Giải thích của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong hội nghị tổng kết ngành mới đây về các phương án tăng tuổi nghỉ hưu (nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nam lên 62 tuổi và của nữ lên 60 tuổi, bắt đầu thực hiện lộ trình từ năm 2021) cho thấy đây là câu chuyện còn gây nhiều tranh cãi khi mỗi người tiếp cận vấn đề ở một góc độ khác nhau. Cho nên, chính sách khi áp dụng cần được xây dựng vì lợi ích của số đông người lao động.
Sau khi tham gia đóng góp khi đang lao động thì mỗi người sẽ được chu cấp lương hưu khi hết tuổi lao động.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Doãn Mậu Diệp thì trong Dự thảo sửa đổi Luật Lao động đang đưa ra phương án độ tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi sẽ dừng lại, nhưng về lâu dài, sẽ hướng tới tăng dần lên tuổi 65. Bộ cũng dự thảo thêm một phương án khác là tăng dần độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để tránh những cú sốc trong thị trường lao động.
Theo Thứ trưởng Diệp: “Chúng ta mong muốn thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây cũng là nội dung trong Công ước CEDAW về không phân biệt đối xử với phụ nữ”. Thậm chí theo ông Diệp nhiều tính toán của các tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới đều kiến nghị Việt Nam cần tăng độ tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân bằng quỹ BHXH trong dài hạn.
Trước hết cần khẳng định quyền được nghỉ ngơi sau những năm tháng quá dài lao động, cống hiến là một trong những quyền quan trọng của con người. An sinh xã hội là bước tiến bộ vượt bậc của xã hội loài người trong đó bảo hiểm xã hội là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của mỗi nước để đảm bảo rằng sau khi tham gia đóng góp khi đang lao động thì mỗi người sẽ được chu cấp lương hưu khi hết tuổi lao động.
Đời người, cho dù theo con số thống kê xã hội học nào đó, là đang đạt tới tuổi thọ trung bình cao hơn, thì suy cho cùng vẫn đang là hữu hạn. Ước mơ bất lão trường sinh vẫn là ước mơ không có thực của loài người. Cho nên, nếu lý luận rằng vì con người ngày nay đã sống thọ quá rồi nên phải kéo dài thêm thời gian lao động (tất nhiên, các nhà lý luận sử dụng bằng ngôn ngữ khác, mỹ từ khác) vì các vị lĩnh lương hưu nhiều năm quá sẽ vỡ mất quỹ bảo hiểm xã hội thì e rằng đó là một kiểu lý luận đi ngược lại với tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội.
Hơn nữa, chúng ta tính đến vỡ quỹ bảo hiểm nhưng còn phải tính đến khả năng người trẻ thất nghiệp vì người già lâu về hưu. Cũng như không nên nghĩ rằng đã 50 năm chúng ta chưa thay đổi chính sách quy định tuổi nghỉ hưu trong khi các nước đã thay đổi nên ta cũng đã đến lúc cần thay đổi. Bởi vì, sự thay đổi phải được căn cứ vào nhu cầu và thực tiễn đời sống, trên cơ sở đảm bảo cho quyền lợi của số đông người lao động, cùng như phù hợp với từng đối tượng lao động khác nhau.
Nghỉ hưu ở Việt Nam theo thói quen tư duy bao cấp vẫn được hiểu như là rời ra khỏi bộ máy các cơ quan nhà nước (và như thế trở thành một sự thất thế). Trong khi sự thật hiện nay với rất nhiều thành phần kinh tế khác nhau, những người lao động phổ thông nặng nhọc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chắc chả mong gì việc còm cõi lao động, còm cõi đóng bảo hiểm để phải lao động thêm vài năm nữa mới được cầm cuốn sổ trả lương hưu.
Vì thế rất may là trong đề xuất các phương án thay đổi tuổi nghỉ hưu, cũng đã tính đến cả quy định về chế độ được quyền nghỉ hưu sớm hơn đối với các khu vực lao động nặng và độc hại, chứ không phải chỉ tăng tuổi nghỉ hưu. Cũng theo Thứ trưởng Diệp, đã tính đến những khu vực trí thức có trình độ cao thì tăng hơn nữa tuổi nghỉ hưu so với mặt bằng chung. Trong cả 2 trường hợp này, đều giảm hoặc tăng không quá 5 năm.
Được biết việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần trong quá trình xây dựng hoàn thiện pháp luật nhiều năm qua. Năm 2007 được đưa ra một lần khi bàn về Luật Bình đẳng giới, mấy năm sau đó vấn đề này lại được đưa khi bàn về Luật Lao động sửa đổi 2012, rồi Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Nhưng tất cả các lần đó, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động dù đã được bàn nát nước cũng đều không được Quốc hội nhất trí thông qua. Lần này, việc rậm rạp bàn tới cũng đã mấy năm, nhiều phương án được đưa ra và chưa biết tới đây có được Quốc hội thông qua hay không. Nhưng việc liên quan đến cuộc sống và quyền lợi của rất đông người lao động hiện nay rõ ràng là việc nhạy cảm, sự thận trọng đến cơ sở khoa học và nhân văn là không thừa.
Chúng ta phải tốn rất nhiều năm mới có một phẫu thuật viên giỏi, một bác sĩ giỏi, một nhà giáo giỏi – đến tuổi 55, 60 đã nghỉ hưu là lãng phí chất xám. Chúng ta có những cán bộ quản lý giỏi mà nghỉ hưu ở tuổi nào đó cũng là đáng tiếc. Nhưng chúng ta cần xây dựng khu vực chính sách riêng cho họ, thay cho việc vì tiếc họ mà bắt đông đảo người lao động vẫn phải làm việc cật lực khi sức khoẻ họ không còn cho phép. Chưa kể là sự điều tiết của cơ chế thị trường sẽ khiến không có người giỏi nào lại không có vị trí để cống hiến cho xã hội (đâu phải chỉ làm việc trong bộ máy nhà nước mới là cống hiến).
Nghỉ ở tuổi nào cho hợp lý? Chính sách lần này cần phải được xây dựng để áp dụng phù hợp với từng điều kiện lao động khác nhau. Đã đến lúc nghỉ hưu đồng loạt không phân biệt vị trí và hiệu suất công tác của từng người lao động là không hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Lao động lý giải về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh dần dần để tránh ảnh hưởng thị trường lao động và phù ... |
Sẽ tăng độ tuổi nghỉ hưu từ năm 2021?
Từ 01/01/2021 cứ mỗi năm độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. |
Tăng tuổi hưu chẳng có nghĩa lý gì!
Hiện nay, mất cân bằng quỹ BHXH không phải do tuổi nghỉ hưu thấp mà do đóng-hưởng không cân đối. |
Ngày đăng: 17:00 | 19/01/2018
/ Cẩm Anh/Đại Đoàn Kết