nào? “Theo quyết định này, cháu T được giao cho ai thì người đó phải chịu trách nhiệm” – bà An nói.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, UBND xã Vĩnh Hòa Phú luôn tỏ ra “yếu thế” so với gia đình bố đẻ và mẹ kế cháu T. Điều này được thể hiện trong cả việc ra quyết định giao cháu T cho ai chăm sóc, đến việc phóng viên đề nghị ông Cao Hùng Cường - Chủ tịch xã nhận xét về mẹ kế cháu T – một người dân sinh sống tại địa phương - thì cũng bị ông Cường thẳng thừng từ chối: “Tôi biết, nhưng không nói đâu”.
Nói về điều này, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho rằng, với tư cách là lãnh đạo địa phương thì UBND xã phải có trách nhiệm quản lý người dân, nếu người dân gây rối thì phải xử lý nghiêm, không thể nào vì người ta “ghê gớm” mà bỏ qua được.
Bà An nói thêm, ở đây cũng phải bàn đến trách nhiệm của các đoàn thể xã hội, hội phụ nữ, trong những trường hợp như thế này cần phát huy vai trò chứ không thể im lặng như vậy được.
Vụ bé 7 tuổi bị dí sắt nung vào mặt: Đã có quyết định khởi tố mẹ kế, nhưng chưa thể thực hiện
Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với mẹ kế cháu T. Tuy nhiên, mãi đến nay vẫn chưa thể ... |
Vụ cháu bé nghi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành: Sau “đánh trống” là... “bỏ dùi”?
Sau hơn 2 tháng khiến dư luận xã hội rớt nước mắt trước những vết sẹo nghiêm trọng trên mặt, trên người nghi vấn do ... |
Ngày đăng: 10:13 | 18/01/2018
/ https://laodong.vn