Tuyên bố mở cuộc điều tra vào ngày 28/10/2016 của giám đốc FBI James Comey đã giáng đòn "không thể cứu vãn" với ứng viên tổng thống Hillary Clinton.
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Comey ngày 28/10/2016 thông báo với quốc hội rằng một cuộc điều tra nhằm vào bà Clinton, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ lúc bấy giờ, đang được mở lại. Tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm mang tính quyết định, chỉ 11 ngày trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống.
Giám đốc FBI James Comey điều trần trước Hạ viện Mỹ tháng 7/2016. Ảnh: AP. |
Thông tin về quyết định trên, liên quan tới cáo buộc bà Clinton xử lý các thông tin mật qua máy chủ email cá nhân, lập tức tràn ngập trên mọi phương tiện truyền thông Mỹ. Theo một số chuyên gia, dù Comey đóng cuộc điều tra ngay sau đó mà không có quyết định truy tố nào được đưa ra, tuyên bố được đưa ra vào thời điểm quyết định của ông đã gây ra thiệt hại không thể vãn hồi đối với chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Nó góp phần khiến cán cân bầu cử nghiêng về phía ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, cuối cùng giúp ông giành chiến thắng trên đường đua vào Nhà Trắng.
FiveThirtyEight, trang web chuyên phân tích các dữ liệu thăm dò, đã tính toán rằng tuyên bố từ Comey đã làm thay đổi quan điểm của ít nhất một phần trăm cử tri tại các bang chiến trường như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Khi Trump giành chiến thắng tại các bang này với phần trăm chênh lệch còn thấp hơn thế, FiveThirtyEight kết luận rằng thông báo của cựu giám đốc FBI có thể là "nhân tố X" định đoạt kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Những sự việc như vậy được đặt tên riêng trong giới chính trị Mỹ là "bất ngờ tháng 10", với ngụ ý rằng các sự kiện xảy ra trong tháng này có tác động rất lớn đối với kết quả bầu cứ vào đầu tháng 11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong họp báo tại Nhà Trắng ngày 16/9. Ảnh: Reuters. |
James Carafano, phó chủ tịch Viện An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại Kathryn and Shelby thuộc Heritage Foundation, nhận xét "bất ngờ tháng 10" có khả năng tạo ra khác biệt quan trọng ở các bang chiến trường, nơi có thể định đoạt kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
"Thực tế trong lịch sử cho thấy cử tri thường bị ảnh hưởng bởi những thứ xảy ra ngay trước bầu cử nhiều hơn là những sự kiện đã diễn ra từ lâu", ông nói.
Thời điểm quyết định mọi thứ, Carafano cho biết, lấy ví dụ về thất bại của George H.W. Bush (Bush cha) trong cuộc bầu cử năm 1992. Bush cha vẫn thua trong cuộc bầu cử, dù đạt được thành tựu xuất sắc là tập hợp thành công một liên minh quân sự giúp ngăn Iraq xâm lược Kuwait.
"Vào thời điểm bầu cử, không cử tri nào quan tâm ai là bên chiến thắng trong cuộc chiến ở Vùng Vịnh, mà họ chỉ tập trung vào những thứ đang diễn ra ngay lúc đó", Carafano nói.
Các cựu quan chức chính quyền Trump cho hay Tổng thống Mỹ đang tìm kiếm một "bất ngờ tháng 10" của riêng mình nhằm làm bàn đạp giúp ông tái đắc cử.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong cuốn hồi ký xuất bản hồi cuối tháng 6 tiết lộ rằng một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên có thể là "bất ngờ tháng 10" mà Tổng thống Trump hướng tới.
Trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, gây chao đảo nước Mỹ, khả năng chính quyền Trump đưa ra một công bố quan trọng về vaccine cũng có thể là một "bất ngờ tháng 10" khác.
Cũng có những "bất ngờ" mang lại lợi thế cho chiến dịch tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Một trong số đó là khả năng Trump để thua trong cuộc chiến pháp lý với Sở Thuế vụ (IRS), cơ quan yêu cầu ông phải nộp hồ sơ thuế trong 8 năm trước tháng 11.
Trump cũng đã "hứng đòn" từ một số vấn đề tranh cãi vào tháng 9, trong đó có bài viết của tạp chí Atlantic dẫn các nguồn giấu tên cáo buộc ông miệt thị những binh sĩ Mỹ tử trận khi gọi họ là "kẻ thua cuộc". Nhà Trắng đã cố gắng bảo vệ Trump, khẳng định thông tin trên là hoàn toàn "sai sự thật" và Tổng thống luôn dành cho các binh sĩ, cựu binh Mỹ sự tôn trọng cao nhất.
Đến ngày 15/9, phóng viên Bob Woodward xuất bản một cuốn sách dựa trên các cuộc phỏng vấn với Trump, trong đó có những thông tin gây chấn động, cho thấy Trump đã cố tình hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát Covid-19 hồi tháng hai.
Hai tiết lộ trên có thể được tính là "bất ngờ tháng 10 sớm", John Hudak, chuyên gia nghiên cứu quản trị tại Viện Brookings ở Washington, nhận xét.
