Ứng dụng gọi xe từ Singapore được cho rằng đang gặp phải rào cản lớn khi triển khai kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
Bất chấp thỏa thuận giúp mở đường thống lĩnh thị trường đi chung xe ở Đông Nam Á với Uber, Grab vẫn chật vật để phát triển tại Việt Nam. Dịch vụ gọi xe đến từ Singapore chưa nhận được sự chấp thuận của chính quyền địa phương tại các điểm đến du lịch đang lên có vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng của hãng, theo Nikkei Asian Review.
Việt Nam đã triển khai chương trình thí điểm kéo dài 5 năm tới năm 2021 với sự tham gia của 10 công ty bao gồm Grab và các hãng taxi truyền thống. Theo chương trình này, các công ty chỉ có thể cung cấp dịch vụ đi chung xe ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ninh.
Trong tài liệu được phát hành, Grab Việt Nam phàn nàn rằng Khánh Hòa đã không cung cấp hướng dẫn chi tiết cho Grab nhưng lại cho phép các hãng taxi khác khai thác dịch vụ thử nghiệm đi chung xe trong tỉnh.
“Chúng tôi đang gặp vấn đề khi ra mắt dịch vụ tại Khánh Hòa mặc dù địa phương này nằm trong chương trình thử nghiệm 5 năm”, một đại diện của Grab nói với Nikkei Asian Review.
Tài xế GrabBike tại Hà Nội. (Ảnh: Nikkei)
Chính quyền Khánh Hòa cho phép dịch vụ GrabTaxi tại thành phố Nha Trang hoạt động với điều kiện Grab chỉ được hợp tác với với các công ty taxi có trụ sở tại thành phố và đội taxi của hãng bị giới hạn ở mức 1.200 xe.
Tuy nhiên, Grab nhanh chóng bị chính quyền cáo buộc vi phạm quy tắc khi chấp nhận tài xế từ các địa phương khác và ô tô cá nhân để cung cấp dịch vụ ở Nha Trang, gây ra tắc nghẽn trong thành phố.
Một đại diện từ Sở Giao thông Vận tải của Khánh Hòa cho biết, các cơ quan chức năng "không thể phê duyệt hoạt động của Grab vì cơ sở hạ tầng giao thông ở Nha Trang đã bị khai thác quá mức, hiện nay vấn đề tắc nghẽn đang diễn ra trên nhiều tuyến đường".
Grab cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm GrabTaxi, GrabBike, GrabShare và giao hàng, tại các khu vực thí điểm. Hãng đang nóng lòng mở rộng các dịch vụ này sang các khu vực khác tại Việt Nam. Đầu năm nay, Grab đã mua lại mảng kinh doanh ở Đông Nam Á của Uber, qua đó loại bỏ một đối thủ mạnh trong cuộc chiến khốc liệt về giá ở khu vực.
Để duy trì tăng trưởng ở Việt Nam, việc mở rộng mang ý nghĩa quyết định đối với Grab khi các thành phố trong chương trình thí điểm ngày càng thu hút nhiều du khách nước ngoài.
Theo các nhà quan sát, mục tiêu này trở nên cấp bách khi các công ty khởi nghiệp của Việt Nam như Fastgo, Aber và VATO mở rộng hoạt động, trong khi các đối thủ nước ngoài, bao gồm Go-Jek của Indonesia, thông qua đối tác địa phương là Go Viet, và MVL của Singapore, đang thâm nhập thị trường.
Trong tháng 6, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam đã từ chối đề xuất mở rộng dịch vụ của Grab, bao gồm xe ôm và giao hàng, sang các tỉnh khác, đặc biệt là các điểm du lịch của Ninh Bình, Ninh Thuận và Lâm Đồng, theo chương trình dịch vụ thương mại điện tử.
Theo Grab, kế hoạch mở rộng gặp phải rào cản khi chính quyền địa phương phân loại dịch vụ đi chung xe. Một số người cho rằng chính quyền địa phương từ chối tiếp nhận Grab dù không có căn cứ pháp lý để bảo vệ các hãng taxi địa phương. Các hiệp hội taxi ở những nơi cung cấp dịch vụ Grab phàn nàn rằng họ bị mất thị phần do đối thủ cạnh tranh quá mạnh.
Trong khi đó, Cục quản lý Cạnh tranh Việt Nam vẫn đang đánh giá thỏa thuận Grab-Uber. Vào tháng 5, cơ quan giám sát chống độc quyền cho biết thị phần của Grab tại Việt Nam sau vụ mua lại đã vượt quá 50%.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tuần trước, Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, việc không giới hạn đội xe của Grab nhưng lại hạn chế đội xe của các nhà khai thác taxi khác, đã dẫn tới số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi có hợp đồng với Grab tăng cao.
Sau hai năm đầu tiên của chương trình thí điểm, số lượng taxi công nghệ đã cao gấp 3 lần taxi truyền thống. Điều này làm cản trở quy hoạch giao thông tại các thành phố lớn và gây tắc nghẽn giao thông.
Ngày đăng: 10:10 | 28/08/2018
/ https://vtc.vn