Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến việc sản xuất, mua bán thuốc tây không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Cụ thể, ngày 20/4/2024, Công an quận 10, TP Hồ Chí Minh, đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng liên quan gồm: Lữ Phú Thám (SN 1980), Dương Thị Thu Thảo (SN 1983) và Lê Thị Ánh Nga (SN 1985; cư trú tại phường 4, quận 8) về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; khởi tố, bắt tạm giam Đặng Thị Hồng Duyên (SN 1984, cùng trú tại phường 15, quận 10) về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Báo động tình trạng mua bán thuốc tây giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ -0
Lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn thuốc giả các loại tại nơi ở và kho chứa hàng của Thám và Duyên.

Quá trình điều tra, Công an quận 10 xác định đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả trên do Lữ Phú Thám cầm đầu, hoạt động từ đầu năm 2022 đến nay. Các đối tượng Dương Thị Thu Thảo, Lê Thị Ánh Nga giúp sức sản xuất, Đặng Thị Hồng Duyên tham gia tiêu thụ. Thủ đoạn của các đối tượng là thu gom các loại tân dược sắp hết hạn sử dụng, giá rẻ, đưa về nhà của Thám tại phường 15, quận 10 dùng kéo cắt phần ngày sản xuất, hạn sử dụng (date) dập nổi trên mỗi vỉ thuốc. Sau đó, in date mới vào mặt sau vỉ thuốc thành hạn sử dụng đến năm 2025, 2026; đặt in vỏ hộp, hướng dẫn sử dụng để đưa thuốc giả vào tiếp tục đưa ra thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các đối tượng còn thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường, sau đó dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc tạo thành loại thuốc mới tiếp tục đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao nhằm thu lợi bất chính…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 10 đã đồng loạt khám xét khẩn cấp nhiều địa điểm là nơi ở, nơi chứa hàng giả của các đối tượng có liên quan. Kết quả khám xét đối với Duyên, cơ quan Công an thu giữ 39 thùng thuốc, chứa 6.022 lọ, chai thuốc giả, không rõ hóa đơn chứng từ về nguồn gốc xuất xứ. Khám xét tại nơi ở và kho chứa hàng của Lữ Phú Thám thu giữ 109 thùng thuốc, chứa hơn 100.000 vỉ, hộp, chai, ống thuốc giả các loại; hơn 35.000 vỏ hộp, tem, nhãn thuốc giả; các máy in date, máy ép nhiệt và các công cụ, dụng cụ sản xuất thuốc giả.

Cá biệt trong các loại thuốc bị làm giả có thuốc Magnesium B6, cơ quan điều tra thu giữ được 14.706 vỉ thuốc giả (đã cắt date cũ và in date mới). Tuy nhiên, qua làm việc với nhà sản xuất tại Việt Nam được biết loại thuốc này đã ngừng sản xuất từ năm 2017 do có hoạt chất cấm sử dụng cho người…

Liên quan trực tiếp đến vấn đề này, từ đầu năm 2024 đến nay, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh liên tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhiều nhà thuốc tây, hộ kinh doanh thuốc vì hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Mới đây nhất (ngày 16/4), Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã công bố quyết định xử phạt hộ kinh doanh nhà thuốc Vạn Hạnh (20 Nam Cao, khu phố 1, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) số tiền 27,8 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ (Thuốc Operaz - 20, Azicine 250mg, Metronidazol 250, Simvastatin 20mg); buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, vào đầu tháng 1 và 2/2024, hàng chục nhà thuốc cũng bị xử phạt từ 15 đến hơn 40 triệu đồng vì các lỗi vi phạm như: Bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc, hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược, mua bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Đơn cử như Nhà thuốc tây 41 (166 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) bị phạt 31,3 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có trên dưới 6.500 nhà thuốc tư nhân, phân bố khắp 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các nhà thuốc thường ở khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp... Do đó, việc quản lý cũng như theo dõi các hoạt động mua bán các mặt hàng thuốc tây của các nhà thuốc này cũng khá khó khăn, phức tạp.

Và thực tế các vụ việc sản xuất, mua bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ xảy ra trên diện rộng và ở nhiều địa bàn của TP Hồ Chí Minh mà cơ quan Công an cũng như Thanh tra Sở Y tế phát hiện, xử lý, xử phạt như vừa qua đã cho thấy thực trạng đáng báo động về chất lượng của không ít số thuốc tây lưu thông trên thị trường. Trong khi đó, việc nhận biết vấn đề thuốc thật - giả đối với người sử dụng không phải chuyện dễ dàng, nếu không muốn nói là bất khả thi!

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay việc bán thuốc qua mạng xã hội, livestream (phát trực tiếp) qua mạng xã hội hay nói cách khác là hình thức kinh doanh dược phẩm trực tuyến cũng khá rầm rộ nhưng chưa được pháp luật công nhận. Do đó, việc bán thuốc qua mạng xã hội, livestream là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, để đảm bảo an toàn, không để tình trạng buôn bán thuốc, dược phẩm trái quy định pháp luật, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường, thường xuyên theo dõi việc quảng cáo, kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử.

Người dân khi phát hiện đơn vị, cơ sở nào kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể báo lên ứng dụng y tế trực tuyến hoặc đường dây nóng của Sở Y tế. Trên cơ sở đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm ngay sau khi nhận được phản ánh.

https://cand.com.vn/Ban-tin-113/bao-dong-tinh-trang-mua-ban-thuoc-tay-gia-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-i729004/

Ngày đăng: 08:31 | 23/04/2024

Phú Lữ - Bến Đoàn / CAND