Thay vì đầu tư nghìn tỷ đào tạo "gà chọi", thể thao Việt Nam nên quan tâm nhiều hơn đến thể thao phong trào để hướng đến đấu trường Olympic.
Nguyễn Huy Hoàng, người Việt Nam hiếm hoi đạt đẳng cấp hàng đầu châu Á ở một môn Olympic, được tuyển chọn từ địa phương khi mới 12 tuổi, lên đội tuyển rồi được xếp vào diện đầu tư trọng điểm. Đó là quy trình luyện "gà chọi" của thể thao Việt Nam ở hầu hết các môn.
Đứng đầu bảng xếp hạng huy chương Olympic Tokyo 2020 là hình mẫu lý tưởng của mô hình "gà chọi". Thành công của người Trung Quốc ở đấu trường quốc tế gắn liền với câu chuyện về những chương trình đào tạo vận động viên khắc nghiệt từ nhỏ đến lớn.
Việc Trung Quốc đứng đầu về số huy chương vàng và thống trị ở 6 môn của kỳ Thế vận hội lần này cho thấy chiến lược luyện "gà chọi" không phải là hạ sách. Nhưng khi học theo nền thể thao của quốc gia tỷ dân, chúng ta thiếu đi yếu tố làm nền tảng là quy mô sàng lọc.
Trung Quốc nổi tiếng với chiến lược đào tạo VĐV kiểu "gà chọi". |
Thể thao Việt Nam chọn "gà chọi" từ một mẫu số quá nhỏ, dẫn đến xác suất thành công càng thấp. Nếu may mắn chọn đúng môn, đúng người, đúng thời điểm, cũng không có gì đảm bảo thành công nối tiếp thành công. Điều đó khiến những tấm huy chương Olympic mà thể thao Việt Nam giành được cho đến nay vẫn chỉ là kỳ tích xuất hiện một lần.
Bài toán của thể thao Việt Nam sau thất bại ở Olympic Tokyo 2020 có lẽ không phải là đầu tư trọng điểm vào môn nào và chi tiền thêm bao nhiêu.
Thể thao kiểu Mỹ
Trên bảng xếp hạng Olympic Tokyo 2020, đứng sau đoàn Trung Quốc lại là những đại diện của một trường phái hoàn toàn trái ngược. Mỹ, Nhật Bản, Australia lấy nền tảng là thể thao học đường và thể thao quần chúng. Người Mỹ là đỉnh cao của cách làm này, với thứ "đặc sản" được gọi là Hiệp hội vận động viên thuộc các trường đại học (NCAA).
Gabrielle Thomas tốt nghiệp Đại học Harvard chuyên ngành khoa học thần kinh và hiện đang học Thạc sĩ ngành dịch tễ học ở Đại học Texas. Nhưng nước Mỹ biết đến cô gái 24 tuổi đến từ Atlanta này với tư cách vận động viên giành huy chương đồng trên đường chạy 200m ở Olympic Tokyo 2020.
Có tới hơn 400 vận động viên, chiếm khoảng 3/4 lực lượng của đoàn thể thao Mỹ dự Thế vận hội lần này là những người như Thomas. Họ theo nghiệp thể thao thông qua hệ thống của NCAA. Đây là nguồn cung cấp VĐV trình độ cao không chỉ cho đoàn thể thao Mỹ. Theo thống kê của NCAA, có tới hơn một nghìn VĐV tranh tài tại Olympic Tokyo 2020 đã hoặc đang nằm trong hệ thống của họ.
Gabrielle Thomas là cựu sinh viên Đại học Harvard. |
Ở Mỹ, sức hút của các giải đấu của NCAA chỉ đứng sau một số giải nhà nghề. Các vận động viên thuộc NCAA khi đạt được trình độ và thành tích đủ tốt sẽ chuyển hẳn sang chuyên nghiệp. NCAA tự hào là cái nôi đào tạo nên những ngôi sao hàng đầu thế giới cho thể thao Mỹ, như Simon Biles (thể dục dụng cụ) hay Kathleen Ledecky (bơi).
Ở quy mô nhỏ hơn, đối với một môn thể thao, thể thao Việt Nam có thể nhìn sang cách Hàn Quốc phát triển môn bắn cung từ thể thao học đường. Các cấp học cũng chính là các giai đoạn sàng lọc cung thủ tài năng.
Hàn Quốc bắt đầu chương trình này từ năm 1981, khi họ nhận quyền đăng cai Olympic Seoul 1988. Thành quả của họ là 39 tấm huy chương bắn cung trong đó có 23 huy chương vàng, chiếm 1/4 tổng số HCV mà thể thao Hàn Quốc giành được kể từ Thế vận hội năm 1984 đến nay. Kim Jae-dok, giành HCV Olympic Tokyo 2020, chỉ là một học sinh cấp 3.
Đừng bỏ phí thể thao phong trào
Việt Nam không phải không có thể thao phong trào tiềm năng. Cầu lông, bóng rổ đều là những môn phổ biến trong quần chúng và được đưa vào chương trình giảng dạy giáo dục thể chất. Tuy nhiên, sự chuyển tiếp từ phong trào lên chuyên nghiệp gần như không tồn tại.
Chúng ta có những sân chơi như hội khỏe Phù Đổng, Giải thể thao sinh viên Việt Nam (VUG)... Tuy nhiên, một hệ thống như NCAA hay bắn cung Hàn Quốc không chỉ có những giải đấu, mà quan trọng là các chương trình đào tạo từ các đơn vị thành viên, chính là các trường học.
Có 2 thứ cản trở thể thao học đường ở Việt Nam. Thứ nhất là điều kiện cơ sở vật chất. Thứ hai là sự nhìn nhận, hay mức độ coi trọng của công chúng và sự nghiêm túc của người chơi phong trào đối với nghề thể thao.
Có thể tìm được bao nhiêu vận động viên từ hàng vạn người chơi phong trào, khi thi đấu thể thao chưa bao giờ là một nghề được xem trọng và có nhiều cơ hội về mặt kinh tế? Việc học các môn văn hóa do đó vẫn được đề cao gần như tuyệt đối. Giải thể thao không có giá trị như giải học sinh giỏi toán.
Phát triển thể thao phong trào vì thế có thể tốn kém tiền bạc và thời gian hơn so với việc đầu tư nghìn tỷ đồng luyện "gà chọi". Dẫu vậy, thể thao Việt Nam cũng không nên tiếp tục bỏ phí nguồn lực đầy tiềm năng mà gần như chưa được tận dụng.
Minh Ngọc
Olympic Tokyo bình yên, bác sĩ sốt ruột xin ra ngoài chống dịch COVID-19 |
Giành huy chương vàng Olympic, VĐV được thưởng thế nào? |
Ngày đăng: 12:36 | 06/08/2021
/ vtc.vn