Trong phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất Chính phủ đổi giờ làm. Ông cho rằng, giờ làm nên bắt đầu từ 8h30 và thời gian nghỉ trưa cần ngắn lại. Trước vấn đề này, nhiều đại biểu đồng tình cao và đề nghị chỉ áp dụng ở khu đô thị lớn đối với cán bộ công chức, viên chức.
Trong phiên thảo luận ở hội trường vào chiều qua (31.10), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đã đưa ra đề xuất đổi giờ làm, giờ học. Ông Cảnh đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành quy định các cơ quan hành chính trung ương và cấp tỉnh làm việc từ 8h30 phút sáng, nghỉ trưa 1 tiếng. Đồng thời, ngành giáo dục cũng có nghiên cứu để đổi giờ học đồng bộ giờ làm.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, hiện nay việc quy định thời gian bắt đầu làm việc trong ngày của các vùng miền, trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định; còn ở dưới địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ tình hình địa phương quy định. Căn cứ vào điều kiện đó, giao cho các địa phương cho linh hoạt.
Các địa phương hoàn toàn có quyền điều chỉnh nếu thấy cần thiết. “Đối với nhiều nước, họ nghỉ trưa với thời gian rất ngắn, cho đó là tiết kiệm; nhưng ở Việt Nam, muốn làm cũng không đơn giản vì không dễ gì để thay đổi tâm sinh lý, cách làm đang quen. Việc này rất khó chứ không đơn giản”, ông Lợi nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không nên quy định vào luật. Luật cũng không viết thế, luật chỉ quy định ngày làm 8 tiếng, tuần làm 40 hoặc 48 tiếng, còn thời gian bắt đầu làm việc để các địa phương căn cứ điều kiện của từng nơi mà linh hoạt tính toán.
“Tôi thấy đại biểu Cảnh cũng hay nêu, đề xuất những sáng tạo như đi xe số chẵn, số lẻ. Các nước người ta làm được, học tập kinh nghiệm quốc tế không có nghĩa là vác quốc tế về áp dụng cho Việt Nam. Cái gì hay tiếp thu, cái tiếp thu đó để các địa phương căn cứ điều kiện tự nhiên của họ. Việc này không nên ghi vào luật. Các địa phương hoàn toàn có quyền chủ động”, ông Bùi Sỹ Lợi nói và cho biết về đề xuất của đại biểu, địa phương nào muốn làm hoàn toàn có thể tính toán.
Cũng theo vị đại biểu này, việc áp dụng thời gian bắt đầu làm việc như thế nào là do đặc điểm của từng địa phương, người đứng đầu quyết định sao cho phù hợp. Quan trọng là tạo ra khả năng làm việc tốt nhất, hợp lý nhất, năng suất lao động tốt nhất.
Để có năng suất lao động, có rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là công nghệ. Thứ hai là sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự cho hợp lý. Thứ ba là chất lượng của cán bộ công chức. Thứ tư là điều kiện làm việc. Ngoài ra còn có yếu tố khách quan khác như thị trường, nguyên liệu… Việc giờ làm có tác động nhưng không phải yếu tố quyết định.
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh). Ảnh CN. |
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc đổi giờ học, giờ làm thì cần phải nghiên cứu, đánh giá đầy đủ từ mọi tầng lớp, điều kiện... bởi việc này sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác. Việc thay đổi giờ học, giờ làm không thể áp dụng chung cho cả toàn hệ thống mà tùy vào thực tế từng địa phương, từng vùng.
“Nói một cách nghiêm túc, nếu thay đổi giờ làm của cán bộ công chức, viên chức hay thay đổi giờ học ở các thành phố lớn, thị xã mà đa số học sinh là con của cán bộ công chức thì phù hợp”, bà Mai nói và cho biết ở góc độ đối với con em công nhân, việc này cần phải đánh giá lại.
Cùng quan điểm, đại biểu Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) cho rằng, bản thân vị này cũng đồng ý với những lý do mà đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đưa ra trong phiên thảo luận ngày hôm qua (31.10). Thực tế giờ học và giờ làm việc ở cơ quan nhà nước phải dựa vào Bộ luật Lao động để xây dựng khung thời gian cho phù hợp. Bà Bình cho rằng, việc thay đổi giờ làm việc, giờ học sau 8h ở các khu đô thị lớn là phù hợp.
Ngày đăng: 14:33 | 01/11/2019
/ laodong.vn