"Nếu những cáo buộc này được tung ra vào cuối tháng 10 như những gì bà Clinton gặp phải hồi năm 2016, chúng sẽ khiến Tổng thống Trump rất khó vượt qua", ông nói và thêm rằng sự nguy hiểm của "bất ngờ tháng 10" nằm ở chỗ nó gây thiệt hại cho ứng viên tổng thống vào thời điểm quá muộn màng và họ không có đủ thời gian để khắc phục trước khi cử tri đi bỏ phiếu.
Một "bất ngờ tháng 10 sớm" khác đang làm tăng thêm hỗn loạn trên chính trường Mỹ là việc Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời hôm 18/9.
Ghế trống bà để lại tại Tòa án Tối cao mang đến cho Trump cơ hội đề cử một thẩm phán có xu hướng bảo thủ và nghiêng về đảng Cộng hòa vào cơ quan quyền lực nhất trong hệ thống tư pháp Mỹ.
Phe Dân chủ, bao gồm cả cựu tổng thống Barack Obama, đều yêu cầu hoãn đề cử ứng viên thay thế Thẩm phán Ginsburg tới sau cuộc bầu cử, trong khi Trump và Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát khẳng định họ có quyền đề cử và bổ nhiệm thẩm phán mới.
"Tôi nghĩ tương lai vẫn chưa được định đoạt và bất kỳ ai bảo với bạn rằng họ biết điều gì sẽ xảy ra đều là nói dối", Chris Hayes, người dẫn chương trình kênh MSNBC, cho hay. "Chúng ta đang ở một địa vực hoàn toàn chưa được khám phá".
Marco Carnelos, cựu đại sứ Italy tại Iraq, hiện là nhà tư vấn chính trị ở Rome, cho rằng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của "bất ngờ tháng 10" khi Tổng thống Trump đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ đảng Dân chủ trong nhiều cuộc thăm dò dư luận.
Ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden (phải) phát biểu tại nhà thờ Grace Lutheran, ở Kenosha, bang Wisconsin, hôm 3/9. Ảnh: Reuters. |
Mỹ đang là nước báo cáo nhiều ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. Chiến dịch tranh cử của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều cho rằng đối phương sẽ lợi dụng đại dịch để "chơi bẩn".
Phe Cộng hòa đã khiến phe Dân chủ phẫn nộ bằng việc cố gắng chặn ngân sách cho Dịch vụ Bưu điện Mỹ, nhằm giảm số lượng người bỏ phiếu qua thư. Lịch sử cho thấy các cử tri bỏ phiếu qua thư có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.
Trump từng nêu nghi vấn có gian lận trong hoạt động bỏ phiếu qua thư, song ông không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào. Hồi tháng 8, ông tuyên bố "bỏ phiếu qua thư sẽ phá hỏng cuộc bầu cử".
Cùng trong tháng 8, Hillary Clinton nói với MSNBC rằng Joe Biden "không nên nhượng bộ ở bất kỳ tình huống nào" bởi bà nghĩ rằng nhiều khả năng chiến dịch tranh cử của Trump sẽ làm xáo trộn việc bỏ phiếu.
Một ứng viên khác cũng có thể trở thành "bất ngờ tháng 10" là vấn đề Trung Quốc.
Carnelos nhận định việc tạo ra một "sự cố quân sự" với Trung Quốc mà ở đó Mỹ giành thế thắng sẽ là "một quân bài tốt" đối với phe Cộng hòa. "Một cuộc đụng độ nhỏ trên biển, một sự cố giữa chiến đấu cơ hai bên hay bất cứ thứ gì có thể tác động đến tâm lý cử tri Mỹ, khiến họ nghĩ rằng vấn đề của Mỹ chính là Trung Quốc", ông cho biết.
Nhưng theo Gary Sick, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng dưới thời ba cựu tổng thống Mỹ, Tổng thống Trump có nguy cơ bị "phản đòn tồi tệ" nếu cố tình tạo ra một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc vì mục tiêu giành phiếu bầu.
"Không có gì đảm bảo công chúng Mỹ, những người đang thực sự mệt mỏi vì chiến tranh, sẽ phản ứng tích cực với mối đe dọa về một cuộc đụng độ quân sự bắt nguồn từ Trump", ông lưu ý.
Sick cho rằng các quản lý chiến dịch tranh cử Mỹ đã trở nên "ám ảnh thái quá" về việc đối phương có thể tung ra một "bất ngờ tháng 10" nhằm thay đổi kết quả bầu cử.
"Một bất ngờ tháng 10 thường quan trọng đối với chiến dịch tranh cử hơn là đối với cuộc bầu cử", ông nói và thêm rằng những sự kiện như vậy thường có ý nghĩa hơn trong các cuộc đua sít sao với số lượng cử tri chưa quyết định lớn.
Theo Sick, nếu chiến dịch tranh cử của Trump dự định gây bất ngờ vào tháng 10, thì "điều bất ngờ" này nhiều khả năng liên quan đến các vấn đề nội bộ hơn là trên mặt trận chính sách đối ngoại, trong bối cảnh kinh tế Mỹ xuống dốc vì Covid-19 và đất nước hỗn loạn vì các cuộc biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc.
"Đấy mới là những vấn đề đang chiếm trọn tâm trí tất cả mọi cử tri Mỹ", ông nhận định.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Ngày đăng: 15:19 | 28/09/2020
/ vnexpress.net