Vậy là không có gì thay đổi so với dự đoán của giới quan sát quốc tế, nước Anh đã chính thức có Thủ tướng mới - ông Keir Starmer, sau những kết quả của cuộc bầu cử Hạ viện ngày 4/7. Tuy nhiên, thách thức dành cho người mới đắc cử sẽ là vô cùng nặng nề, bởi đó cũng chính là những nguyên nhân khiến cựu Thủ tướng Rishi Sunak cùng đảng Bảo thủ phải chấp nhận thất bại nặng nề nhất trong lịch sử, tính đến thời điểm hiện tại.

Thay đổi - một nhu cầu bức thiết

Ngay trước thềm cuộc bầu cử, các chuyên gia cũng như nhiều hãng truyền thông lớn của Anh quốc và thế giới đã cùng nhau phác họa rõ ràng bối cảnh thực trạng ở nước Anh hiện tại. Đó là một bức tranh rất nhiều mảng tối, đầy những bức xúc và mâu thuẫn, cũng như tâm trạng bí bách trong xã hội, bao gồm: Tình hình kinh tế ảm đạm với mức tăng trưởng yếu, năng suất thấp, đầu tư kém, nợ công cao kỷ lục và những hệ lụy từ Brexit; mức sống người dân giảm với thuế, phí, chi phí sinh hoạt và lãi suất vay thế chấp đều cao; làn sóng nhập cư tăng mạnh; dịch vụ công xuống cấp, đặc biệt Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) với danh sách chờ khám, chữa bệnh lên tới hơn 7 triệu người, song song những làn sóng đình công kéo dài do mức lương người lao động không theo kịp lạm phát...

Bầu cử Anh: Lối thoát nào sau ngã rẽ?  -0
Thay đổi - nhu cầu bức thiết và gay gắt nhất từ cử tri Anh.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS), So với quý IV/2019 trước dịch COVID-19, nền kinh tế chỉ tăng 1,8%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo Anh sẽ tụt hậu so với hầu hết các nền kinh tế G7, chỉ đạt tăng trưởng 0,4% năm nay và đứng cuối nhóm G7 năm 2025 với mức tăng 1%. Anh cũng có mức đầu tư/GDP thấp nhất với 18%.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu tài chính Anh (IFS) đánh giá: Kể từ sau đại dịch, nợ công của Anh tăng nhanh và vượt mức trung bình của G7. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức nợ công của Anh sẽ còn tiếp tục tăng, thay vì ổn định hoặc giảm. Một nghiên cứu của IFS, được công bố hồi tháng 5 vừa qua, cũng cho thấy mức sống của người dân Anh thấp hơn hầu hết các nước giàu khác kể từ năm 2010. Thu nhập trung bình của người dân Anh chỉ tăng 6% trong giai đoạn 2009-2010 và 2022-2023, so với mức 12% của Mỹ và 16% của Đức.

Ở một khía cạnh khác, mức thuế tính theo tỷ lệ GDP tại Anh hiện cao nhất trong vòng 70 năm, tăng từ 32,8% GDP giai đoạn 2012-2013 lên 36,3% trong 10 năm tiếp theo. Nó thậm chí còn đang tiến tới mức 37,2% vào năm 2026-2027, theo dự báo của Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR).

Và, đó chắc chắn là những dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại, sau 14 năm cùng 5 đời thủ tướng cầm quyền thuộc đảng Bảo thủ - một kỷ nguyên khá dài, rõ ràng bộc lộ những đòi hỏi về những cách tiếp cận vấn đề cũng như các phương thức quản trị kinh tế - xã hội mới, trên thượng tầng chính trị. Không phải ngẫu nhiên, theo tờ The Economist, 75% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát dư luận đánh giá: Đất nước ấy đang ở trong tình trạng tệ hơn so với năm 2010, khi đảng Bảo thủ lên nắm quyền.

Do đó, trước ngày bỏ phiếu, với hình ảnh một ứng viên theo chủ nghĩa trung dung và thực dụng, nhà lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer đã được “chấm” là kẻ thách thức hùng mạnh nhất, cũng thích hợp nhất với vai trò người tạo nên những thay đổi cần thiết cho Anh quốc. Cương lĩnh tranh cử của ông bao gồm các cam kết gắn liền với những lợi ích sát sườn của công dân Anh, như: Thúc đẩy thịnh vượng, giải quyết tình trạng năng suất trì trệ, khuyến khích đầu tư, xây dựng nhà ở và cải thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu (EU).

Công đảng còn khẳng định sẽ thành lập công ty năng lượng sạch của nhà nước nhằm tăng cường an ninh năng lượng, áp thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đánh vào các công ty dầu khí lớn; đánh thuế các trường tư thục để trả lương cho hàng nghìn giáo viên mới tại các trường công lập; đồng thời giảm thời gian chờ đợi khám, chữa bệnh trong hệ thống NHS. Có lẽ vì vậy, như kết quả thăm dò (do The Economist và tổ chức nghiên cứu WeThink thực hiện từ ngày 30/5 đến 21/6) với gần 18.600 cử tri, Công đảng đã dẫn trước đảng Bảo thủ tới 20 điểm, với tỷ lệ ủng hộ gần gấp đôi (42% phiếu bầu so với 22%).

Tìm lại một quỹ đạo

Ngay sau chiến thắng vang dội, với khoảng 410 trong tổng số 650 ghế tại Hạ viện dành cho Công đảng (trong khi đảng Bảo thủ hứng chịu thất bại lớn nhất trong lịch sử khi mất khoảng 250 ghế, trong đó có số lượng kỷ lục các bộ trưởng cấp cao và cả cựu Thủ tướng Liz Truss), cụ thể hóa các ưu thế đã được chỉ ra từ trước, chủ nhân mới của nhà số 10 phố Downing đã được Vua Anh Charles III đề nghị nhanh chóng thành lập chính phủ.

