Giới chức Mỹ ngày 5.10 nói sẵn sàng chặn tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ do lao động Triều Tiên sản xuất ở Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Phóng viên AP mới đây đã lần ngược đường đi của các mặt hàng hải sản như cá hồi, mực, cá tuyết bày bán ở cửa hàng Mỹ, bao gồm cả chuỗi siêu thị lớn như Walmart hay ALDI.
Kết quả là một phần lượng hàng hóa này có nguồn gốc từ Trung Quốc, do lao động Triều Tiên sản xuất. Các lao động này không rời cơ sở sản xuất, được trả một phần tiền lương, và số còn lại chuyển thẳng về Triều Tiên.
Theo AP, điều này có nghĩa người dân Mỹ đang mua hải sản Triều Tiên sản xuất, vô tình tài trợ cho chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cục bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ (CBP) ngày 5.10 tuyên bố sẽ xem xét kỹ lưỡng thông tin mà AP đăng tải, và cấm mọi hàng hóa nhập khẩu có liên quan đến Triều Tiên.
Một số công ty Mỹ bị cho là tiêu thụ hàng hóa do lao động Triều Tiên sản xuất cũng khẳng định sẽ hợp tác với các nhà cung cấp, phục vụ cuộc điều tra của CBP.
Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng nói, việc Triều Tiên đưa nguồn lao động ra nước ngoài càng khiến Mỹ phải áp lệnh cấm vận đối với toàn bộ công nhân Triều Tiên.
Phát ngôn viên này kêu gọi tất cả các quốc gia cần cấm doanh nghiệp của mình sử dụng lao động Triều Tiên.
Trung Quốc là một trong những nước ủng hộ việc trừng phạt Triều Tiên mạnh hơn nữa. Bắc Kinh đã ra lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Triều Tiên, và tuyên bố không tiếp nhận thêm lao động Triều Tiên kể từ năm sau.
Theo AP, trong khi Triều Tiên đối mặt hàng loạt lệnh cấm vận về hàng hóa xuất khẩu, nước này đang gửi hàng chục ngàn lao động đến khắp các quốc gia.
Đội ngũ lao động này mang về nguồn thu khoảng 200-500 triệu USD mỗi năm. Khoản tiền này được cho là đóng góp đáng kể cho chương trình hạt nhân trị giá hơn 1 tỷ USD của Triều Tiên.
Người Triều Tiên được xác định làm việc trong công trường xây dựng ở các nước vùng Vịnh, đóng tàu ở Ba Lan hay làm lâm nghiệp ở Nga. Tại Uruguay, nhà chức trách địa phương nói với AP rằng, có khoảng 90 lao động Triều Tiên làm việc trên các tàu đánh cá vào năm ngoái.
Lao động Triều Tiên làm việc ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc. |
Trong số lao động Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc, có khoảng 3.000 người ở khu công nghiệp thuộc thành phố Hunchun, tỉnh Cát Lâm, cách biên giới Triều Tiên và Nga khoảng vài km.
Phóng viên AP tìm thấy bằng chứng rằng có công nhân Triều Tiên làm việc trong một vài cơ sở chế biến hải sản ở Hunchun. Thị trường tiêu thụ cuối cùng của hải sản ở đây là Mỹ.
Một công ty nhập khẩu ở Mỹ nói họ chưa từng đến Trung Quốc và không nắm được thông tin về lao động Triều Tiên. Công ty này cho biết đã lập tức ngừng giao dịch với đối tác Trung Quốc cho đến khi tình hình được giải quyết.
Phóng viên AP còn quan sát thấy công nhân Triều Tiên còn làm việc trong các nhà máy sản xuất sàn gỗ, hàng may mặc hay đồ điện tử ở Trung Quốc.
Giacomo Santangelo, giáo sư kinh tế tại Đại học Fordham, Mỹ nói rằng, không chỉ có thị trường Mỹ tiêu thụ sản phẩm cho người Triều Tiên sản xuất.
"Giờ chúng ta cần đặt câu hỏi, còn bao nhiêu sản phẩm khác nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng được làm ra bởi người Triều Tiên?", ông Santangelo nói.
Các thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi quan chức chính quyền phải đảm bảo rằng hàng hóa cho Triều Tiên sản xuất không lọt vào Mỹ.
Tuy vậy, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bucknell, Mỹ, Zhu Zhiqun nói giải pháp phong tỏa hàng hóa nhập khẩu sẽ không giải quyết được vấn đề.
"Có quá nhiều lỗ hổng" ông Zhu nói. "Chỉ dùng \'cây gậy\' mà không có \'củ cà rốt\' nào sẽ không làm vấn đề Triều Tiên biến mất".
http://danviet.vn/the-gioi/bat-ngo-dan-my-dang-dung-hang-do-nguoi-trieu-tien-san-xuat-811219.html
Ngày đăng: 10:52 | 07/10/2017
/ Dân Việt