Trước những vấn đề liên quan đến công tác nhân sự Đại hội khoá VIII của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và những phát ngôn của bầu Đức, chuyên gia Lê Thuỵ Hải đã có bài phân tích về vấn đề này.
Bầu Tú, Bầu Đức. Ảnh: HD-HT
1. Tôi thấy rằng, những vấn đề hiện tại đang xảy ra tại VFF trước đại hội khoá VII - báo chí là kênh thông tin biết rõ bản chất nhất. Và tất cả mọi việc diễn biến trước thềm đại hội cũng được thông tin rộng rãi thông qua báo chí. Thế nên, với chúng tôi là những người quan sát chỉ có thể đưa ra được quan điểm cá nhân trong từng vấn đề cụ thể.
Cụ thể như vấn đề liên quan đến các phát ngôn của anh Đoàn Nguyên Đức. Chúng ta phải thừa nhận rằng, đấy là quan điểm riêng của cá nhân anh ấy. Tôi cho rằng đã là ý kiến cá nhân đưa ra thì bao giờ cũng có hai mặt tích cực và hạn chế. Chính vì vậy mà chúng ta cần nhìn nhận những vấn đề anh Đức phát ngôn một cách hai chiều.
Thứ nhất, tôi cho rằng những ý kiến của anh Đức trong thời gian vừa qua là khá thẳng thắn. Và vì yêu bóng đá thì anh Đức mới có những phát ngôn như vậy. Phải thừa nhận rằng, bóng đá đã cho anh ấy rất nhiều. Nhờ bóng đá mà mọi người biết nhiều hơn đến HAGL, biết nhiều hơn đến mảnh đất Pleiku. Anh ấy rất thích bóng đá và cay cú với bóng đá, muốn bóng đá Việt Nam phải khẳng định được giá trị ở vùng Đông Nam Á này. Chính vì vậy mà anh ấy dồn tâm huyết làm bóng đá.
Ở thời điểm anh Đức làm bóng đá trẻ với quy mô lớn, có học viện hoành tráng thì nhiều người chưa chú trọng đầu tư mạnh cho vấn đề này. Sau HAGL thì mới có nhiều học viện, trung tâm bóng đá quy mô, tầm cỡ mọc lên. Đấy là điều đáng khen, thừa nhận rằng anh ấy có công lao đóng góp cho bóng đá Việt Nam những cầu thủ trẻ như vừa qua thì ai cũng thấy rồi.
2. Vừa qua, tôi thấy anh Đức có những phát ngôn nhắm vào anh Tú. Theo quan điểm của tôi, anh Đức và anh Tú không có liên quan, ảnh hưởng đến nhau vấn đề quyền lợi, không phải kèn cựa nhau ở một công việc gì hay chuyện làm ăn. Thế nên chúng ta phải nói rằng động cơ ở đây hoàn toàn không có sự tranh giành, đấu đá. Bởi họ không nói xấu nhau để tranh nhau chỗ ngồi. Mục đích của những phát ngôn ấy là vấn đề: Anh Tú vào đấy làm gì, bóng đá liệu có tốt được hay không?
Chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, bóng đá Việt Nam thời gian qua có nhiều thứ lộn xộn. Điều ấy khiến bóng đá mất đi tính chất, sự cao quý của nó. Ví dụ như tình trạng tiêu cực trọng tài, cầu thủ chơi bạo lực, khán giả không muốn đến sân, những góp ý thì thiếu tính xây dựng. Thế nên VFF phải thay đổi.
Tôi không biết nhiều về một số lãnh đạo VFF, thậm chí là không gặp bao giờ. Như anh Trần Anh Tú, tôi chưa gặp anh ấy bao giờ. Bây giờ, thấy báo chí nói về anh ấy rất nhiều mà tôi không biết anh ấy ở đâu. Còn theo quan điểm của tôi, bóng đá trong nhà không phải là đỉnh cao, tôi coi futsal chỉ là chơi vui, phong trào, không có gì phải rầm rộ cả. Anh Tú từ lĩnh vực đó nhảy vào, tôi thấy cũng hơi lạ. Tôi thắc mắc là những người làm bóng đá chuyên nghiệp sân cỏ 11 người không thấy mấy ai nhảy vào.
