Cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị quy định chặt chẽ để hướng tới mục đích quản lý, bảo vệ tốt, không để lộ, lọt bí mật nhà nước nhưng đồng thời cũng phải hạn chế việc “mật hóa văn bản”.
Ảnh minh họa |
Hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, về thể chế, khái niệm bí mật nhà nước còn chung chung, liệt kê gây khó khăn cho việc xác định, quản lý và sử dụng. Phạm vi bí mật nhà nước xác định theo từng cấp độ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên việc lập danh mục của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối tượng thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước chưa bảo đảm tính khả thi. Thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục in, sao, chụp, nghiên cứu, phổ biến, cung cấp, chuyển giao và giải mật bí mật nhà nước còn thiếu, chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch. Trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa cụ thể dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này.
Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, bao gồm nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Chính phủ cho rằng, trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; đồng thời để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.
Hạn chế “mật hóa văn bản”
Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương, 41 điều với nhiều điểm mới so với Pháp lệnh hiện hành. Trong đó, khái niệm bí mật nhà nước được xác định rõ hơn về hình thức, nội dung và tiêu chí; tạo cơ sở để phân biệt giữa bí mật nhà nước với các loại bí mật khác như bí mật đời tư, bí mật công tác, bí mật nội bộ nhằm tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Theo hướng này, khái niệm bí mật nhà nước được xác định là “thông tin, vật, khu vực cấm, địa điểm cấm có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, các lĩnh vực khác, được quy định bằng danh mục bí mật nhà nước, nếu bị lộ, mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung các quy định về nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước; hợp tác quốc tế về bảo vệ bí mật nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm; kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước… Dự thảo Luật sửa quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương.
Cho ý kiến tại phiên họp, UBTVQH cho rằng một số nội dung của dự án Luật có liên quan tới nhiều luật khác như Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ, do đó cần rà soát để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất. Về các quy định liên quan đến hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước, công tác quản lý bí mật nhà nước, UBTVQH đề nghị quy định chặt chẽ hướng tới mục đích quản lý, bảo vệ tốt, không để lộ, lọt. Song, đồng thời cũng phải hạn chế tối đa việc lợi dụng công tác bảo vệ bí mật nhà nước để gây phiền hà, tạo thêm thủ tục trong quản lý, hạn chế việc “mật hóa văn bản”.
Ngày đăng: 10:14 | 14/08/2017
/ Minh Ngọc/baophapluat.vn