Thời gian qua, liên tiếp xảy ra vụ việc đau lòng người mẹ ôm con tự vẫn, hay mẹ sát hại con, sau đó tự tử. Hầu hết ở những vụ việc này người mẹ đều có bệnh trầm cảm hoặc có dấu hiệu trầm cảm nhưng chưa được phát hiện.

Trầm cảm sau sinh ngày càng được phát hiện nhiều, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến hành vi nguy hiểm. Tuy nhiên, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức, nhưng hiện nay có khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.

Trầm cảm tới mức cầm dao tự rạch bụng

Nữ bệnh nhân T.T.B.T (21 tuổi, Quảng Bình) được gia đình đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng la hét, cáu gắt. Người mẹ trẻ khởi phát bệnh trầm cảm sau 13 ngày sinh nở. Nhìn cô gái trẻ vật vã đau khổ với những biểu hiện của bệnh trầm cảm sau sinh, ai cũng chạnh lòng.

IMG_7568-1657062622118
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhân trầm cảm sau sinh.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, T đang là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học tại Quảng Bình đã tạm nghỉ học để lập gia đình. Do có thai trong quá trình đang học và chưa cưới nên T đã trải qua những ngày tháng căng thẳng. Cô thuận lợi sinh con, được mẹ ruột chăm sóc, kinh tế gia đình ổn định. Do sinh con khi tuổi còn trẻ, những ngày đầu cô khá mệt mỏi khi con quấy khóc. Bên cạnh đó, chồng lại ít quan tâm, không hay chia sẻ tâm sự với vợ.

Dần dần, áp lực trông con, lại hay suy nghĩ, đến ngày thứ 13 sau sinh, T có biểu hiện ngủ kém, mỗi đêm ngủ được khoảng 3-4 giờ, hay thức giấc và dậy sớm. Sau đó T luôn có cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, ít nói chuyện với mọi người hơn trước, hay ngồi một mình, vẻ mặt buồn rầu, hay khóc lóc, ăn uống kém ngon miệng và hay suy nghĩ tiêu cực, bi quan về cuộc sống.

Chia sẻ về ca bệnh này, ThS.BS Nguyễn Thị Ái Vân, Phòng Điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dấu hiệu trầm trọng hơn của người bệnh là không để tâm tới việc chăm sóc con, không thể hiện tình cảm với con, cảm giác khó chịu khi nghe tiếng con khóc. Đỉnh điểm của những rối loạn cảm xúc này là T có hành vi dùng dao rạch bụng để tự sát, nhưng được người nhà phát hiện kịp thời đưa vào Bệnh viện Cuba Quảng Bình xử trí khâu vết thương, sau đó chuyển tới Khoa Tâm thần điều trị tiếp.

Sau quá trình điều trị, dấu hiệu bệnh giảm, T vui vẻ và hợp tác với người thân hơn, bớt buồn chán. Tuy nhiên, khi về nhà, cô lại la hét, cáu gắt với mọi người, chống đối không chịu uống thuốc. Trước dấu hiệu bệnh tăng nặng, T được người nhà đưa tới Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 23/5. Tại đây, các bác sĩ kết luận T bị rối loạn hành vi và tâm thần nặng kết hợp với thời kì sinh đẻ bị trầm cảm chiếm ưu thế và có hành vi tự sát. Sau điều trị gần 1 tháng, T đã đỡ hơn và được xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, đây không phải là trường hợp trầm cảm nặng nề sau sinh hiếm gặp mà Viện điều trị. Trong năm 2021, Viện tiếp nhận 27 sản phụ có biểu hiện bị rối loạn tâm thần sau sinh, trong đó có nhiều ca có ý tưởng tự sát.

Nguy cơ tái phát cao

Theo PGS Tuấn, những trường hợp nặng nề có hành vi tự sát được gia đình đưa vào viện hoặc một số ca có ý tưởng tự sát, người bệnh chia sẻ với gia đình được gia đình đưa tới viện. Tuy nhiên, còn rất nhiều trường hợp sản phụ có biểu hiện nhẹ hoặc không chia sẻ, cố tình giấu bệnh, lâu dần dẫn tới bệnh nặng nề hơn.

Hoặc có trường hợp biểu hiện bằng triệu chứng khác như mệt mỏi, mất ngủ, tức ngực, nhưng không đến viện mà đi khám chuyên khoa về thần kinh, tim mạch nên không tìm ra được căn nguyên để điều trị. Thậm chí, có người mắc bệnh nhưng không đi khám và điều trị đúng chuyên môn, lại đi tìm thầy cúng, để mất “thời gian vàng" điều trị khiến bệnh càng trầm trọng hơn. 

Trầm cảm sau sinh ngày càng được phát hiện nhiều hơn. Theo Viện Sức khỏe tâm thần, tỷ lệ bệnh nhân tới khám tại viện gia tăng gấp đôi so với đợt dịch COVID-19. Trước đây, trung bình một ngày có khoảng 150 bệnh nhân đến khám, nhưng hiện nay con số này là khoảng 250-300 bệnh nhân, trong đó liên quan đến trầm cảm khoảng 20-30%, bao gồm cả trầm cảm sau sinh.

Tiến sĩ Vũ Thị Cầm, Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác hay những vấn đề tâm lý khác). “Có sản phụ sinh con thứ nhất bị trầm cảm, sinh con thứ hai tái phát, sinh đến con thứ 3 cũng tiếp tục mắc trầm cảm. Có người trước đó có tiền sử trầm cảm, sau khi mang thai sinh con tái phát. Trầm cảm rất dễ tái phát, nếu không tuân thủ điều trị, bỏ dở điều trị thì lần tái phát sau nặng hơn lần trước”, TS Cầm nói.

Theo các bác sĩ, quan trọng nhất là người bệnh phải được phát hiện sớm và điều trị sớm. Tuy nhiên, theo PGS Tuấn, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức nhưng hiện nay có khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế. Điều này rất khó để can thiệp, hỗ trợ cho sản phụ không rơi vào bệnh cảnh nặng nề hơn dẫn tới việc họ có ý nghĩ tự sát hoặc thực hiện hành vi tự sát cả mẹ lẫn con.

Theo các chuyên gia tâm lý, sự đồng hành của gia đình với phụ nữ sau sinh rất quan trọng để hỗ trợ về mặt tâm lý kịp thời. Gia đình nên dành thời gian quan tâm chăm sóc người phụ nữ sau sinh, đặc biệt là người chồng cần phải luôn lắng nghe cảm thông và tạo điều kiện cho người vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Những người trong gia đình chia sẻ trông con giúp sản phụ ban đêm… Khi người mẹ có dấu hiệu thay đổi cảm xúc như buồn rầu, mất ngủ, ăn kém, dễ cáu, dễ khóc, hãy chia sẻ, giúp đỡ và đưa ngay đến khám chuyên khoa, đừng để họ tự chịu đựng dẫn đến bệnh nặng phải nhập viện.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi mắc trầm cảm, người bệnh phải tuân thủ liệu trình điều trị, không được bỏ dở. Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hợp tác với các bác sĩ và chuyên gia để giúp đỡ cho người thân của mình như: Theo dõi những dấu hiệu, triệu chứng nặng của trầm cảm như lời nói thoáng qua hay kế hoạch của việc tự sát, hay việc tự làm hại bản thân, hay từ chối điều trị bằng việc bỏ thuốc, giả vờ uống thuốc. Gia đình phải thấy rõ điều đó, để trao đổi với bác sĩ có can thiệp kịp thời.

Ngày đăng: 12:12 | 06/07/2022

Trần Hằng / CAND