Tôi thấy rằng, những người làm bóng đá ở các nước trên thế giới rất giàu. Người ta làm bóng đá không phải để lấy lương, họ vào các liên đoàn vì thích mà mang tính tổ chức của mình để làm các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch. Thế nhưng, những người điều hành trực tiếp phải là những người có nghề. Ở đây tôi muốn nói cấp dưới phải là người giỏi. Còn như ở VFF, nhân sự các phòng ban chuyên môn đều là những người không giỏi nghề. Và cũng vì thế mà cần phải loại nhau, cần có những người giỏi nghề. Chính vì vậy tôi thấy những ý kiến của anh Đức là hợp lý.
Theo tôi, tại sao VFF không thay đổi đi. Như ở các nước khác, khi chủ tịch liên đoàn bóng đá là người giàu có, doanh nhân, họ không làm vì tiền, vì lương, không “cấu véo” gì vào liên đoàn, không nhận hối lộ. Theo quan điểm của tôi, nếu mới có 100 triệu đồng mà đã nhận là điều rất buồn. Bóng đá không phải là cái mang lại tiền bạc, mà cần phải người yêu, người làm.
Tôi luôn trăn trở là VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp thì cần gì đến những người nhà nước vào đó ngồi. Khi anh vẫn là người nhà nước, sang VFF làm thì không hiểu có lĩnh lương 2 lần không? Tôi không hiểu VFF sẽ như thế nào. Tôi là người làm bóng đá lâu rồi, tôi đặt ra câu hỏi đó mà không ai trả lời tôi. Nhiều người cũng hỏi tôi như vậy nhưng tôi không thể trả lời.
3. Tuy nhiên, những điều anh Đức phát ngôn cũng mang đến những hệ luỵ tiêu cực, ảnh hưởng phần nào đến bóng đá Việt Nam. Đấy là điều không tránh được. Chúng ta cứ đặt mình vào các cầu thủ mà nghĩ xem, họ sẽ nghĩ gì về cái liên đoàn này không ra sao cả. Họ phải suy nghĩ chứ.
Anh Đức nhiều khi cũng nói quá. Và đôi khi những gì nói thẳng quá, thật quá sẽ mất lòng người khác. Thế nhưng, chúng ta cũng nhìn nhận một vấn đề là anh Tú nhiều chức thế thì anh ấy làm tốt thế nào được?
Như anh Xuân Gụ nói, anh ấy và anh Đức bị cô lập. Thường vụ có 5 người mà 2 người bị cô lập thì còn ra cái gì nữa. Nếu có hiện tượng thế thì rất vô lý. Nhưng có điều khiến tôi không thích là tại sao ở đấy các anh ấy không nói, mà cứ bảo là VFF đoàn kết. Bây giờ khi bầu bán, có thể mình không trúng mới nói thì không hay.
Theo tôi, chúng ta vẫn cần có những ý kiến như anh Đức dù nó có hai mặt. Tôi ủng hộ anh Đức cũng không vì điều gì cả, tôi thấy việc anh ấy làm khiến bóng đá tốt lên. Anh ấy làm vì bóng đá chứ không phải vào VFF để lĩnh lương.
Chúng ta cũng cần xem xét, đại hội VFF như vậy thì có cần mở rộng hay không. Tức là có cần trưng ý kiến và nhiều người bầu bán, hay các anh ấy tự bầu, tự đề cử nhau. Nói thật, từ trước đến nay chuyện bầu bán ở VFF rất khó. Xét cho cùng, bây giờ những vị trí tranh cử có ai đâu mà tranh giành. Như vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính có mỗi anh Tú.
Như thế có nghĩa là rất ít người muốn ra làm bóng đá ở Việt Nam. Đấy là điều khiến tôi trăn trở. Bởi nhiều người có tài nhưng họ không muốn xuất hiện ở thời điểm này. Chúng ta cần phải thay đổi VFF, để bóng đá tốt lên. Khi đó sẽ có nhiều người tài ra mặt, bóng đá Việt Nam sẽ có nhiều sự lựa chọn.
Bầu Đức “tố nhầm” VFF
Liên quan đến việc bầu Đức chỉ trích Thường trực LĐBĐ Việt Nam (VFF) xung quanh chuyện cử người đại diện từ VFF sang Công ... |
VFF - vì đâu nên nỗi người nhà đấu nhau
Là hai trong năm uỷ viên thường trực, nhưng bầu Đức và bầu Tú lại lôi nhau lên mặt báo vì chiếc ghế phó Chủ ... |
VFF đang làm gì sau lưng Bầu Đức?
Dù hiện tại là Phó chủ tịch VFF nhưng nhiều chuyện trong Liên đoàn này bầu Đức không hề biết mà do một nhóm người ... |
Ngày đăng: 14:30 | 29/03/2018
/ https://laodong.vn