Vấn nạn bạo hành y tế đang ngày càng gia tăng, như mũi dao khoét sâu vào trái tim người thầy thuốc. Nỗi đau ấy sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ và khi nào chấm dứt?
Bệnh viện 115 Nghệ An báo cáo chính thức về vụ bạo hành y tế |
\'Điểm danh\' 7 vụ bạo hành y, bác sỹ gây thương vong |
Từ đầu năm đến nay, trên cả nước, ở các cơ sở y tế khám chữa bệnh đã xảy ra nhiều sự vụ người nhà bệnh nhân hoặc bệnh nhân gây gổ, hành hung các y, bác sĩ. Trong đó, có nhiều vụ rất nghiêm trọng, gây thương tích nặng nề. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý, gây nên sự căng thẳng và chán nản đối với các thầy thuốc.
Mới đây nhất, tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Quận 2 (TP.Hồ Chí Minh) tiếp nhận một bệnh nhân nam bị ngã xe máy, phải khâu lại vết thương dài và sâu. Tuy nhiên, khi chuẩn bị làm thủ thuật, bệnh nhân này nhất quyết không chịu nằm xuống mà xô đẩy bác sĩ, chống cự quyết liệt và tự ý bỏ về. Sau đó, khoảng 15 phút, bệnh nhân quay lại và mang dao xông vào khoa chém vào mặt bác sĩ. Sau khi gây thương tích cho bác sĩ, bệnh nhân này còn cầm dao ra phía ngoài, gặp bất kỳ ai mặc áo blouse đều chạy đến chém. Cả Bệnh viện Quận 2 hoảng loạn và sợ hãi.
Đứng trước hàng loạt vụ bạo hành, các y, bác sĩ không khỏi hoang mang, lo lắng. Có không ít người cả trong và ngoài ngành đã lên tiếng, làm thế nào để có một môi trường làm việc an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế. Làm thế nào để họ tập trung làm việc mà không phải sợ hãi?
Nhiều bác sĩ lên tiếng trên các diễn đàn, tổ chức tọa đàm, kêu gọi mọi người cùng chung tay chống lại nạn bạo hành y tế. Có người đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình trên báo chí rằng, học tập và nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, chưa thấy nơi đâu mà nhân viên y tế lại bị xúc phạm nhiều như ở Việt Nam. Họ cảm thấy chua xót và bất lực. Với số lượng bệnh nhân đông và bệnh nặng, các bác sĩ luôn nỗ lực cứu chữa. Nhưng mỗi lần nghe tin và tận mắt chứng kiến cảnh đồng nghiệp bị đối xử tàn bạo, họ rất đau đớn và niềm tin vào lý tưởng nghề nghiệp suy giảm.
Hiện tượng hành hung nhân viên y tế ngày càng gia tăng.
Tôi đã từng bật khóc khi nghe và thấy những giọt nước mắt của người thân mình làm điều dưỡng rơi xuống. Nhiều khi bệnh viện quá tải cấp cứu, ai nặng hơn thì phải xử lý trước, hay theo quy định của bệnh viện, để đảm bảo cho sức khoẻ người bệnh và công tác điều trị tốt là người nhà bệnh nhân chỉ được vào thăm theo giờ nhất định. Nhưng, giải thích không phải ai cũng hiểu, nhiều lần bị người nhà bệnh nhân chỉ thẳng tay vào mặt, bị chửi bới thậm tệ...
Tôi thiết nghĩ, nếu một lần thôi, dù chỉ một lần, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân đặt mình vào vị trí của nhân viên y tế, làm việc liên tục tại khoa Cấp cứu, trên nhà mổ, trong phòng chụp X-quang... với cường độ lao động cao nhất. Tôi tin rằng, mọi người sẽ có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn, để thông cảm và chia sẻ hơn với áp lực của những người làm nghề Y.
Tôi hoàn toàn đồng tình rằng những hiện tượng y, bác sĩ hống hách, thiếu trách nhiệm, ứng xử không đúng chuẩn mực... cần lên án và phải xử lý thật nặng để làm gương. Nhưng xã hội cũng cần chế tài đối với những hành vi bạo hành y tế, để các thầy thuốc được bảo vệ trong quá trình công tác.
Hàng trăm vụ việc gây thương tổn cả về thể chất lẫn tinh thần cho nhân viên y tế cứ liên tiếp diễn ra trong cộng đồng. Đã đến lúc hồi chuông báo động vang lên. Và, hành vi hành hung thầy thuốc cần phải được xử lý như chống đối người thi hành công vụ? Để họ được làm việc trong một môi trường nhân văn, phi bạo lực và hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
http://www.nguoiduatin.vn/bao-hanh-y-te-mui-dao-khoet-sau-vao-trai-tim-nguoi-thay-thuoc-a341599.html
Ngày đăng: 09:14 | 07/10/2017
/ Phong Lan/nguoiduatin.vn