Truyền thông Trung Quốc cho rằng các bộ phim truyền hình khai thác đề tài đấu đá nội cung gây "ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội".  

bao trung quoc cong kich phim truyen hinh cung dau
Một cảnh trong phim "Diên Hi Công Lược", bộ phim truyền hình Trung Quốc được tìm kiếm nhiều nhất trên Google năm 2018. Ảnh: SCMP.

SCMP dẫn bài báo đăng trên tạp chí tuần củatờ Beijing Daily ngày 25/1 công kích các bộ phim truyền hình cổ trang. Theo đó, tác giả lập luận rằng các bộ phim cung đấu dài tập cổ xúy lối sống xa hoa thời phong kiến, ca ngợi khoái lạc thay vì hướng người xem tới "sự cần kiệm và chăm chỉ".

Bài báo nhận định cốt truyện của những bộ phim truyền hình loại này thường xoay quanh các thủ đoạn tàn nhẫn, có thể "gây mất cân bằng xã hội". Ngoài ra, tác giả dẫn ý kiến của một quan chức văn hóa vạch ra nhiều "tội" của dòng phim cung đấu. Ví dụ, giới trẻ bị ám ảnh bởi lối sống nhung lụa trong chốn hoàng cung. Biểu hiện của sự ám ảnh là nhiều khán giả "bê" câu từ và lời thoại trong phim vào cuộc sống hàng ngày. Họ cũng thần tượng hóa các nhân vật lịch sử như hoàng đế và phi tần. Hơn nữa, tác giả bài báo cáo buộc các nhà làm phim "mờ mắt" vì lợi nhuận đến từ các hợp đồng quảng cáo mà quên đi vài trò định hướng các giá trị văn hóa, đạo đức cho công chúng.

Đài truyền hình Sơn Đông ngừng chiếu "Diên Hi Công Lược" giữa chừng. Sau đó, "Hậu cung Như Ý truyện" cũng bị đài Giang Tô dừng chiếu từ tập 12. Mạng xã hội Trung Quốc truyền tai nhau thông tin phim truyền hình cung đấu sẽ bị hạn chế phát trên truyền hình sau Tết Âm lịch 2019.

"Diên Hi Công Lược" phá vỡ mọi kỷ lục về lượt xem khi được phát hành vào mùa hè năm ngoái trên trang web video trực tuyến iQiyi, phiên bản Netflix của Trung Quốc. Bộ phim dài 70 tập thu hút hơn 5 tỷ lượt xem trên các dịch vụ phát trực tuyến trong nước và đặc biệt được khán giả nữ yêu thích. Bộ phim cổ trang này cũng được tìm kiếm nhiều nhất trên Google toàn cầu năm 2018.

Bộ phim kể về những cuộc đấu đá chốn hậu cung giữa các phi tần mỹ nữ của Hoàng đế Càn Long hồi đầu thế kỷ 18. Nữ chính Ngụy Anh Lạc, dù xuất thân bình dân, vươn lên địa vị Hoàng Quý phi, địa vị cao quý nhất mà một người Hán có thể đạt được thời đó, nhờ sự thông minh tinh tế, quyết đoán và cả tàn nhẫn.

Nhiều người trên mạng xã hội Weibo lên tiếng bảo vệ "Diên Hi Công Lược", lập luận rằng bộ phim này đóng góp vào phong trào nữ quyền. "Được thôi, chúng ta tiếp tục xem những bộ phim chống Nhật trên truyền hình mỗi ngày vậy", một người châm biếm.

Theo Sina, quy định của cơ quan chức năng gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Khán giả cho rằng, phim ảnh đơn thuần chỉ mang tính giải trí và cơ quan chức năng đang lạm dụng quyền lực để o ép các nhà đài.

"Tôi hiểu ý của tác giả bài báo muốn nói. Để tiến thân, bạn phải giở trò bẩn, phải tàn độc và chơi xấu lẫn nhau. Nhưng chẳng phải đạo đức trong xã hội Trung Quốc ngày nay vốn đã xuống cấp rồi sao", nhà nghiên cứu xã hội Zhang Lijia hiểu lo ngại của giới quản lý văn hóa.

An Hồng

bao trung quoc cong kich phim truyen hinh cung dau Phim cung đấu sốt trở lại trên màn ảnh Hoa ngữ

Với Diên Hy công lược và Như Ý truyện, dòng phim cung đấu một lần nữa khẳng định sức hút sau hơn một thập kỷ ...

Ngày đăng: 15:13 | 29/01/2019

/ VnExpress