Những kết quả đáng chú ý khác bao gồm: Đảng Dân chủ tự do trung dung giành kết quả ấn tượng với 71 ghế, tăng 63 ghế so với cuộc tổng tuyển cử trước. Đảng Xanh và đảng Cải cách Vương quốc Anh đều giành được 4 ghế, trong đó lãnh đạo đảng Cải cách Vương quốc Anh Nigel Farage lần đầu tiên trở thành nghị sĩ sau 8 lần tranh cử. Đảng Dân tộc Scotland (SNP) chỉ giành được 9 ghế, giảm 38 ghế.

Giá trị đồng bảng Anh, chứng khoán và trái phiếu chính phủ của Anh đều đã tăng nhẹ trong ngày chiến thắng ấy, như những điềm lành. Không chỉ riêng ở Anh, các chỉ số chứng khoán khác ở châu Âu cũng ghi nhận mức tăng mới. Chỉ số chứng khoán chuẩn toàn châu Âu STOXX 600 đã tăng 0,4% kể từ 7h21 (giờ GMT), lên mức cao nhất kể từ ngày 26/6.

Đây có thể xem là các phản ứng đồng vọng mang tính khích lệ và hưởng ứng với định hướng mà tân Thủ tướng Anh lựa chọn, cũng như vừa tái khẳng định trong bài phát biểu đầu tiên sau khi đắc cử. Theo đó, ông Starmer tuyên bố nước Anh sẽ chứng kiến một “sự thay đổi bắt đầu ngay bây giờ”. Ông cam kết sẽ bắt tay ngay vào việc cải thiện tình hình đất nước; nhấn mạnh nhiệm vụ “đổi mới những ý tưởng gắn kết đất nước và đổi mới quốc gia”, nhằm tập trung thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

Bầu cử Anh: Lối thoát nào sau ngã rẽ?  -0
Một kỷ nguyên mới đã sẵn sàng.

Được chào đón tại phố Downing bởi đám đông những người ủng hộ, ông Starmer kêu gọi: Nước Anh cần “tìm lại bản sắc của mình” và trải qua một quá trình tái thiết sâu rộng hơn. Tân thủ tướng cũng cam kết “hành động chứ không chỉ bằng lời nói” để hiện thực hóa mục tiêu này, đồng thời khẳng định quyết tâm phục vụ cử tri khi đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

Đại diện dư luận trong nước, tờ The Telegraph nhấn mạnh 3 bước cần thiết mà chính phủ mới của ông Keir Starmer cần thực hiện ngay, bao gồm: Khắc phục sự chia rẽ chính trị trong nước và trấn an người dân bằng cách khôi phục tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, bãi bỏ những quy định rườm rà để khơi thông việc xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và nhà ở cho người dân; cuối cùng là xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo mới trên trường quốc tế, với trọng tâm là củng cố quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ và hợp tác với EU về an ninh, kinh tế vì thịnh vượng chung.

Từ bên ngoài biên giới, The Economist đánh giá: Chiến thắng của Công đảng là một kết quả tốt cho nước Anh, chấm dứt giai đoạn bất ổn chính trị và sự thắng thế của chủ nghĩa dân túy cực đoan, mà đỉnh điểm là cuộc bỏ phiếu đưa Anh rời khỏi châu Âu năm 2016. Tân Thủ tướng Keir Starmer, ngay sau khi tiếp nhiệm, đã nhanh chóng nhận được nhiều lời chúc mừng từ phương Tây, đồng thời gấp gáp điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Nói cách khác, đây là thắng lợi rất đáng chú ý, bởi ngược với xu hướng chủ đạo đang diễn ra trên toàn châu Âu, cử tri Anh lại nghiêng về cánh tả. Nhưng, tựu trung, có lẽ đó cũng chỉ là những hiện tượng mang tính hình thức. Bởi, trong sâu thẳm, điều cốt lõi quyết định kết quả mọi cuộc bầu cử, như chuyên gia Christopher Granville đúc kết, chỉ là: “Nếu hiệu quả kinh tế kém thì con lắc chính trị sẽ dao động, và khi nó dao động, nó sẽ chuyển sang hướng khác so với hiện tại. Nó dao động bởi mọi người đang khó khăn và bất bình. Chỉ đơn giản như vậy”.

Vậy nên, có thể với những phân tích khắt khe, tiêu biểu như của tờ The Guardian: “Sự chênh lệch số phiếu giữa hai đảng là kết quả của chiến dịch tranh cử hiệu quả của Công đảng và sự ủng hộ đối với đảng Bảo thủ giảm mạnh”, nghĩa là không hẳn thể hiện rằng sự ủng hộ của cử tri đối với Công đảng tăng vọt, mà chỉ là tâm trạng chán chường cũng như nhu cầu thay đổi trong xã hội, thì nhà lãnh đạo mới của nước Anh, cùng nội các của mình, vẫn đang hội tụ được đủ nhiều sự ủng hộ, để tìm lại một quỹ đạo tích cực.

Tất nhiên, trước khi tính đến việc tiếp tục khuếch trương vị thế đối ngoại trên trường quốc tế, tân Thủ tướng Anh sẽ phải toàn lực tập trung vào những gì đã mang lại cho ông chiến thắng: Cải thiện an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống cho các công dân Anh.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/bau-cu-anh-loi-thoat-nao-sau-nga-re--i736937/

Ngày đăng: 20:17 | 10/07/2024

Thiên Thư / CAND